Aa

Cà phê trong phố

Thứ Sáu, 18/08/2017 - 06:46

Ở ta bây giờ, bất cứ đô thị sặc sỡ nào cũng có thật đông những quán cà phê. Thực ra, cái thói quen uống cà phê vốn là của người Pháp đưa vào khoảng cuối thế kỷ 19.

Sang nửa đầu thế kỷ 20, khi đã hình thành một tầng lớp viên chức và thị dân bản xứ thì người Việt mới có những quán cà phê đầu tiên. Những quán ấy tuyệt đối khác nhau, do đóng đậm dấu ấn của chủ quán, từ hương vị cho đến cách bài trí. 

Bây giờ có một điều khá lạ, các quán cà phê càng ngày càng giống nhau, nhất là những đoạn thuộc miền Trung nơi từng xuất xứ một thương hiệu cà phê thời thượng mà nay đang bị loãng dần đi. Kiểu ghế bàn, kiểu nghe nhạc, kiểu người ngồi uống. Hơi hơi xanh đỏ lòe loẹt, loáng nhoáng nhấp nháy đèn. Kon Tum thì giống Buôn Mê Thuột, còn Buôn Mê Thuột thì giống Huế. Quy Nhơn cũng vậy mà Đà Nẵng cũng vậy. Trước đây đã ồn, giờ lại càng ồn hơn vì rất nhiều quán thường để vài màn hình tivi, liên tục thấy showbiz đang lảm nhảm. 

Ở mấy góc khuất của vài đoạn phố cổ Hà Nội, thỉnh thoảng còn những quán cà phê cũ kỹ. Nó cũ là vì nhiều lẽ. Hoặc thiếu phụ đang đứng pha cốc cà phê sữa kia vẫn giữ nếp nhà, là cháu nội của cụ chủ quán mở cái cửa hàng này từ gánh cà phê rong ngay sau khi hòa bình lập lại. Hoặc cái vô tuyến trắng đen, treo như là cho có, hãn hữu lắm mới thấy bật. Hoặc cái bức sơn dầu khổ nhỏ lấm tấm mốc, là tranh thật của một ông họa sĩ già khách quen vừa mới mất. Thế nhưng điều làm cho quán phảng phất mùi xưa cũ hơn cả, chính là đám khách đều đặn đến uống vào buổi sáng.

Đa phần đó là những đàn ông có tuổi và thỉnh thoảng khá thường xuyên là những đàn bà đang có người tình. Những gã trung niên có vẻ ngoài vừa giống nhau vừa rất khác nhau. Sắc sảo phảng phất dung tục nhưng sang trọng lịch lãm. Bọn họ ngồi cặp đôi cặp ba từng bàn, mặt mũi không quá vui, thậm chí còn nhầu nhĩ vài nét bải hoải. Họ uống cà phê giống như ông họ hay bố họ đã từng ngồi đây uống. Tất nhiên, “gu” mỗi người mỗi cách. Có người chỉ uống “đen” nóng.

Có người quanh năm, kể cả mưa phùn rét lạnh Hà Nội, toàn gọi “đen” đá. Có vẻ bọn họ quen hút thuốc thượng hạng từ lâu lắm rồi. Ví như cái ông mặc áo vét màu chua loét xanh cốm chuyên ngồi một mình kia, đã hút tẩu từ hồi vất vả bao cấp khi cà phê Nhân còn đang gần hàng kem Long Vân xê xế cửa Thủy Tạ. Ngày xưa khó khăn, ông ta dỡ thuốc điếu “Tam Đảo”, “Điện Biên” bao bạc ra thành thuốc sợi. Bây giờ cả nước dư dật, thì gần hai chục năm nay cái “píp” ông ta ngậm lúc nào cũng luôn lập lòe khói Davidoff.

Nói chung, tất cả đám trung niên với vẻ vô công rồi nghề ấy hình như nhà đều có kha khá tiền. Lúc thanh toán bàn đông, thường người đi sớm rút ví trả hết. Cũng chả ai tranh, cũng chả ai xã giao gàn. Bọn họ sợ nhất cái nồng nhiệt kiểu “nhà quê”.

Một ông mặt đẹp không rõ tuổi năm mươi hay gần sáu mươi nhấp một ngụm “nâu” nóng khùng khục kể chuyện hôm nọ đi ăn bún bung, có hai cặp vợ chồng trông cũng sáng sủa đi LX ăn trước ăn sau giằng nhau trả tiền. Cái thằng để râu quai nón giằng tay con vợ cái thằng không để râu, thế là rơi cái ví vào nồi nước dùng.

Lềnh phềnh cả thỏi son môi lẫn tiền “đô”, báo hại cho chủ quán suýt toi cả gánh hàng. Chủ quán vừa gạn thay lại nồi nước dùng vừa lầm bầm nguyền rủa “cái bọn Hà lội”. Gã trung niên húi cua, bật cười suýt sặc. Cái kiểu cười kiêu bạc của gã đặc biệt thị dân, trắng trợn dục tính. Nhà gã này 5 đời Hàng Khoai, thâm niên buôn đồng hồ chợ Giời từ hồi KD “bốn đinh mặt lửa” đang là mốt. Một dạo dài ngồi cà phê dưới Triệu Việt Vương, uống xong cốc “đen” đá thì tầm thường gọi thêm cốc cam vắt.

Thực ra đã từ rất lâu, quán cà phê ở Hà Nội kiêm luôn chức năng giải khát. Trước khi miền Nam được giải phóng, nước hoa quả giải khát (chưa bao giờ được gọi là sinh tố), chủ yếu là nước chanh, nước cam và sen dừa, thỉnh thoảng bị thiếu đá. Những đôi yêu nhau mặt xanh màu rau, phải tới một “đẳng cấp” nào mới dám vào cà phê - giải khát. Quán tư nhân ngon nhưng đắt, quán mậu dịch kiểu như “Bốn Mùa” rẻ nhưng đông. Phần lớn những mối tình đã qua “giải khát” thì đầy tiềm năng tiến vào hôn nhân.

Thói quen uống cà phê được mặc định là sang trọng. Tất nhiên, quán cũng nhẵn mặt đám “văn nghệ văn gừng”, nghèo túng ngông ngạo bất cần đời. Có phải thế chăng mà một dạo miền Bắc đang tần tảo nỗ lực xây dựng xã hội chủ nghĩa, đã có lệnh cấm bán cà phê. Theo lời của họa sĩ trung niên nhà văn Đỗ Phấn xuất xứ cao bồi phố cổ, thì lệnh ấy kéo dài cả năm. Cà phê “Hói” khét tiếng ở Bà Triệu, ngoài cửa đóng im ỉm nhưng bên trong thậm thụt thơm lừng ấm cúng. Rồi cái lệnh ngô nghê ấy được cái lãng mạn rét Hà Nội cuốn trôi đi, bởi bọn trung niên thập thành của phố đã quen chống lạnh bằng cữ cà phê sáng. 

Một thành phố rêu phong đáng trọng phải là một thành phố có vài hiệu sách cũ, nơi đám sinh viên trong trắng lê la ngồi đọc “cọp”. Phải có những gánh hàng rong vỉa hè mẹ truyền con nối, chiều muộn xúm xít đông nghịt chị em ngồi ăn. Và đương nhiên phải có những quán cà phê luôn thấp thoáng những bóng trung niên con đẻ của thị thành mặc vest, nhẩn nha ngồi thả khói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top