Aa

VNREA tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản

Thứ Ba, 18/02/2020 - 10:00

Sáng 18/2, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hội nghị để lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhằm kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.

Bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có ảnh hưởng to lớn đến các ngành kinh tế khác như: tài chính ngân hàng, vật liệu xây dựng, du lịch dịch vụ… và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như sự ổn định xã hội. Các cơ chế chính sách của Nhà nước có tác động sâu sắc đến sự phát triển của thị trường bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong nước và nước ngoài. Vì vậy, việc tăng cường sự trao đổi chia sẻ những khó khăn vướng mắc giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư về các chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản Việt Nam là việc làm rất cần thiết.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội viên vượt qua khó khăn để phát triển và đưa ra đề xuất kiến nghị sát với thực tế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tổ chức hội nghị trao đổi những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách của nhà nước đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Kiến nghị tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định và bền vững. 

Hội nghị do ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì. Cùng tham dự có một số lãnh đạo Hiệp hội: ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam; ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Chủ tịch VNREA; ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký VNREA… và các thành viên Ban thường vụ Hiệp hội.

Đại diện Bộ Xây dựng có ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và các trưởng phòng.

Hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện 23 doanh nghiệp bất động sản thành viên của Hiệp hội như Vinhomes, Sun Group, FLC, Novaland, Phúc Khang, BRG…

Toàn cảnh Hội nghị

Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Trần Nam chia sẻ: Trong bối cảnh thời tiết u ám, bệnh dịch và kinh tế chưa có các tín hiệu sáng, Thủ tướng có chỉ đạo Bộ Xây dựng khảo sát, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bất động sản, tiến tới buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, để lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Trước thông tin này, Bộ Xây dựng có kế hoạch lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp tại 5 thị trường lớn tiêu biểu. Đồng hành cùng Bộ Xây dựng, VNREA đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp như Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ;...

Thời gian qua, việc thị trường phải chịu tác động từ các thông tin siết chặt tín dụng vào bất động sản cộng với việc siết chặt thủ tục hành chính từ thành lập dự án đến khi hoàn thiện khiến thị trường có dấu hiệu trì trệ. VNREA đang tổng hợp lại toàn bộ tình hình giao dịch bất động sản 2019 và các số liệu cấp phép phê duyệt các dự án và tập hợp các kiến nghị trong Hội nghị hôm nay để gửi lên Thủ tướng.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA chia sẻ mở đầu Hội nghị

Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, VNREA đã kiến nghị rất nhiều về Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và đã nhận được những phản hồi của Bộ Tài  chính.

Bên cạnh đó là câu chuyện pháp lý condotel, sau nhiều lần VNREA gửi hàng loạt các văn bản kiến nghị, đề xuất về việc cấp sổ đỏ cho condotel thì Bộ Xây dựng cũng đã có lắng nghe và đưa ra các văn bản tháo gỡ. Mới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ra văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho loại hình này. Đây là một trong những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest chia sẻ: "Trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất bởi họ đang bị chi phối bởi 10 loại luật và thủ tục hành chính như một ma trận vây doanh nghiệp. Tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất là sửa luật. Với câu chuyện tắc nghẽn dự án hiện nay, điển hình như tại TP.HCM thì nguyên nhân là vướng mắc tại Luật Đất đai. Nếu như được kiến nghị thì tôi cũng kiến nghị sửa Luật Đất đai. Bản thân GP.Invest cũng đã rất khổ sở khi phải trải qua những thủ tục pháp lý về đất đai, có dự án phải trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành, có dự án phải trải qua 5 "đời" Chủ tịch của địa phương tại Phú Thọ mà đến nay vẫn chưa triển khai được… Những nỗi khổ này ai thấu cho doanh nghiệp bất động sản?”.

Ngoài ra, ông Hiệp cũng chia sẻ rất nhiều ý kiến về vấn đề đền bù đất đai tại các dự án mà GP.Invest triển khai liên quan đến chênh lệch giá đất...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest

Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc FLC chia sẻ, trong quá trình hoạt động, FLC nhận thấy những khó khăn liên quan đến 3 vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính.

"Về pháp lý, có luật chồng chéo, thiếu đồng bộ liên quan đến 4 luật khác, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản, nếu khơi thông được luật thì sẽ khơi thông được dự án bất động sản. Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều, nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương… Bên cạnh đó còn những vấn đề mâu thuẫn giữa đấu thầu với đấu giá cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại.

Có thể nói, làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm, điều đó gây khó khăn và bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp.

Bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng Giám đốc FLC

Về nguồn vốn, cần thêm các gói hỗ trợ và các chính sách khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Hiện nay nhà nước quan tâm đến thủ tục hành chính nhưng thủ tục nội bộ lại chưa được thông. Vì làm từ Trung ương đến địa phương phải qua rất nhiều cửa, đợi chờ phê duyệt, xin ý kiến của các cấp mất nhiều thời gian. Một văn bản nhanh phải trải qua 2 tháng, lâu nhất là 6 tháng". 

