Aa

Cà Mau - Nâng cấp hạ tầng, đa dạng hoá sản phẩm bất động sản

Thứ Hai, 05/02/2024 - 06:03

Thị trường bất động sản tỉnh Cà Mau giai đoạn sắp tới được nhận định sẽ vượt qua khó khăn, hồi phục và phát triển theo hướng đa dạng về cơ cấu sản phẩm, nhiều phân khúc thị trường mới hình thành, quy mô thị trường được mở rộng hơn. Trao đổi với Reatimes, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chia sẻ về những quyết sách, định hướng phát triển và giải pháp khơi thông các điểm nghẽn để phát triển thị trường bất động sản Cà Mau ngày càng bền vững.

Cà Mau - Nâng cấp hạ tầng, đa dạng hoá sản phẩm bất động sản- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian qua?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Giai đoạn trước năm 2020, tỉnh Cà Mau chỉ có 15 dự án bất động sản được đầu tư xây dựng. Thị trường bất động sản giai đoạn này là thị trường nhỏ và tập trung tại thành phố Cà Mau. Loại hình bất động sản tham gia thị trường chủ yếu là đất ở (đất ở riêng lẻ của hộ gia đình, đất nền trong dự án bất động sản) chiếm khoảng 90% tổng lượng giao dịch trên thị trường, còn lại 10% là giao dịch về nhà ở riêng lẻ.

Giai đoạn từ 2021 đến nay, thị trường bất động sản tỉnh Cà Mau được đánh giá bắt đầu khởi sắc và có sự sôi động hơn so với giai đoạn trước, do đa dạng hơn về nguồn cung, bắt đầu có loại hình nhà phố thương mại (shophouse, shop villa) của các chủ đầu tư lớn tham gia thị trường. Mặt bằng thương mại dịch vụ cho thuê cũng tăng về lượng giao dịch.

Tuy nhiên, so với thị trường bất động sản tại các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, TP.HCM thì thị trường bất động sản Cà Mau vẫn còn là thị trường "truyền thống" với phân khúc đất nền là chủ yếu; chưa có nhiều loại hình sản phẩm bất động sản khác như: căn hộ chung cư, bất động sản công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng, officetel, hoa viên nghĩa trang...

PV: Bất động sản Cà Mau hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Nhiều dự án bất động sản đang vướng mắc ở công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thời gian kéo dài; một số dự án có tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt trên 85% nhưng không liền mạch nên không thể triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ dự án. Cơ cấu sản phẩm trong thị trường bất động sản chưa hợp lý (thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp), nguồn cung mới chưa đến đúng với người có nhu cầu thật. Trên thực tế, nhiều dự án đã bán hết đất nền nhưng số lượng, tỷ lệ lấp đầy nhà ở trong dự án chỉ đạt khoảng 40 - 50%, đất đai không có giá trị sử dụng mà chỉ có giá trị thương mại cho hoạt động đầu cơ, tích trữ.

Bên cạnh đó, tại Cà Mau hiện chưa có nhiều sàn giao dịch bất động sản được đăng ký thành lập đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định pháp luật. Hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chủ yếu được thực hiện bởi các văn phòng môi giới bất động sản nhỏ lẻ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản tự do.

Cà Mau - Nâng cấp hạ tầng, đa dạng hoá sản phẩm bất động sản- Ảnh 2.

Thị trường bất động sản Cà Mau đang có nhiều tín hiệu khởi sắc theo hướng đa dạng hơn các loại hình sản phẩm

 Ngoài những khó khăn, thách thức chung của thị trường bất động sản cả nước, tỉnh Cà Mau còn gặp một số khó khăn đặc thù trong quá trình đầu tư phát triển tại địa phương. Cụ thể, Cà Mau là vùng đất thấp, điều kiện địa chất hạn chế do nền đất yếu, có nhiều kênh, rạch làm phát sinh nhiều cầu trên các tuyến đường bộ, không có vật liệu xây dựng tại chỗ, dẫn tới chi phí đầu tư xây dựng công trình cao so với các địa phương khác. Vì vậy, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, và đây cũng là nguyên nhân lớn làm chậm phát triển kinh tế - xã hội.

Cà Mau - Nâng cấp hạ tầng, đa dạng hoá sản phẩm bất động sản- Ảnh 3.

Rừng Quốc gia U Minh Hạ (Ảnh: Hữu Lễ)

 PV: Vậy địa phương đã và đang triển khai những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP, thưa ông?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Ngày 11/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững. Tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện với một số nội dung, giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 15/6/2023 để triển khai thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, không để xảy ra việc kéo dài thời gian giải quyết, tồn đọng công việc, đùn đẩy trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ hai, tập trung thực hiện điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cho phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở theo quy định. Tỉnh cũng tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" để tăng nguồn cung cho thị trường.

