Aa

Rốt ráo trên hành trình nâng hạng thị trường chứng khoán

Thứ Bảy, 16/09/2023 - 05:55

Cuối tháng 9/2023 là tròn 5 năm kể từ khi tổ chức xếp hạng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán. Chưa có thêm bậc cao mới, nhưng quyết liệt là điều thấy rõ.

Tiềm năng lớn 

Bên kia bán cầu, tại một trong những thị trường vốn có quy mô lớn nhất toàn cầu, VinFast Auto Ltd - công ty con của Tập đoàn Vingroup đã niêm yết và giao dịch cổ phiếu gần 1 tháng qua. Bên cạnh câu chuyện giá cổ phiếu dao động mạnh, liên tục được chú ý và trở thành cổ phiếu xu hướng trên sàn Nasdaq thời gian dài, con số khối lượng giao dịch của cổ phiếu VFS cũng đầy ấn tượng. Ở phiên sôi động nhất, khối lượng giao dịch gấp tới trên 4 lần tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên sàn.

Điều này là không thể trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nhưng hoàn toàn là câu chuyện thực tế của tương lai khi cơ chế giao dịch trong ngày (Daytrading), giới đầu tư gọi tắt là T+0 được triển khai. Đây là phương thức cho phép nhà đầu tư có thể mua và bán cùng một loại chứng khoán nhiều lần trong ngày với mục đích đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận hoặc để hạn chế rủi ro khi giá chứng khoán biến động theo chiều hướng đi xuống so với thời điểm mua vào.

Khái niệm “giao dịch trong ngày” lần đầu tiên được nhắc đến trong Thông tư số 203/2015/TT-BTC. Tuy nhiên, sau 8 năm, cơ chế này vẫn chỉ trên văn bản. Hạn chế về hệ thống giao dịch hiện tại khiến cơ chế này không thể triển khai là nguyên nhân chính.

Dự án hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) là “chìa khóa” cho phép nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu liên tục ngay trong ngày, rộng hơn còn là khả năng rút ngắn thêm thời gian thanh toán cùng sản phẩm mới như bán khống…

Hệ thống mới KRX đi vào vận hành cũng là điều kiện để áp dụng cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Đây cũng là một trong hai vấn đề trọng yếu cần được tháo gỡ để hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, bao gồm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Mô hình CCP với ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ (dưới sự cho phép từ phía Ngân hàng Nhà nước) là cơ sở để có thể cải thiện cơ chế thanh toán, thay cho yêu cầu đảm bảo đầy đủ tiền trước giao dịch hiện tại. Ở yếu tố thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng được công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quan trọng hơn là việc giảm hạn chế tiếp cận và chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài với ngành thực sự cần thiết.

Đưa hệ thống KRX “go live” và gỡ các nút thắt trên hành trình nâng hạng sẽ mở ra cơ hội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đưa hệ thống KRX “go live” và gỡ các nút thắt trên hành trình nâng hạng mở ra cơ hội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, quan trọng hơn, hành trình này đồng thời tạo áp lực và động lực để thị trường chứng khoán chuyển mình, khai thác được tiềm năng lớn từ sự thay đổi và phát triển.

Những động thái quyết liệt 

Ngay từ đầu năm 2023, khi Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi dự Lễ đánh cồng khai trương năm mới, mục tiêu đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán, triển khai sản phẩm mới đã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Không dừng ở mệnh lệnh, trong cuộc họp giữa các sở giao dịch, VSDC cùng các thành viên thị trường do Ủy ban Chứng khoán nhà nước tổ chức, lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị quyết tâm hoàn thành dự án. Mốc vận hành vào cuối năm 2023 được tái khẳng định.

“Các thành viên thị trường chưa sẵn sàng kịp tiến độ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để có biện pháp nhằm hoàn thành dự án theo mục tiêu chung”, phía cơ quan quản lý nhấn mạnh hai từ “trách nhiệm” trong hoạt động chuẩn bị sẵn sàng cho KRX.

Thực tế, các thành viên thị trường đang quyết liệt và rốt ráo, có những công ty chứng khoán dành ra nguồn lực lớn để tập trung phục vụ hệ thống KRX.

Không chỉ là yêu cầu tự thân, vận hành hệ thống giao dịch mới và xa hơn, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường còn là áp lực từ bên ngoài, để vươn lên vị trí cao hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức xếp hạng. FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ tháng 9/2018. Việc cân nhắc giữ hay đưa ra khỏi danh sách là rủi ro không thể loại trừ nếu Việt Nam không cho thấy những tiến độ rõ ràng về việc cải tổ, nhất là khi thời gian đã kéo dài tới nửa thập kỷ.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đối với các quỹ chỉ số nước ngoài - nơi sử dụng nhiều đánh giá của các tổ chức xếp hạng trong quyết định đầu tư, hai yếu tố quan trọng luôn được quan tâm bao gồm yếu tố kỹ thuật thị trường như việc ký quỹ trước giao dịch, cơ chế thanh toán hay các sản phẩm và khả năng  tiếp cận (room ngoại), giao dịch cổ phiếu, hướng đến nguyên tắc bình đẳng giữa các đối tượng đầu tư.

Song hành với việc dồn lực cho các mục tiêu cần nhiều nguồn lực như KRX, hay khá khó thực hiện như giảm hạn chế tiếp cận, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng là giải pháp được vị chuyên gia này nhấn mạnh. NVDR giúp nâng khả năng tiếp cận chứng khoán của các nhà đầu tư ngoại dù gặp hạn chế về quyền biểu quyết đã được đề cập tại Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2021, nhưng chưa ghi nhận tiến triển tại Việt Nam. Trong khi đó, đây là sản phẩm đang được giao dịch sôi động tại Thái Lan - sàn chứng khoán được xếp hạng thị trường mới nổi hiện tại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top