Mới đây, ông Nguyễn Minh Nhẫn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình Xây dựng tỉnh Cà Mau (Ban QLDA CTXD) ký quyết định 244/QĐ-BCTXD, hủy kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu số 27: Khối nhà chính, thử tĩnh tải cọc, cấp thoát nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh.
Theo nội dung văn bản, lý do Ban QLDA CTXD hủy kết quả lựa chọn nhà thầu là để "đánh giá lại E-HSDT gói thầu số 27: Khối nhà chính, thử tĩnh tải cọc, cấp thoát nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau tại Văn bản số 7221/UBND-XD ngày 30/8/2024 và Văn bản số 7222/UBND-XD ngày 30/8/2024".
Theo biên bản mở thầu ngày 22/5/2024, gói thầu này có 4 nhà thầu tham dự. Cụ thể, Nhà thầu số 1, Liên danh Nhà thầu Công ty TNHH Thuận Phú, tham dự với giá 778 tỷ đồng (làm tròn), thời gian thực hiện gói thầu 470 ngày; Nhà thầu số 2, Tổng Công ty 36 - CTCP, tham dự với giá 797 tỷ đồng, thời gian thực hiện gói thầu 500 ngày; Nhà thầu số 3, Trường Phát - DIC Holdings, tham dự với giá 810 tỷ đồng, thời gian thực hiện gói thầu 495 ngày và Nhà thầu số 4, Liên danh Bệnh viện Cà Mau (vn010010 8984) - Liên danh Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng - Công ty Cổ phần Sản xuất công nghiệp xây lắp 3, tham dự với giá 814 tỷ đồng, thời gian thực hiện gói thầu 490 ngày.
Ngày 17/7/2024, ông Nguyễn Minh Nhẫn, Giám đốc Ban QLDA CTXD ký quyết định 174/QĐ-BCTXD, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu số 27: Khối nhà chính, thử tĩnh tải cọc, cấp thoát nước, thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh số 599/QĐ-UBND ngày 26/3/2024, thuộc dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường.
Đơn vị trúng thầu là Liên danh Bệnh viện Cà Mau (vn010010 8984) - Liên danh Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng - Công ty Cổ phần Sản xuất công nghiệp xây lắp 3 trúng thầu, với giá 814 tỷ đồng (làm tròn). Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác theo Quyết định số 2920/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 và Quyết định số 2921/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, sau khi có quyết định lựa chọn nhà thầu của gói thầu số 27 từ Ban QLDA CTXD tỉnh Cà Mau, thì nhận được nhiều đơn khiếu nại từ các nhà thầu tham dự, đề nghị cần làm rõ những khuất tất của gói thầu này. Trong đó, Công ty TNHH Thuận Phú yêu cầu xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu. Các cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi có thông thầu hay không? Trong đơn ghi rõ, giá gói thầu được duyệt là 822 tỷ đồng (lấy số tròn). Liên danh Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng - Công ty Cổ phần Sản xuất công nghiệp xây lắp 3 trúng thầu với giá hơn 814 tỷ đồng, giá trúng thầu này có tỷ lệ chênh lệch thấp và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước rất ít chỉ 1%. Trong khi các nhà thầu khác thấp hơn từ 36 đến 44 tỷ đồng vẫn bị loại. Công ty kiến nghị xem xét trách nhiệm bên mời thầu.
Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị kết quả lựa chọn Gói thầu số 27 (gọi tắt là Hội đồng tư vấn) có báo cáo kiểm tra kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 27. Theo đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau chưa xem xét toàn diện, khách quan, chưa đảm bảo quy định và mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Bên mời thầu là Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hợp Nhất xem thường pháp luật và công tác đấu thầu của Nhà nước. Gói thầu 27 được xét lại.
Đồng thời, ngày 30/8/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân có văn bản giải quyết kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 27 của Công ty TNHH Thuận Phú (trụ sở huyện Châu Thành, Bến Tre) và Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng). Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có ý kiến, thống nhất báo cáo của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị kết quả lựa chọn Gói thầu số 27. Yêu cầu Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh đánh giá lại hồ sơ dự thầu và thực hiện các ý kiến đề xuất, xử lý của Hội đồng tư vấn. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để xử phạt các vi phạm của chủ đầu tư, bên mời thầu và các đơn vị tư vấn đấu thầu có liên quan (nếu có). Trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý phù hợp.
Ngày 10/7/2020, HĐND tỉnh Cà Mau có Nghị quyết số 05 về chủ trương đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh. Dự án được xây dựng 12,15ha tại phường 6, thành phố Cà Mau. Chiều cao tối đa của công trình là 45m và chiều cao tầng là từ 5 đến 12 tầng. trong đó gồm có: khối nhà chính 104.000m2; nhà khoa tâm thần 2.800m2; nhà khoa truyền nhiễm 2.800m2; khu xạ trị 2.900m2; khu kỹ thuật hậu cần và công trình phụ trợ 5.500m2 và khu xử lý nước thải, rác thải. Ngoài ra trong phạm vi đất xây dựng còn dự trù sẵn diện tích đất để sử dụng cho mục đích xây dựng khu dịch vụ tổng hợp, lưu trú cho thân nhân người bệnh và dự phòng cho thảm họa, dịch bệnh khi có nhu cầu. Điều đặc biệt là trong qui hoạch tổng mặt bằng của dự án còn có bố trí sân đỗ trực thăng để sử dụng khi cần thiết.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020-2025. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng gồm: Chi phí xây dựng hơn 1.400 tỷ đồng; Chi phí thiết bị cơ điện và thiết bị công nghệ hơn 500 tỷ đồng; Chi phí trang thiết bị y tế hơn 854 tỷ đồng… Đến nay dự án còn thời gian hơn 1 năm để hoàn thành, nhưng hiện chỉ hoàn thành một phần san lấp mặt bằng, ép cọc, đổ bê tông, các tuyến đường giao thông nội bộ…
Từ năm 2021 - 2023, chủ đầu tư giải ngân 121 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh bố trí nguồn vốn hơn 397 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ xổ số kiến thiết của tỉnh hơn 208 tỷ đồng còn lại hơn 188 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương. Thế nhưng đến ngày 31/7/2024, chủ đầu tư giải ngân được 51,59 tỷ đồng đạt 12,974%. Theo Ban Quản lý dự án công trình xây dựng, dự án chậm là do công tác tổ chức mời thầu, xét thầu và vướng giải phóng mặt bằng 183m2.
Bệnh viện đa khoa Cà Mau không những lớn về mặt quy mô mà nó còn lớn về mặt ý nghĩa xã hội. Việc xây dựng Bệnh viện khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trong tỉnh đến tình hình an sinh xã hội, sức khỏe của người dân. Với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, Bệnh viện sẽ đáp ứng được nhu cầu khám và chữa những trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo mà trước đây chưa cứu chữa được phải chuyển lên tuyến trên, từ đó từng bước củng cố lòng tin của người dân đối với hệ thống y tế tỉnh nhà./.