Cụ thể, tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 13/6/2023 triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo Kế hoạch, tỉnh sẽ tiến hành xác định danh mục các dự án nhà ở xã hội trọng điểm, các dự án nhà ở xã hội khác trong lộ trình thực hiện chỉ tiêu 2.900 căn hộ nhà ở xã hội được Thủ tướng giao (giai đoạn 2022 - 2025 là 1.100 căn, giai đoạn 2026 - 2030 là 1.800 căn).

Tỉnh Cà Mau cũng thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Kế hoạch, gồm lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án nhà ở xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, tăng cường công tác rà soát và trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư để xác định nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác mời gọi đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án nhà ở xã hội và dự án nhà ở thương mại.

Thứ ba, tăng cường theo dõi, giám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng thị trường phát triển nóng hoặc "đóng băng", tình trạng tung tin đồn thổi về giá cả bất động sản. Cùng với đó, số liệu về lượng giao dịch và giá giao dịch bất động sản cũng được theo dõi sát sao theo từng quý.

Cà Mau - Nâng cấp hạ tầng, đa dạng hoá sản phẩm bất động sản- Ảnh 4.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt kiểm tra tiến độ các dự án đang triển khai trên địa bàn. (Ảnh: Hữu Lễ)

PV: Ông nhận định và kỳ vọng gì về thị trường bất động sản giai đoạn sắp tới?Theo ông, đâu là động lực để bất động sản Cà Mau có bước tiến đột phá trong tương lai?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra những giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và những giải pháp này đang phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực đầu tư, vốn, nhà ở, đất đai. Đồng thời, hệ thống pháp luật về nhà ở, thị trường bất động sản cũng đã và đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc do cơ chế, chính sách.

Thị trường bất động sản tỉnh Cà Mau giai đoạn sắp tới được nhận định sẽ vượt qua khó khăn, hồi phục và phát triển theo hướng đa dạng về cơ cấu sản phẩm, nhiều phân khúc thị trường mới hình thành, quy mô thị trường sẽ được mở rộng hơn.

Tại Cà Mau, nhiều loại hình nhà ở dự kiến hình thành trong thời gian tới tập trung vào nhóm đáp ứng nhu cầu người có thu nhập trung bình, sẽ góp phần vào việc tăng nguồn cung cho các phân khúc quan trọng của thị trường bất động sản địa phương, là nền tảng của một thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững.

Hạ tầng đô thị của thành phố Cà Mau cũng đang được đầu tư và phát triển thông qua việc cải tạo, xây dựng mới hệ thống đường giao thông đô thị, kết nối với hệ thống giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia. Đó là dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2 và nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường giao thông trong đô thị. Quy hoạch cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có sân bay Cà Mau sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt chuẩn 4C sẽ tạo điều kiện rất lớn để kết nối Cà Mau với các địa phương và giao thương quốc tế.

Việc phát triển ngày càng hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông sẽ giúp bất động sản gia tăng giá trị, tạo động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Hoạt động đầu tư xây dựng được đẩy mạnh; nhiều dự án, công trình trọng điểm đã hoàn thành hoặc đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình như tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau, đường Bờ Nam Sông Đốc, Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, cầu Sông Đốc, trục Đông - Tây, cầu Gành Hào, tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, tuyến đường Cải Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, tuyến đường U Minh - Khánh Hội.

Từ đó, việc phát triển các dự án bất động sản đã có những thay đổi lớn so với giai đoạn trước đây, không chỉ tập trung tại thành phố Cà Mau mà đang gia tăng về số lượng, quy mô dự án tại một số huyện, đô thị động lực như Cái Nước, Năm Căn, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển...

Nhiều dự án bất động sản đã quan tâm hơn đến việc quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội trong dự án (y tế, giáo dục, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại, công viên cây xanh…) nhằm mang lại hiệu quả về kinh tế và xã hội, tăng tính khả thi, tính cạnh tranh cho dự án.

 PV: Thưa ông, hiện nay địa phương đang triển khai những giải pháp nào để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng về phát triển bất động sản trong giai đoạn tới?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng trong giai đoạn tới, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là tập trung triển khai các giải pháp phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững các ngành kinh tế biển có nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch biển và kinh tế hàng hải.

Ba là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án về năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo; triển khai hiệu quả Đề án xuất khẩu điện sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Thứ tư là tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Năm là mở rộng các hình thức đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng; đồng thời phát triển nguồn lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Cà Mau - Nâng cấp hạ tầng, đa dạng hoá sản phẩm bất động sản- Ảnh 5.

Cà Mau tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đa dạng các loại hình du lịch, tăng cường hợp tác, liên kết du lịch trong và ngoài tỉnh (Ảnh: Ngọc Thu)

 PV: Để tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển dựa trên nhu cầu và giá trị thực, bên cạnh yếu tố hạ tầng, tỉnh đã và đang thực hiện những chiến lược nào để phát triển kinh tế, thưa ông?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Cà Mau đã đạt được một số kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 6,5%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8,61%.

Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phấn đấu đến năm 2030, kinh tế Cà Mau tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, các ngành, lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh bao gồm: các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch.

Cà Mau cũng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tính động lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội. Không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top