Thị trường phái sinh tháng 6/2018 đã đạt những con số kỷ lục cả về số lượng hợp đồng và giá trị giao dịch. Tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch danh nghĩa của thị trường chứng khoán phái sinh tháng 6 đạt 1.983.614 hợp đồng và 193.370 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã có 9 công ty chứng khoán tham gia cung cấp hệ thống giao dịch phái sinh.
Điều này chứng tỏ chứng khoán phái sinh thực sự có vai trò riêng trên thị trường chứng khoán. Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, phái sinh vẫn còn là kênh mới, còn đối với nhà đầu tư lớn, các "cá mập" trên sàn chứng khoán thì sao?
Khi được hỏi về việc "cá mập" đã tham gia chứng khoán phái sinh chưa, ông Kang Moon Kyung, CEO chứng khoán Mirae Asset nhận định, chắc chắn có.
PV: Thưa ông, dù không có bằng chứng cụ thể nhưng nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tin rằng, để thị trường cơ sở biến động giảm sâu thời gian qua thì hẳn đã có nhiều "cá mập" tham gia chứng khoán phái sinh. Là chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh, ông nhận định việc này thế nào?
Ông Kang Moon Kyung: Với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ chỉ nhìn nhận chứng khoán phái sinh như một kênh đầu cơ trong ngắn hạn. Họ tham gia mua phái sinh giai đoạn vừa qua với mục đích kiếm lời khi sân chơi cơ sở không có cơ hội. Thực tế, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã kiếm bộn tiền bất chấp thị trường chung lao dốc giai đoạn vừa qua và đó như phần thưởng cho những người hiểu biết và đến sớm với sản phẩm đầu tư này.
Nhưng, đa phần mọi người không biết đó là: Kinh nghiệm từ các quốc gia khác (như Hàn Quốc chẳng hạn), chứng khoán phái sinh đóng vai trò là kênh bảo hiểm cho những khoản đầu tư trên thị trường cơ sở nhiều hơn là đóng vai trò ăn chênh kiếm lời ngắn hạn.
Vì những nhà đầu tư lớn coi phái sinh như kênh bảo hiểm nên mỗi khi thị trường xuống thấp, việc họ xuất hiện rõ nét trên thị trường chứng khoán phái sinh là điều dễ hiểu.
Theo kinh nghiệm từ rất nhiều quốc gia đã có sản phẩm chứng khoán phái sinh, các sản phẩm phái sinh đặc biệt quan trọng trong vai trò bảo hiểm (Hedging) cho những nhà đầu tư lớn (cổ đông lớn hoặc các quỹ đầu tư). Những nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư tổ chức thường mua và nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu trên thị trường, thực sự không dễ để nhà đầu tư quyết định mua và bán 1 lượng rất lớn chứng khoán cơ sở trong một giai đoạn nhất là khi thị trường đang giảm mạnh về điểm số và thanh khoản. Chính vì thế, trong giai đoạn thị trường xuống thì nhóm nhà đầu tư này sẽ bất lợi vì không thể bán lượng lớn cổ phiếu ra thị trường… Cách tốt nhất là nhà đầu tư này sẽ bán xuống chỉ số VN30 Future với 1 lượng hợp đồng nhất định (tùy theo tỷ lệ tính toán mà mỗi tổ chức sẽ có tỷ lệ hedging khác nhau)… Và khi chỉ số xuống đến 1 điểm nhất định, nhà đầu tư sẽ đóng trạng thái và phần lợi nhuận này sẽ bù đắp lại phần nào đấy cho việc giảm giá cổ phiếu.
Chính vì thế, khi bạn hỏi có hay không bóng dáng "cá mập" trên thị trường phái sinh thì tôi khẳng định là có. Không chỉ ở Việt Nam, Thị trường phái sinh của nước nào cũng luôn có bóng dáng của nhóm nhà đầu tư tổ chức và họ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thanh khoản của thị trường. Ở Việt Nam tôi đã nhìn thấy nhiều bóng dáng của nhà đầu tư lớn khi có những lệnh đến vài ngàn hợp đồng, điều này góp phần tạo nên thanh khoản và sôi động cho thị trường nhưng cũng góp phần gây nhiễu động lớn về giá của chứng khoán phái sinh.
PV: Theo ông thì chúng ta có thể tránh bẫy của "cá mập" trên thị trường phái sinh hay chấp nhận sống chung lâu dài
Ông Kang Moon Kyung: Thực tế là nhóm nhà đầu tư "cá mập" luôn tồn tại và phát triển mạnh trên thị trường chứng khoán cơ sở lẫn phái sinh, chính nhóm này đã tạo nên thanh khoản và tính sôi động cũng như đóng góp vào xu hướng tăng giảm giá trên thị trường. Bên cạnh đó, với phương pháp giao dịch số lượng lớn của mình thì nhóm những "big boy" này luôn tác động vào xu hướng giá của thị trường.
