Aa

Các doanh nghiệp địa ốc đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”?

Thứ Sáu, 17/11/2023 - 11:03

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong quý cuối năm nay, khi hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi xu hướng giảm lãi suất.

Áp lực đang giảm dần

Có thể thấy, các doanh nghiệp địa ốc đã phần nào thoát khỏi nguy cơ mất phanh. Minh chứng là một số doanh nghiệp chuẩn bị bàn giao căn hộ, “bung hàng” hoặc tuyển nhân sự để phát triển các dự án sau thời gian dài im ắng.

Có thể kể đến Nam Long Group, trong nhóm doanh nghiệp hoàn thành sớm báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023, Nam Long được đánh giá là gương mặt sáng giá trên thị trường địa ốc phía Nam khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 71 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu giảm đến 60% với 357 tỷ đồng.

Được biết, phần lớn doanh thu trong kỳ của Nam Long đến từ việc bán nhà ở và căn hộ (chiếm tới 86% tổng thu). Trong đó, Mizuki là dự án trọng điểm bàn giao trong kỳ, nhưng do thuộc công ty liên doanh, nên không hợp nhất doanh thu mà chỉ ghi nhận phần lợi nhuận phân bổ về.

Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp bất động sản này đạt doanh thu thuần hơn 1.545 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế tăng 15%, đạt hơn 318 tỷ đồng. So với mục tiêu đề ra cho năm 2023, Nam Long hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và 35% chỉ tiêu lợi nhuận.

Một số doanh nghiệp chuẩn bị bàn giao căn hộ, “bung hàng” hoặc tuyển nhân sự để phát triển các dự án sau thời gian dài im ắng. Nguồn ảnh: Tạp chí Tài Chính

Mới đây, trong báo cáo cập nhật của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự phóng doanh thu và lãi ròng cả năm 2023 của Nam Long Group đạt lần lượt 3.964 tỷ đồng và 573 tỷ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch năm. 

Tương tự, trong quý III vừa qua, Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt đã ghi nhận doanh thu gần 355 tỷ đồng, gấp 32 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ doanh số chuyển nhượng bất động sản. Mặc dù doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế của Phát Đạt chỉ đạt 102 tỷ đồng, giảm tới 86% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể nói, việc tinh gọn quy mô, tái cơ cấu danh mục sản phẩm đã giúp Nam Long và Phát Đạt có động lực phục hồi từ các hoạt động cốt lõi là kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, sau thời gian dài khó khăn, vật lộn với nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp như Novaland, Hưng Thịnh,... cũng bắt đầu tái khởi động thi công một số dự án.

Thời gian gần đây, Novaland đã nỗ lực mua lại và thương lượng để gia hạn các lô trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời, nhiều vướng mắc pháp lý tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, The Grand Manhattan cũng đang dần được tháo gỡ.

Một dự án của Novaland đang khởi động trở lại. Nguồn ảnh: Báo Đầu tư

Hay như Hưng Thịnh cũng vừa đạt được thỏa thuận gia hạn các lô trái phiếu. Trong đó, 2 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 4.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn và 2 lô trái phiếu của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land có tổng giá trị phát hành 3.300 tỷ đồng đã được điều chỉnh kỳ hạn từ 36 tháng thành 60 tháng, ngày đáo hạn được điều chỉnh đến năm 2026.

Bước tạo đà để chuyển mình vào năm tới

Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư bất động sản (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) cho rằng, thanh khoản trên thị trường bất động sản đang dần được cải thiện, nhất là so với giai đoạn khó khăn cuối năm trước và những tháng đầu năm nay.

Các cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu. Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian, nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân được đưa vào thị trường. Cụ thể, tổng giao dịch trong các quý I, II, III/2023 lần lượt đạt 2.700, 3.700 và 6.000 giao dịch. Tuy nhiên, lượng giao dịch tính chung trong 9 tháng của năm 2023 mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 20% so với giai đoạn sốt đất.

“Sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu cải thiện. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tuyển dụng nhân sự ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường phục hồi tốt. Các doanh nghiệp đã phần nào thoát khỏi nguy cơ mất phanh, dù chưa đủ lực để có thể vượt dốc”, bà Miền nhận định.

Thị trường bất động sản được kỳ vọng chuyển biến tích cực hơn trong quý cuối năm. Nguồn ảnh: VnExpress

Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích gần đây của nhóm chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, mặc dù hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản phần nào đã khả quan, nhưng kết quả kinh doanh toàn ngành bất động sản trong quý III/2023 vẫn giảm khoảng 30% so với quý II và giảm 60% so với quý I/2023. Riêng 5 doanh nghiệp ghi nhận lỗ là Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Danh Khôi, DIC Group, Công ty Năm Bảy Bảy, Tập đoàn Đất Xanh.

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong quý cuối năm nay, khi hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi xu hướng giảm lãi suất. Tuy nhiên, phản ứng yếu ớt từ phía cầu có thể vẫn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại cho khả năng phục hồi của thị trường.

Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá: “Thị trường khó có thể ghi nhận sự thay đổi đột biến trong thời gian từ nay đến cuối năm, nhưng đây sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm tới. Trong thời gian này, song song với việc thực hiện những biện pháp đảm bảo duy trì hoạt động, các doanh nghiệp bất động sản, sàn môi giới cần chú ý chuẩn bị nguồn lực tốt nhất để có thể ngay lập tức vào cuộc khi thị trường phục hồi trở lại”.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, sự phục hồi sẽ khó tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn. Bởi thị trường bất động sản trải qua một khoảng thời gian dài bị “bệnh”, chưa “hồi sức” hoàn toàn. Phục hồi “chậm mà chắc”, từ từ làm quen với môi trường kinh doanh mới là chìa khóa giúp việc trở lại thành công.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top