Aa

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Bảo đảm Luật Đất đai được thực thi thông suốt

Thứ Ba, 11/06/2024 - 21:50

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tiếp thu ý kiến góp ý tại cuộc họp để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Cần làm rõ hơn vấn đề về trình tự, thủ tục, tiêu chí về đất đai hình thành từ hoạt động lấn biển 

Sáng 11/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia và kết nối trực tuyến với 63 địa phương về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (dự thảo Nghị định).

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, dự thảo Nghị định gồm có 10 chương, 114 điều và 1 phụ lục. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến góp ý của thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Bảo đảm Luật Đất đai được thực thi thông suốt- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Cụ thể, dự thảo Nghị định đã chỉnh lý quy định về: Xác định loại đất đối với trường hợp không có giấy tờ hoặc trường hợp loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định của Luật Đất đai hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất; về nguồn thu tài chính của Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để đảm bảo phù hợp với tên phí quy định tại Luật Phí và lệ phí và dịch vụ thu tiền theo pháp luật về giá để tránh trùng lắp.

Bên cạnh đó, chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất theo hướng bổ sung việc xác định trên cơ sở hiện trạng; định hướng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; thu hồi đất quốc phòng, an ninh theo hướng bổ sung trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với trường hợp đất thu hồi, chuyển giao cho địa phương để thực hiện dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân…

Dự thảo Nghị định cũng chỉnh lý về đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đối với phần diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp không phải nộp tiền thuê đất quy định tại khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai; bổ sung quy định về đất sử dụng cho cảng hàng không, sân bay dân dụng theo hướng bổ sung thời hạn Cảng vụ hàng không sân bay có trách nhiệm rà soát, báo cáo UBND cấp tỉnh diện tích đất đã giao, cho thuê, diện tích đất còn lại chưa giao, chưa cho thuê trong tổng số diện tích đã được Nhà nước giao cho Cảng vụ hàng không sân bay. 

Đồng thời chỉnh lý sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo hướng dẫn chiếu diện tích đất xây dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp trên đất lúa, đất lâm nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Đóng góp ý kiến cho từng vấn đề cụ thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị làm rõ hơn vấn đề về trình tự, thủ tục, tiêu chí về đất đai hình thành từ hoạt động lấn biển bởi đây là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Phát biểu tại cuộc họp, từ thực tiễn của tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, có dự án ở địa phương mang tính chất là công trình kè biển, bảo vệ bờ biển, nhưng ở góc độ khác cũng có thể coi là công trình lấn biển. Vì vậy, ông Lê Văn Sử đề nghị cần làm rõ nội hàm về công trình bảo vệ bờ biển nhưng có tính chất lấn biển; cần xác định cho rõ tiêu chí là công trình có mục tiêu lấn biển hay kè bảo vệ bờ biển.

Còn theo ý kiến của lãnh đạo UBND TP.HCM, quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo dự thảo Nghị định thì cơ quan thẩm định chuẩn bị để trình hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua. Tuy nhiên, một số địa phương cấp quận của Thành phố tổ chức thực hiện theo chính quyền đô thị, không có hội đồng nhân dân cấp huyện thì trong Nghị định cũng cần rà soát và có quy định cụ thể.

Đáng chú ý, một số ý kiến đánh giá dự thảo Nghị định đã thể chế hóa được các điều, khoản trong Luật Đất đai liên quan đến việc phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện trong quản lý và sử dụng đất đai; đồng thời, đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột với các luật khác 

Từ những thực tế trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia tích cực, trực tiếp, thực chất của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia… trong việc xây dựng, góp ý, hoàn thiện các văn bản dưới luật, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở để có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Bảo đảm Luật Đất đai được thực thi thông suốt- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

"Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, vì thực tiễn và giải quyết được thực tiễn, nên dù mất thời gian, công sức nhưng chúng ta sẽ giải quyết được khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng đây là cách làm để các địa phương, bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia hoàn thiện văn bản pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Đó là nội dung liên quan đến nhiều luật khác nhau như quy định về lấn biển; tính đồng bộ, thống nhất đối với phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai; xác định dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu có phần diện tích lấn biển; việc áp dụng điều khoản trưng dụng đất trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai hoặc tình huống bất khả kháng…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để chỉnh lý Nghị định về mặt kỹ thuật soạn thảo văn bản; bảo đảm Nghị định bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai.

Ngoài ra, các bộ, ngành khẩn trương rà soát, xây dựng, hoàn thiện các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong xây dựng, ban hành các văn bản, quyết định đã được quy định trong luật./.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top