Về bản chất, xu hướng giá của thị trường chứng khoán được tạo ra bởi 3 yếu tố chính là kinh tế vĩ mô, tình hình nội tại của các Doanh nghiệp niêm yết và tâm lý ngắn hạn của nhà đầu tư trên thị trường. Chúng ta không phải bàn nhiều về yếu tố vĩ mô vì hầu như những yếu tố này dễ nhìn thấy và dễ tìm được thông tin trên báo chí hàng ngày cũng như chúng ta không phải nói về nội tại Doanh nghiệp niêm yết vì nhà đầu tư có thể đọc và phân tích trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đánh giá về giá trị nội tại. Tôi muốn đề cập đến một khía cạnh xa hơn là tâm lý ngắn hạn của thị trường được tạo ra bởi đôi lúc là cộng hưởng nhiều yếu tố nhà đầu tư hưng phấn quá mức thị trường sẽ tăng ngoài dự báo hoặc nhà đầu tư hoảng loạn quá mức thị trường cũng sẽ giảm ngoài dự báo... Bên cạnh đó mỗi khi có những lệnh mua hoặc bán lớn trên thị trường xuất hiện sẽ có 1 lượng nhà đầu tư tham gia theo với lập luận là phải có yếu tố gì đó lớn tác động thì mới có lệnh lớn, và với quan niệm lệnh lớn luôn đánh đúng và luôn tạo xu hướng... điều này với nhà đầu tư cá nhân là không nên vì chúng ta sẽ bị những dẫn dắt có chủ đích.
Khi tham gia thị trường chúng ta cần phải chấp nhận sống chung lâu dài trong thị trường và tất nhiên là có "cá mập" nhưng điều nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể làm được là giữ bình tĩnh và có kế hoạch chiến lược riêng. Nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng cần có biện pháp bảo vệ tài khoản của mình 1 cách phù hợp để tránh những dẫn dắt có chủ đích.
PV: Ông có khuyên nhà đầu tư nhỏ lẻ cần biện pháp bảo vệ tài khoản của mình. Vậy, họ có nên hành động theo cách nhà đầu tư tổ chức làm không?
Ông Kang Moon Kyung: Mỗi nhà đầu tư có vị thế khác nhau nên nếu hỏi tôi lời khuyên có nên làm theo nhau hay không thì tôi trả lời rằng không. Cái mà nhà đầu tư nên làm là trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức để có thể hành động đúng mỗi khi thị trường biến động theo những cách khác nhau.
Tôi lấy ví dụ như đợt sụt giảm vừa rồi, nếu nhà đầu tư có kiến thức, kỹ năng về thị trường chứng khoán phái sinh thì họ cũng sẽ có giải pháp để bảo vệ cho tài khoản của mình.
PV: Phái sinh là lĩnh vực khá mới mẻ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông thì nhà đầu tư nên học hỏi lĩnh vực này ở đâu?
Ông Kang Moon Kyung: Ở Việt Nam, hoạt động phái sinh là mới mẻ nhưng chứng khoán phái sinh là không mới. Bạn hoàn toàn có thể tìm học, hiểu về phái sinh qua sách vở.
Có thời gian hơn thì tôi khuyên nhà đầu tư hãy tham gia những buổi hội thảo, talk về phái sinh mà các công ty chứng khoán tổ chức. Kinh nghiệm từ những người đi trước sẽ giúp nhà đầu tư hiểu nhanh hơn về mảng này.
Bản thân công ty Chứng khoán Mirae Asset chúng tôi cũng liên tục có những chương trình để training cho các cán bộ công nhân viên của chúng tôi, đặc biệt là nhân viên môi giới. Thông qua các môi giới này, nhà đầu tư cũng sẽ có thêm kiến thức về phái sinh.
Công ty mẹ Mirae Asset của chúng tôi đã có kinh nghiệm và bề dày phát triển thị trường chứng khoán phái sinh hơn 20 năm tại Hàn Quốc, thừa hưởng những kinh nghiệm và bài học thực tiễn về chiến lược đầu tư chứng khoán phái sinh. Chúng tôi đánh giá cao sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam và đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục cần thiết nhằm tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam trong năm 2018.
Để giúp nhà đầu tư hiểu về chứng khoán phái sinh, thậm chí, chúng tôi đã chấp nhận bỏ chi phí rất cao để đưa những nhà đầu tư có giao dịch lớn về phái sinh sang tận Hàn Quốc để học hỏi kinh nghiệm. Nếu bạn để ý một chút về Mirae thì sẽ thấy chúng tôi đã công bố chương trình đưa 30 nhà đầu tư lớn đầu tiên mở tài khoản tại công ty chúng tôi sang Hàn.
Song song đó, Mirae Asset Việt Nam cũng đã chốt kế hoạch đưa hoạt động đào tạo nhà đầu tư của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam trở thành hoạt động thường niên, giúp đem đến giá trị lâu dài cho khách hàng và tất nhiên, nhà đầu tư nên coi đó là một kênh để họ có thể học hỏi thêm kiến thức.