Aa

Bức xúc ở chung cư bình dân đóng phí dịch vụ cao cấp

Thứ Sáu, 29/11/2019 - 10:57

Mâu thuẫn về phí dịch vụ là một trong những nguyên nhân khiến các cư dân phải xuống đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư trong thời gian gần đây.

Chị Thu (34 tuổi) đang sinh sống tại một chung cư tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, tính đến nay, gia đình chị chuyển đến căn chung cư này được 4 năm nhưng chủ đầu tư đã không ít lần ra thông báo về việc tăng phí dịch vụ.

Điều đáng nói là chủ đầu tư không hề hỏi ý kiến hay lấy biểu quyết của các cư dân do trong hợp đồng không đề cập đến mức phí. Việc này không chỉ khiến gia đình chị Thu mà nhiều hộ khác rất bức xúc. Dù các hộ đã gửi đơn thư phản đối nhưng cuối cùng vẫn chỉ nhận được những lời hứa hẹn sẽ giải quyết.

Tương tự, bày tỏ bức xúc về mức phí mà chủ đầu tư thu, anh Hải đang sống tại một chung cư ở quận Long Biên cho hay, mức phí dịch vụ ban đầu mà chủ đầu tư đưa ra là khoảng 6.000 đồng/m2 nhưng sau đó, chủ đầu tư đã đề nghị tăng lên hơn 20.000 đồng/m2. Nếu tính theo mức giá mới, mỗi tháng, gia đình anh mất đến gần 1,5 triệu đồng.

Mức giá này khiến anh và nhiều cư dân không hài lòng vì thực tế tòa nhà không có nhiều dịch vụ, bể bơi cũng không được vệ sinh thường xuyên nên không có nhiều người sử dụng. Anh Hải cho rằng mức phí mà chủ đầu tư đưa ra là quá cao, ngang với các chung cư cao cấp nằm trong nội thành.

Mâu thuẫn về việc thu phí dịch vụ đã và đang là vấn đề tồn tại ở nhiều dự án chung cư. Ngoài vấn đề đắt hay rẻ, điều mà các cư dân quan tâm còn nằm ở tính minh bạch và công khai các khoản thu chi.

Ảnh minh họa.

Về mức phí dịch vụ tại các chung cư, hiện chưa có một con số chung cho tất cả các chung cư mà mức phí tại mỗi chung cư là khác nhau nhưng đều phải căn cứ vào hệ thống dịch vụ thực tế cũng như ý kiến của cư dân sinh sống tại chung cư đó.

Theo quy định, nếu chủ đầu tư không được trên 50% hộ dân cư đang sống tại nhà chung cư nhất trí thông qua mức phí dịch vụ mới bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín mà vẫn áp dụng mức phí dịch vụ mới, hoặc ngừng cung cấp dịch vụ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng là trái với quy định của pháp luật.

Các chuyên gia cho biết, việc thu phí dịch vụ tại các dự án chung cư có thể điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm nhưng việc tăng giá phải có lộ trình và phải có lý do chính đáng.

Để tránh xảy ra mâu thuẫn, luật sư Phạm Thanh Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội khuyên người mua nhà nên làm rõ mức phí dịch vụ ngay trong hợp đồng mua bán nhà. Bởi thực tế có những trường hợp không đề cập đến điều khoản về giá dịch vụ hoặc nếu có đề cập thì chỉ nói là chủ đầu tư hỗ trợ, thậm chí miễn phí nhưng sau đó chỉ miễn phí 2 năm, sang năm thứ 3 có thể áp mức phí đến 50.000 đồng/m2.

Theo luật sư Sơn, phí dịch vụ tại các chung cư cao cấp hiện nay vào khoảng 40.000 đồng/m2, thấp nhất là 10.000 đồng/m2. Hệ thống pháp luật hiện nay đã tương đối hoàn thiện để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà nhưng nhà nước không thể kiểm soát được các điều khoản thỏa thuận. Và phí dịch vụ là một trong những điều khoản thỏa thuận mà người mua nhà cần đặc biệt quan tâm, bên cạnh những điều khoản về thanh toán, thời hạn bàn giao và trang thiết bị.

Chung quan điểm, ông Trần Quốc Việt - Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho biết, trước khi nhận bàn giao nhà, từ khi ký hợp đồng mua bán, ký hợp đồng sử dụng dịch vụ, người mua nhà phải tìm hiểu kỹ về mức phí dịch vụ và thống nhất với chủ đầu tư chứ không phải đến khi xong tất cả rồi mới đấu tranh mức phí là cao hay thấp.

"Nếu khi ký hợp đồng, chủ đầu tư đưa ra mức phí thấp nhằm mục đích đẩy hàng nhưng sau khi người dân vào ở lại đưa ra mức phí cao hơn thì chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp này, người dân có thể khởi kiện ra tòa", ông Việt bày tỏ quan điểm.

Nội dung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 02/2016/TT-BXD như sau:

"a) Chi phí điện dùng cho máy móc thiết bị, hệ thống sử dụng chung của tòa nhà; chi phí nước sử dụng trong khu vực công cộng, tưới cây; chi phí dầu Do vận hành máy phát điện dự phòng phục vụ cho khu vực công cộng; đèn chiếu sáng hành lang, đèn chiếu sáng thang thoát hiểm; điện sử dụng thang máy, máy bơm nước sinh hoạt, bơm nước thải,

b) Chi phí dịch vụ an ninh, bảo vệ (bao gồm dụng cụ hỗ trợ: bộ đàm, đèn pin,...);

c) Chi phí dịch vụ vệ sinh công cộng (bao gồm dụng cụ, hóa chất,...); dịch vụ chăm sóc cây xanh, phân bón và tưới cây; diệt côn trùng định kỳ; chi phí thu gom vận chuyển rác sinh hoạt hàng tháng;

d) Chi phí sách báo tại sảnh; chi phí điện thoại, internet, văn phòng phẩm cho hoạt động của Ban quản lý; chi phí liên lạc với chính quyền sở tại khi có yêu cầu; chi phí trang trí các dịp lễ, tết;

đ) Chi phí hóa chất xử lý thông cống, rãnh, bể phốt; chi phí diễn tập phòng cháy, chữa cháy nội bộ định kỳ hàng năm;

e) Chi phí kiểm tra mẫu nước sinh hoạt định kỳ; súc rửa bể nước ngầm, bể nước sinh hoạt (nếu có);

g) Chi phí cho đơn vị quản lý vận hành như chi phí trang thiết bị văn phòng Ban quản lý (bàn ghế, máy tính, máy in...) và dụng cụ kỹ thuật; chi phí đồng phục nhân viên Ban quản lý, chi phí tiền công tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội phúc lợi xã hội cho nhân viên thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư này;

h) Các chi phí khác: Do các bên thỏa thuận".


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top