Aa

Sáu ngọn núi mặt hồ Tam Chúc

Thứ Ba, 24/03/2020 - 13:30

Phải leo 299 bậc thang bạn mới có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tượng Phật Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh, với bốn bề thoáng đãng. Khi ấy, vẻ đẹp giản dị của ngôi chùa Việt như càng hiển hiện, trầm mặc hơn và tĩnh tại.

Nếu như trong tim bạn, Hà Nội duy nhất chỉ có một Tháp Rùa ở giữa Hồ Gươm, một đền Ngọc Sơn đi qua cây cầu Thê Húc, thì hồ Tam Chúc (Hà Nam) lại đặc biệt và là duy nhất khi có tới sáu ngọn núi như sáu quả chuông bằng đá ngự lãm mặt hồ. 

Đối diện với sáu ngọn núi ấy là ngôi chùa Tam Chúc rộng lớn và điểm nhấn là vườn kinh với 1.000 cột đá, mỗi cột đá cao 14m, nặng khoảng 200 tấn đang dần được hoàn thiện. Mỗi cột đá tượng trưng cho một cây kinh thư và khắc trên đó những lời dạy của Phật. 

Phía sau ngôi chùa Tam Chúc là dãy núi Thất Tinh, theo câu chuyện truyền miệng của người dân địa phương, thì về đêm có ba hay bốn ngọn núi trong bảy ngọn vẫn phát sáng. Tôi nghe xong cũng háo hức tò mò muốn đợi đến đêm, đi xem núi phát sáng có thực hay mơ. 

Để khám phá nơi này, bạn có thể lựa chọn mua vé với 200.000 đồng để đi trên thuyền gỗ nâu, dạo quanh hồ xem cò, chim le le bay, và những đóa sen tàn đang thay lá vào dịp cuối xuân. Thật đặc biệt khi vừa ngồi thuyền vãn cảnh vừa được nghe những người am hiểu về việc chăm nuôi cá trối nổi tiếng của vùng du lịch sinh thái này kể chuyện. Đó là loài cá dài hơn một gang tay, mình tròn có vẩy, rất giống cá quả, nhưng đầu hơi bẹp như cá trê. Cá trối sống dưới nước và sống được cả trên triền núi đá vôi, chúng có thể ăn rong rêu và cỏ ngọt. Được biết, người dân nơi đây đang đầu tư, phát triển kinh tế từ việc chăm nuôi cá trối dưới hồ, dưới đầm, và cả trên núi cao. 

Có lẽ, người Hà Nam sẽ chú trọng phát triển chăm nuôi cá trối, giống như người ở vùng núi Chí Linh (Hải Dương) trồng thanh hao và khai thác thanh hao làm chổi, phát triển kinh tế vùng miền. Trong tương lai, nếu Hà Nam khai thác được thế mạnh “tựa sơn đạp thủy” này để phát triển du lịch, trở thành một Hạ Long trên cạn, sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho lao động địa phương. 

Tới một nơi mà dưới hồ có núi, trước hồ có đền chùa cổ kính, trong chùa có những pho tượng bằng đồng, và khoảng 12.000 bức phù điêu trên tường được điêu khắc bằng chất liệu đá núi lửa,... muốn xem kỹ, lữ khách phải đi lại nhiều lần.

Chùa Tam Chúc nằm trước hồ Tam Chúc. (Ảnh: HVH)
Tượng Phật trong điện Tam Thế. (Ảnh: HVH)
Viên đá nơi cổng chùa. (Ảnh: HVH)

Nhưng trước hết phải kể đến chùa Tam Chúc với điện Tam Thế nguy nga, có diện tích hơn 5.000m2, nơi có ba pho tượng bằng đồng đen, mỗi pho tượng nặng tới 80 tấn. Phía sau mỗi tượng Phật là lá bồ đề được dát vàng, với họa tiết chạm khắc rất tinh xảo. Xung quanh ba mặt tường của điện Tam Thế đều được khắc những phù điêu, như bánh xe luân hồi, với những triết lý của nhà Phật; rồi ngước nhìn phù điêu ngọn lửa Tam Muội, ngọn lửa phù điêu này mang một thông điệp cảnh giới cho con người trên cõi nhân gian hãy biết tránh, biết cân nhắc ba chữ tham, sân, si để cuộc đời an nhàn hơn. 

Rồi lại có tới sáu bức phù điêu của cõi luân hồi, đó là cõi trời, cõi con người, cõi dành cho sinh vật, cõi ma quỷ, cõi địa ngục… mỗi cõi đều giác ngộ, hoặc thức tỉnh người xem những suy nghĩ, liên tưởng khác về hạnh phúc, danh vọng, về ý niệm sinh diệt của thập loại chúng sinh. Phù điêu không chỉ có bánh xe luân hồi, mà phận người trên cõi dương gian với bao trầm luân, bể khổ cũng được tái hiện. Phù điêu đã phần nào thể hiện được sự tài hoa của những đôi bàn tay vàng của những nghệ nhân đến từ Indonesia, Ấn Độ khi chung sức làm nên phù điêu gốm nơi đây.

