Khát vọng muôn thuở của con người thực ra không có gì khác, là ngày càng làm cho con người phát triển tốt hơn, đẹp đẽ và hoàn hảo hơn. Chính vì ý chí này mà muôn thuở, đông tây kim cổ, các triết gia, các nhà thần học, các nhà thơ, nhà văn, đã chấp nhận mọi đớn đau khổ nạn, vật vã vắt kiệt thân xác và tinh thần, để tìm ra giải pháp để tôn vinh con người, đưa con người thoát ra khỏi những nỗi khổ đau, dằn vặt và những hiểm họa luôn thường trực đeo bám cuộc đời.
Ở một đất nước như chúng ta, vấn đề con người từ xưa đã được các lề thói, hình mẫu của các thể chế trong lịch sử "bó" sẵn lại. Các thế hệ con cháu được răn dạy trong khuôn phép với vô vàn thói quen, tập tục, trong đó rất nhiều tập quán tích cực tiến bộ, có lợi cho sự phát triển con người. Nhưng cũng có không ít trì trệ lạc hậu, trở thành phản động, trở thành vật cản nặng nề cho quá trình giải phóng tiềm năng con người.
Một trong những vật cản lớn đó là sự tự do phát triển cá tính khác biệt. Do thói quen, việc tôn trọng cá tính của ông cha dường như không đặt ra như một động lực phát triển. Bằng chứng là trong các triều đại Nhà nước phong kiến, tinh thần trung quân là trên hết: “Vua bảo chết là chết. Vua cho sống được sống. Không phân biệt phải trái, không có phản biện”. Ở làng thì có lệ làng, “phép vua thua lệ làng”.
Trong gia đình, con cái thì “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Con gái: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Tuyệt nhiên người phụ nữ không có bất cứ một độc lập quyết đoán nào.
Nghĩa là mọi việc đã được định đoạt sẵn. Bậc tôi trung, dân chúng, con cái cứ vậy mà làm. Ai vượt biên vi phạm lập tức khép tội khi quân, nghịch tử, bất trung bất hiếu. Chính vì những tập tục khắt khe này con người chấp nhận sống an bài, tất cả theo trật tự, đúng khuôn mẫu thì được coi là gia phong, mẫu mực.
Mọi cá tính khác thường, mọi cái mới, sáng kiến hay, lạ đều xa lạ với thuần phong mỹ tục. Vì thế tạo ra sự giống nhau đến kinh ngạc về sinh hoạt, về nhu cầu cuộc sống và sự thiếu vắng khát vọng vươn lên, đã làm nhụt biết bao tài năng, kìm hãm sự phát triển của xã hội, đến không thể chấp nhận.
Mãi đến nửa đầu thế kỷ trước, vấn đề khác biệt cá tính mới được đề cao, nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ con người, làm cho con người ngày càng phát triển hoàn thiện, lành mạnh về thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng hàng nghìn năm lề thói, tập quán cũ, nên tự do khác biệt cá tính vẫn chưa hoàn toàn được đề cao trong toàn xã hội. Bằng chứng là chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, những người có cá tính mạnh mẽ, quyết liệt, có nhiều sáng kiến mới lạ, khác thường, đôi khi cực đoan, đều bị số đông chối bỏ. Người được số đông chấp nhận và khen ngợi, lại thường là những cá tính dĩ hòa vi quý…
Hồi chiến tranh, tôi có một người bạn quê ở Hải Phòng. Khi còn là lính huấn luyện ở ngoài Bắc, cứ sểnh ra là anh bỏ đơn vị vào thành phố chơi. Đơn vị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, bắt giam rồi đày ra giữa sân kho nắng như thiêu đốt, anh ta cũng không sửa được cái tính tự do của mình.
Anh bảo: "Mai mốt vào chiến trường, thế nào cũng chết. Nếu chết thật hóa ra cuộc đời bố mẹ sinh ra nuôi ăn khôn lớn chỉ để chết mà không làm được trò trống gì à?". Vì suy nghĩ như vậy nên anh bất chấp kỷ luật. Thượng cấp phê phán, kỷ luật thế nào anh cũng bỏ ngoài tai. Cả đơn vị anh em bạn bè đều coi anh là thằng gàn, thằng điên, không ai muốn gần gũi nhận anh là bạn.
Thế nhưng, khi vào chiến trường, anh lại là tay súng dũng cảm và thông minh số một. Đánh trận nào thắng trận ấy, dọc ngang xông pha khắp chiến trường, ba bốn lần được nhận danh hiệu chiến sĩ quyết thắng thi đua.
Hòa bình lập lại, đang ở cương vị Tiểu đoàn Trưởng oai hùng, anh đùng đùng bỏ ngũ, về quê lấy vợ, cày ruộng. Sau đó, anh lăn lưng ra làm ăn, bôn ba cả nước ngoài nữa. Giờ thì anh là một đại gia nổi tiếng, có mấy công ty buôn bán xuyên quốc gia, là một doanh nhân thành đạt mà bạn bè khi nhắc đến đều ngưỡng mộ. Trong khi đó, những người cùng đơn vị anh trước được cho là đức hạnh nghiêm ngắn, kỷ luật, giờ giấc mẫu mực, giờ vẫn vậy…
Điều nghịch lý là, sự tiến bộ và phát triển của xã hội như một tất yếu khách quan, bao giờ cũng gắn kết với tinh thần phát triển tự do các cá tính khác biệt. Bởi chỉ có khác biệt cá tính mới tạo ra khả năng nhận biết đúng mình và biết đúng về người khác, mới có sự đối chiếu so sánh, mới có kích thích vươn lên, mới có cạnh tranh, mới có tìm tòi sáng tạo.
Không có tìm tòi sáng tạo thì không thể có tiến bộ, phát triển. Từ xưa đến nay, những phát kiến mang lại lợi ích lớn nhất cho con người đều ra đời từ các bộ óc lớn, những cá tính dị thường. Chưa bao giờ một sáng tạo lớn có giá trị lại sinh ra ở những bộ óc thường thường, cá tính thường thường, dĩ hòa vi quý.
Chính vì lý do này mà cuộc chiến với những tập quán an bài, bình bình, thủ tiêu khát vọng cạnh tranh, để giải phóng hoàn toàn cho mọi khác biệt cá tính sáng tạo - động lực thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Đây thực sự là vấn đề thời sự, cần được chia sẻ không phải chỉ trong các cơ quan công quyền mà là trong chính mỗi cá nhân. Bất kể họ làm gì, ở đâu, thuộc mọi lứa tuổi nếu họ muốn tôn vinh chính mình, muốn phát triển ngày càng hoàn hảo ở môi trường mà họ cống hiến.