Aa

Cà Mau trưng bày những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Năm, 24/10/2024 - 08:06

Ngày 23/10, tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (đường Ngô Quyền, P.1, TP. Cà Mau), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Sự kiện diễn ra đến hết ngày 27/10/2024.

Kế thừa và phát triển ý thức chủ quyền biển, đảo của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như nhận thức đúng tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân trong thời đại ngày nay.

Chuyên đề "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam -  Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" được trưng bày với mục đích góp phần đưa công tác tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày càng lan tỏa, tác động mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cà Mau trưng bày những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"- Ảnh 1.

Ông Hồ Trung Việt (áo trắng giữa), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo cắt băng khai mạc trưng bày.

Quy mô đợt trưng bày sử dụng 61 hình ảnh (trong đó có 40 hình ảnh chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa của Bộ TT&TT; 21 hình ảnh đá chủ quyền Trường Sa); có sử dụng phông tiêu đề, băng rôn để tuyên truyền về các nội dung trưng bày; sử dụng tivi để chiếu nội dung triển lãm số, phim tư liệu biển, đảo.

Các bằng chứng lịch sử mà Việt Nam đã thu thập được rất phong phú, mặc dù do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cà Mau trưng bày những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"- Ảnh 2.

Lời của vua Lê Thánh Tông nói với các quan phụ trách biên cương

Một là, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi.

Cà Mau trưng bày những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"- Ảnh 3.

Bãi cát vàng trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư

Cà Mau trưng bày những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"- Ảnh 4.

Bản đồ vẽ xứ Quãng Nam trong "Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư" do Đỗ Bá, tự Công Đạo, soạn đời Chính Hòa (1680 - 1705), triều Lê, có ghi địa danh "Bãi cát vàng" bằng chữ nôm.

Hai là, nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844 - 1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)... đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này.

Cà Mau trưng bày những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"- Ảnh 5.

Bản quốc địa đồ vẽ hình thế nước ta thời Nguyễn (1802-1945)

Ba là, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816 khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Cũng cần nói thêm là trong một thời gian khá dài, người Việt Nam luôn coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một dải đảo dài hàng vạn dặm trên Biển Đông, nên gọi là Vạn Lý Trường Sa, hay Đại Trường Sa, Bãi Cát Vàng...

Cà Mau trưng bày những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"- Ảnh 6.

Bản đồ của anh em nhà Van Langren (Hà Lan) vẽ năm 1595


Cà Mau trưng bày những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"- Ảnh 7.

An Nam Đại quốc họa đồ (1838) của Giám mục Jean Louis Teberd (Pháp) vẽ

Ngoài ra, Bản đồ cổ của phương Tây, bản đồ cổ của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số hình ảnh, nghiên cứu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước, quốc tế về vấn đề này. Đây là những bằng chứng lịch sử, có giá trị pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, củng cố niềm tin, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ trong việc tham gia bảo vệ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng biển, đảo của Tổ quốc.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động bổ trợ nhằm củng cố kiến thức chủ quyền biển đảo, rèn luyện kỹ năng mềm, phục vụ nhu cầu học tập của các em học sinh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Sau TP. Cà Mau, hoạt động trưng bày chuyên đề "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam" sẽ được tổ chức ở các điểm Trường THCS, THPT tại 8 huyện trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top