Chia sẻ thêm, bà Dung cho rằng, việc xử lý các thủ tục nội bộ nếu không cải tổ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản trong tương lai và doanh nghiệp cũng tiếp tục gặp khó, trễ tiến độ thực hiện dự án.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Giám đốc khối truyền thông của Novaland kiến nghị: "Hiện nay, hành lang pháp lý phê duyệt lô đất cho các doanh nghiệp còn chưa rõ ràng. Chúng tôi kiến nghị cần có những văn bản hướng dẫn rõ ràng trong việc giao đất cho doanh nghiệp". 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho hay: “Trong quá trình ban hành luật, nghị định văn bản không thể tránh khỏi những xung đột cần phải giải quyết. Do đó, trong quá trình thực tiễn triển khai dự án doanh nghiệp sẽ gặp những vướng mắc cần tháo gỡ. Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng đã có chỉ đạo và lắng nghe khó khăn, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Việc của VNREA và các doanh nghiệp hiện nay là thống nhất xem cần kiến nghị điều gì ngay và gấp để thị trường được thông thoáng, doanh nghiệp an tâm”.

Theo ông Phúc có hai vấn đề cần quan tâm hiện nay, thứ nhất là tháo gỡ những vướng mắc trong các bộ luật. Theo đó, cần trình Quốc hội những vướng mắc cần xử lý và phương án xử lý, những gì có thể xử lý được là làm luôn, phải phản ứng chính xác và nhanh nhất với thị trường. Thứ hai là vướng mắc về nguồn vốn và các vấn đề khác thì doanh nghiệp cần giải trình, nghiên cứu và kiến nghị thật cụ thể thì mới có thể thuyết phục được Thủ tướng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, TGĐ Eurowindow Holding nêu ý kiến: “Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng có chỉ đạo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh tình trạng dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến bất động sản nghỉ dưỡng. Từ góc độ doanh nghiệp tham gia thị trường, Eurowindow Holding kiến nghị Thủ tướng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng như giảm thuế, giảm lãi suất vay và có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điểm đến an toàn.

Về bất động sản nói chung, những kế hoạch tính đến thời điểm hiện tại rất khó để có thể thực hiện bởi những đợt mở bán của Eurowindow Holding vừa qua không có nhiều khách hàng đến xem. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản, giao dịch bất động sản trong năm nay có thể đi xuống do vướng mắc các thủ tục pháp lý.

Tôi cho rằng, một trong những chính sách chính là giải tỏa về vốn cho doanh nghiệp bất động sản. Thứ nữa là chúng tôi rất quan tâm đến Nghị định 20. Mong rằng, VNREA sẽ tiếp tục có những kiến nghị để sửa đổi các quy định này”.

Cũng chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn CEO cho hay: "Tập đoàn CEO cũng gặp những vướng mắc như các doanh nghiệp bạn, đặc biệt là vướng mắc về Nghị định 20. Các quy định tại Nghị định này đang làm khó cho doanh nghiệp trong nước". 

Tham gia phát triển 4 tòa nhà ở xã hội, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long kiến nghị: "Phân khúc nhà ở xã hội còn nhiều gặp khó khăn vì chủ đầu tư và khách hàng đều không được vay. Theo đó, cần được Chính phủ đưa ý kiến để các ngân hàng thương mại có cơ chế miễn lãi và hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp sẽ tự tìm đến ngân hàng vay vốn để tiếp tục phát triển các dự án phục vụ những người nghèo".

Lắng nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hồi đáp: "Cần phải phân biệt rõ hai vấn đề, một là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản và hai là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mà cụ thể là nhà ở xã hội. 

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Tôi cho rằng, thị trường bất động sản có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nên đề nghị các doanh nghiệp cần phải kiến nghị rõ, điều nào, khoản nào trong các quy định đang gây khó khăn cho thị trường thì Bộ Xây dựng mới có thể căn cứ vào đó để tập hợp và nêu ý kiến. Hiện nay, Luật Đầu tư đang được sửa, nếu những vấn đề sáng nay doanh nghiệp nêu ý kiến về khó khăn trong chấp thuận đầu tư có thể sửa đổi thì sẽ thông thoáng cho thị trường. Với vấn đề nhà ở xã hội, đúng là việc cấp vốn, chính sách hỗ trợ vốn cho phân khúc này còn nhiều khó khăn nên cần phải đưa thêm nhiều các kiến nghị lên Chính phủ. Trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp đã nêu và sẽ chắp bút ghi nhận để tập hợp và báo cáo lên lãnh đạo Bộ". 

Tổng kết Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam kết luận: "Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị hôm nay, tổng kết lại có 4 vấn đề chúng tôi sẽ nêu kiến nghị lên Thủ tướng là: Các quy định trong Nghị định 20; Pháp lý cho dự án bất động sản; Thủ tục hành chính và gỡ về vốn, giảm lãi suất cho vay. Chúng tôi sẽ thực hiện một văn bản tổng hợp toàn bộ về thông tin thị trường, kiến nghị các vấn đề liên quan đến các bộ luật, nghi định, văn bản và những giải pháp chi tiết cho từng kiến nghị để trình lên Chính phủ". 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top