Aa

Bước chuyển thời đại với kỷ nguyên công nghiệp sinh thái – thông minh tại Việt Nam

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Chủ Nhật, 13/07/2025 - 12:39

Những góc nhìn toàn diện về hiện trạng, cơ hội và thách thức của mô hình khu công nghiệp sinh thái bền vững tại Việt Nam đã được các chuyên gia chia sẻ thiết thực.

Thực trạng của các khu công nghiệp Việt Nam

Mới đây, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng AIST - Đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn S-GROUP Việt Nam, đã phối hợp cùng Khoa Quản lý đô thị – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Đầu tư và phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam – Tiềm năng, thách thức và tầm nhìn chiến lược cho mục tiêu phát triển bền vững.”

Bước chuyển thời đại với kỷ nguyên công nghiệp sinh thái – thông minh tại Việt Nam- Ảnh 1.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả.

Mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) đang là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới bởi mang lại nhiều lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội, như tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm, tăng cường hiệu quả sản xuất và tạo ra môi trường làm việc tốt hơn.

Tính đến nay, cả nước đã thành lập 431 khu công nghiệp và khu chế xuất, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 132.300 ha, trong đó có 301 KCN đang hoạt động ổn định. Tuy nhiên, số lượng khu công nghiệp sinh thái chỉ chiếm một phần rất nhỏ, ước tính khoảng 7 khu thí điểm, tập trung tại các tỉnh thành như Đà Nẵng, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, và Đồng Nai. Các khu như Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Trà Nóc (Cần Thơ), và AMATA (Đồng Nai) là những ví dụ điển hình, đã áp dụng các giải pháp như sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, và sản xuất sạch.

Trên thực tế, tại Việt Nam, loại hình này còn tồn tại nhiều hạn chế như số lượng các KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung là 91%, tỷ lệ thu gom chất thải nguy hại công nghiệp và chất thải rắn thông thường được thu gom sau chôn lấp chỉ khoảng 64%, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm lâu dài.

Trong khuôn khổ hội thảo, các tham luận đã tập trung làm rõ nhiều nội dung then chốt để phát triển KCNST bao gồm: thực trạng chính sách về KCNST tại Việt Nam, liên kết vùng trong quy hoạch không gian công nghiệp, chuyển đổi số trong quản lý vận hành khu công nghiệp, mô hình kiến trúc – cảnh quan bền vững, và các giải pháp công nghệ cho xử lý nước thải, hạ tầng xanh.

Chuyển đổi số và quản trị xanh – Động lực để Việt Nam nâng tầm chuỗi giá trị công nghiệp

Phát biểu đầu hội thảo, PGS. TS. Trần Trọng Hanh cho rằng, trước áp lực của ô nhiễm môi trường, Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tiến bộ Khoa học công nghệ của cách mạng 4.0, xu hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đặc biệt là tư tưởng phát triển bền vững (năm 1972), các KCNST đã phát triển mạnh mẽ thay thế cho các Khu công nghiệp truyền thống trên thế giới bắt đầu từ thập niên 1980.

Mặc dù lý thuyết và thực tiễn hình thành và phát triển KCNST đã có từ lâu, và lợi ích của việc đầu tư phát triển KCNST rất lớn, song ở Việt Nam, đến nay vẫn còn là một mô hình mới mẻ. Vì vậy cần nhìn nhận một cách toàn diện về tiềm năng và những thách thức hiện hữu trong quá trình phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.

Bước chuyển thời đại với kỷ nguyên công nghiệp sinh thái – thông minh tại Việt Nam- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Trâm Anh nhấn mạnh cơ hội của KCNST trong xu thế của thế giới

Cùng quan điểm với PGS. Trần Trọng Hanh, TS. Nguyễn Trâm Anh – Quản lý Dự án Quốc gia Chương trình KCN sinh thái toàn cầu Việt Nam (GEIPP) cũng nhấn mạnh về cơ hội cho các KCN Việt Nam đi cùng xu hướng bền vững của thế giới.

“Bằng chứng là, sau bốn năm triển khai, Chương trình GEIPP Việt Nam đã xác định hơn 900 cơ hội KCNST tại 90 doanh nghiệp, trong đó trên 400 cơ hội đã được thực hiện và hơn 200 cơ hội đang trong quá trình lên kế hoạch. Những giải pháp này giúp tiết kiệm tới 2,6 triệu USD mỗi năm thông qua việc giảm đáng kể mức tiêu thụ tài nguyên và nguyên vật liệu. Hiện có 6 khu công nghiệp đang được GEIPP Việt Nam hỗ trợ chuyển đổi theo mô hình KCNST, gồm: Amata, DEEP C, Nam Cầu Kiền, VSIP, Hiệp Phước và Tân Đô”, TS. Trâm Anh thông tin.

Cũng tại sự kiện, ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc cấp cao Bộ phận Nước và Môi trường, KCN Amata – chia sẻ về các kế hoạch tuần hoàn và tái sử dụng nước thải đã qua xử lý tại KCN. Đây là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm từ các khu công nghiệp và đang được GEIPP khuyến nghị áp dụng vào quá trình chuyển đổi KCN sinh thái như trong các đề xuất chính sách liên quan.

Có thể nói các giải pháp tái sử dụng nước thải tại Amata bước đầu đã thành công khi KCN này đã tận dụng được nước thải để tưới cây và làm mát động cơ. Tại KCN Amata còn tái sử dụng bùn thải trong các hoạt động của nhà máy.

Bước chuyển thời đại với kỷ nguyên công nghiệp sinh thái – thông minh tại Việt Nam- Ảnh 3.

Ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc cấp cao Bộ phận Nước và Môi trường, KCN Amata

ThS. Bạch Ngọc Tùng – Phó viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng AIST cho rằng, để hiện thực hóa mạng lưới KCNST, cần một lộ trình có chọn lọc, dựa trên bộ tiêu chí lựa chọn KCNST ưu tiên phù hợp quy hoạch, tiềm năng kinh tế, khả năng cộng sinh, mức độ sẵn sàng về hạ tầng, cam kết của các bên.

Đại diện Viện AIST khẳng định cam kết đồng hành cùng các chuyên gia, diễn giả cùng nghiên cứu, triển khai và mở rộng các mô hình khu công nghiệp sinh thái theo hướng hiện đại, tích hợp số hóa và thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top