Điện Tam Thế có những phù điêu khiến ta khi đứng xem mà có cảm giác như được đứng trong Bảo tàng Phật giáo với không gian rộng lớn, tĩnh tại và thật nguy nga. Phía trước điện còn có đôi hạc bằng đồng đối diện với một chiếc vạc từ thời Phổ Minh.

Chiếc vạc thời Phổ Minh. (Ảnh: HVH)
Đôi hạc đồng. (Ảnh: HVH)
Bức phù điêu bánh xe luân hồi nhà Phật. (Ảnh: HVH)
Những cánh cửa chùa Tam Chúc với chạm khắc tinh sảo. (Ảnh: HVH)

Khi bước sang điện thờ Pháp chủ Thích Ca Mâu Ni, bạn sẽ ngỡ ngàng trước pho tượng có trọng lượng tới 200 tấn, pho tượng được cho là lớn nhất khu vực Đông Nam Á. 

Và rồi phải leo 299 bậc thang, bạn mới có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tượng Phật Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh, với bốn bề thoáng đãng. Khi ấy, vẻ đẹp giản dị của ngôi chùa Việt như càng hiển hiện, trầm mặc hơn và tĩnh tại hơn. Mỗi ngôi đền, đình, chùa nơi đây đều không có màu sắc rực rỡ, mà chỉ thấy vẻ đẹp thâm trầm, khiêm nhường trên đỉnh núi, và dưới chân núi.

Đứng trên đỉnh núi Thất Tinh, nơi có chùa Phật Ngọc cao 468m so với mặt hồ, sẽ khiến bạn liên tưởng đến chùa Vàng ở Thái Lan, hay ngôi chùa trên đỉnh núi Luang Prabang (Lào).

Vườn cột đá kinh thư đang lắp đặt. (Ảnh: HVH)
Điện Tam Thế nhìn lên chùa Phật Ngọc, phải leo 299 bậc. (Ảnh: HVH)

Chỉ đi chiêm bái cảnh chùa cũng mất tới một ngày, nên nếu muốn đi thăm hồ và cảnh vật xung quanh, bạn nên chọn ngày khác. Bạn nên đi thuyền thăm hồ và cảnh vật xung quanh, cũng có thể thuê thuyền đi xuôi hồ xuống sông Ngô Đồng để đi thăm vệt đền cổ kính thời Đinh Lê và ngôi chùa Bích Động nổi tiếng của vùng Hoa Lư, Ninh Bình. Đây cũng là con đường thủy nối nhau của sông hồ non nước Hà Nam, Ninh Bình với những khung cảnh đẹp như bức tranh sơn thủy. 

Tới đây bạn sẽ gặp nước non, cỏ cây, chim chóc xoa dịu đi những thương tổn của tâm hồn, không phố thị, không khói bụi, ket xe, còi rú, ánh đèn, nơi đây chỉ có nước dát nắng vàng mà thôi.

Du thuyền đi thăm hồ Tam Chúc. (Ảnh: HVH)
Nắng ở hồ Tam Chúc. (Ảnh: HVH)

Bạn cũng có thể dạo quanh hồ buổi sớm bằng thuyền để xem sáu ngọn núi trên hồ, thưởng thức những món ăn nổi tiếng của Hà Nam, vùng thị trấn Ba Sao của huyện Kim Bảng, như bún tái kênh, cơm tám cá kho niêu làng Vũ Đại, chuối ngự Đại Hoàng, bánh cuốn trứng. Và ngay trong chùa Tam Chúc cũng có một nhà ăn, có xôi và bánh cuốn, món ăn chay cho người đi chiêm bái cửa Phật.

Bạn cũng có thể chọn tour du lịch một ngày để thăm thú những điểm du lịch khác ở Hà Nam, bởi, cách khu du lịch chùa Tam Chúc không xa là khu du lịch đền Trúc, nơi thờ danh tướng Lý Thường Kiệt, hoặc đi thêm nửa giờ xe chạy bạn sẽ được ghé thăm chùa Bà Đanh, mùa hạ đến bạn có thể thăm những đầm sen đang vào hạ, là nơi có đủ thắng cảnh để khách nước ngoài lưu trú dài ngày.

Sản phẩm du lịch của chùa Tam Chúc khá phong phú, có nhiều loại áo dài, nón mũ cho khách thập phương đi lễ chùa. Đặc sản thì có cơm cháy Ninh Bình, sữa Ba Vì và rất nhiều bánh của người bản địa giới thiệu để thực khách thưởng thức. Ở ven chùa cũng có quán ăn ngon, có thể đặt qua điện thoại, một khi bạn vãn cảnh hồ, đền, chùa, khi trở về sẽ có món ngon thưởng thức.

Có thể nói, du lịch Hà Nam đang là khu du lịch mở, bạn có thể du lịch trên cạn thăm chùa Tam Chúc, hoành tráng, nguy nga; nếu chọn cung đường thủy có thể đi chùa Hương Tích hay xuống Hoa Lư thăm Bái Đính (Ninh Bình).

Đó là chưa kể nếu bạn là người yêu văn chương, khi về thành Nam hãy đi thăm làng Vũ Đại, quê hương của nhà văn Nam Cao, một vùng ghi dấu ấn đậm nét của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, nếp nhà xưa vẫn giữ nguyên nét cổ kính, thuần Việt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top