Aa

Bốn luật có hiệu lực sớm: Cần đánh giá rõ tác động

Thứ Hai, 17/06/2024 - 06:10

Đều nhất trí với sự cần thiết có hiệu lực sớm của các luật mới về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, song tính khả thi và những tác động không mong muốn tới người dân, doanh nghiệp khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại.

Bốn luật có hiệu lực sớm: Cần đánh giá rõ tác động- Ảnh 1.

Phiên thẩm tra của Ủy ban Quốc hội có sự tham dự của đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban - Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Xã hội…

Đủ cơ sở để có hiệu lực sớm

Sau khi Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình năm 2024, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật mới về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản , các tổ chức tín dụng (Dự án luật) đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra.

Các luật này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng nay, theo Dự thảo Chính phủ trình thì toàn bộ Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai (trừ một số điều còn lại) cũng có hiệu lực từ ngày này.

Với Luật Các tổ chức tín dụng thì chỉ có khoản 3, Điều 200 và khoản 15, Điều 210 có hiệu lực thi hành cùng 3 luật trên.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây là lần thứ ba trong lịch sử Quốc hội, luật chưa có hiệu lực thi hành đã điều chỉnh, vì thế, trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng có ý kiến lo ngại.

Nhưng, việc điều chỉnh để các luật trên, đặc biệt là 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng, theo Chính phủ, không chỉ có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, mà cơ sở thực tiễn cũng cho thấy rất cần thiết.

Tờ trình ngày 9/6 (hạn cuối phải trình cơ quan thẩm tra) nêu rõ, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là 3 đạo luật quan trọng, gắn kết với nhau một cách chặt chẽ để phát triển thị trường bất động sản, nhất là nhà ở và thị trường quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, thời điểm có hiệu lực của 2 đạo luật này đã được Quốc hội quyết định phải cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai. Ba đạo luật nêu trên có nhiều quy định mang tính đột phá, đổi mới, tiến bộ, góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp , minh bạch trong thị trường bất động sản, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng báo cáo tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật.

Theo đó, các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ đã được các bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và hoàn thiện, đã lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ, báo cáo Chính phủ để ký ban hành trong tháng 6/2024.

Đối với nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 6/2024.

Ông Ngân cũng cho hay, đến nay, các bộ, ngành đã tập trung nguồn lực để hoàn thiện các thông tư thuộc thẩm quyền để ban hành có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của các luật và các nghị định.

“Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản nêu trên theo trình tự rút gọn. Do đó, các văn bản hướng dẫn thi hành các luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành sẽ được ban hành và có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của các luật, đảm bảo đồng bộ, kịp thời, làm căn cứ pháp lý đầy đủ cho việc thi hành luật”, ông Ngân báo cáo.

Tóm lại, theo Chính phủ, có đầy đủ cơ sở để các văn bản hướng dẫn thi hành luật thuộc thẩm quyền của Trung ương và chính quyền địa phương đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Vẫn nhiều lo ngại

Phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có sự tham dự của các vị đến từ Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Xã hội… của Quốc hội và vị nào cũng còn băn khoăn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương bày tỏ băn khoăn khi chưa có số liệu cụ thể về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành - điều kiện đảm bảo để 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm. Bà Phương cũng cho rằng, cần đánh giá cả những tác động bất lợi khi hiệu lực thi hành của các luật này được điều chỉnh.

Đồng tình quan điểm trên, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung cho rằng, kết quả đánh giá tác động khi các luật có hiệu lực sớm là căn cứ rất quan trọng để đại biểu đưa ra quyết định. Ông Trung đặt vấn đề, việc ban hành các văn bản theo thủ tục rút gọn có đảm bảo chất lượng không, nhất là những hướng dẫn về tài chính đất đai, vốn rất phức tạp.

Cũng rất quan tâm đến vấn đề ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, mặc dù Thủ tướng chỉ đạo là tất cả các văn bản này ban hành bằng thủ tục rút gọn, nhưng theo ông, cần cân nhắc quy định nào thực sự cần thiết “chạy sớm” thì mới dùng thủ tục rút gọn.

“Nội dung nào còn đang cấn cá sẽ vướng này, vướng kia, thì đâu nhất thiết cần cho chạy sớm hơn”, ông Mai nêu quan điểm.

Phó chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai phân tích, toàn bộ hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều đã hoạch định theo hiệu lực đã được công bố của các luật, “bây giờ đùng một cái, điều chỉnh sớm thì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân”.

Dẫn lại nhận định của Chính phủ tại tờ trình dự án luật là có nhiều nội dung không phải quy định chi tiết thì thực hiện được ngay, nhưng Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An nhận xét rằng, nội dung này chưa rõ. Ông An đề nghị phải lý giải rõ những điều này một cách thuyết phục để đại biểu Quốc hội đưa ra quyết định.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong đề xuất điều chỉnh hiệu lực của 4 luật, song đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho hay, bà rất quan ngại những hệ lụy của sự điều chỉnh đó, bởi 3 luật về bất động sản tác động trực tiếp đến người dân.

“Sau này có hệ lụy thì rất khó trả lời cử tri, đề nghị Chính phủ phải rất cẩn trọng, cần báo cáo rõ chính sách nào tác động có lợi, chính sách nào người dân và doanh nghiệp không thể chuẩn bị kịp thì phải xem xét”, bà Kim Anh phát biểu.

Báo cáo giải trình, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói, những quan ngại của đại biểu là xác đáng, bởi quyết định việc quan trọng thì cần phải thận trọng. Ông Ngân cũng hứa sẽ tiếp tục làm rõ những vấn đề đại biểu nêu ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý đánh giá tác động rõ hơn của việc có hiệu lực sớm đến sự phát triển kinh tế, xã hội, quan tâm đến những tác động tiêu cực, nếu có.

“Cần cập nhật liên tục cho đại biểu biết về tiến độ các văn bản hướng dẫn để đại biểu yên tâm bấm nút”, ông Thanh lưu ý./.

Gỡ vướng cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Trong phiên họp thứ 34 vừa bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc với tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh việc chuyển đổi rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, diện tích rừng tăng 438,3 ha, diện tích đất rừng tăng 582,93 ha, diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 152,55 ha so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 ngày 11/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án Xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu về đất rừng, đất lúa chuyển đổi mục đích để xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đảm bảo phù hợp, tương thích các quy hoạch có liên quan, đồng thời đảm bảo việc trồng rừng thay thế, bù đắp đất trồng lúa, có phương án chuyển đổi theo đúng quy định.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top