Aa

Các kênh huy động vốn đều sôi động, thị trường bất động sản khỏi lo thiếu vốn

Thứ Ba, 18/05/2021 - 06:00

Những tháng đầu năm 2021, dù hứng chịu 2 lần bùng dịch song nhiều báo cáo vẫn cho thấy một lượng vốn lớn được “bơm” vào lĩnh vực BĐS. Cùng với đó, các kênh huy động vốn cũng đang hoạt động hết sức sôi động.

Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh

Báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng cho hay, tính đến hết ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản là 10,13 tỷ USD, tăng 15,56% so với 3 tháng đầu năm 2020. Tổng vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 là 0,6 tỷ USD, tăng 56%.

Có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực bất động sản như: Việt Nam có sự ổn định về chính trị và tăng trưởng kinh tế, rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 vừa qua đã có ảnh hưởng tích cực tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo dự báo, dòng tiền FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa bởi doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào khả năng khống chế dịch thành công của Việt Nam. Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực về thu hút FDI.

Trong khi đó, về tình hình cấp tín dụng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, tốc độ tăng tín dụng của quý I/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.

Đến cuối tháng 2, tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,13%; tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020. Tín dụng bất động sản các năm gần đây vẫn biến động đi lên nhưng tốc độ tăng chậm dần (năm 2019 tăng khoảng gần 30%; năm 2020 tăng trên 11%; quý I/2021 tăng khoảng 3%).

Các kênh huy động vốn đều sôi động, thị trường khỏi lo thiếu vốn
Các kênh huy động vốn đều sôi động, thị trường bất động sản khỏi lo thiếu vốn.

Bộ Xây dựng cho biết tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời, có thể nhận định rằng nguyên nhân thị trường bất động sản tăng trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ tín dụng.

Theo phân tích của các chuyên gia, có hiện tượng nguồn tài chính thay vì chuyển vào sản xuất - kinh doanh, do dịch Covid-19 khiến hàng loạt cơ sở gặp khó khăn, đã chuyển hướng sang bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh, khiến dòng tiền nhàn rỗi cũng chuyển vào kênh đầu tư nhà đất.

M&A cũng là lời giải cho bài toán vốn 

Từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thời điểm Covid-19 hoành hành khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn và phải rao bán dự án, ước tính có trên 50% số doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó về tài chính. Thêm vào đó, việc triển khai các thủ tục xin cấp phép dự án mới gần như bất khả thi, quỹ đất dành cho phát triển các dự án bất động sản tại các thành phố lớn ngày càng hạn hẹp là những điều kiện thúc đẩy hoạt động M&A bất động sản.

M&A được coi là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh bất động sản, giúp các doanh nghiệp còn “non yếu” tăng cường sức khoẻ. Đồng thời cũng giúp gia tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, góp phần hồi phục và ổn định lại thị trường này.

Theo Nhóm nghiên cứu diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research), Danh Khôi Holdings mua lại 100% cổ phần Sun Frontier (thuộc Tập đoàn bất động sản Nhật Bản Sun Frontier Fudousan) với giá 920 triệu USD, đây được coi là thương vụ M&A đáng chú ý nhất ngành bất động sản. Sau khi thương vụ hoàn tất, Danh Khôi Holdings chính thức trở thành chủ đầu tư dự án tại Đà Nẵng.

Có thể thấy, cứ sau mỗi giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản lại hình thành nên một chu kỳ M&A mới với nhiều “tay chơi” nổi lên sau những thương vụ đình đám. Tác động của Covid-19 trong giai đoạn vừa qua đã tạo ra cơ hội mới để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mở cuộc “săn lùng” dự án.

Tập đoàn Hưng Thịnh cũng rất “mát tay” khi thành công với nhiều thương vụ M&A. Những dự án “bất động” vào tay tập đoàn này đã được hồi sinh thành sản phẩm chất lượng, thu hút khách hàng. Mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã thực hiện thương vụ M&A một khu đất có diện tích hơn 1.000ha tại tỉnh Lâm Đồng. Dù số tiền không được công bố, nhưng chắc chắn là không nhỏ. Trước đó, Hưng Thịnh cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại nhiều dự án tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), trong đó, đáng chú ý có dự án tại Nhơn Hội, quy mô lên đến hơn 1.000ha…

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam chia sẻ: “Thực tế thời gian qua, năng lực tài chính của các nhà phát triển bất động sản đã hồi phục đáng kể. Vậy nên, trong trường hợp có một quỹ đất có tiềm năng phát triển tốt, họ vẫn có thể xoay xở tìm kiếm vốn từ các nguồn tài chính khác, thay vì các nguồn tài chính truyền thống như ngân hàng hay trái phiếu. Nguồn tài chính mới này có thể thông qua việc hợp tác với các nhà phát triển bất động sản trong và ngoài nước. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu tiên thực hiện M&A, họ hoàn toàn đủ khả năng để tự làm, chứ không cần phụ thuộc vốn đầu tư từ nước ngoài”.

Một lượng vốn lớn được “bơm” vào lĩnh vực bất động sản.
Một lượng vốn lớn được “bơm” vào lĩnh vực bất động sản.

Làn sóng trái phiếu

Về tình hình phát hành trái phiếu, trong 3 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sôi động, thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp là rất lớn, trong khi việc vay vốn tại các ngân hàng không dễ dàng do doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục sau đại dịch. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh về cả giá trị phát hành và lãi suất.

Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam thông tin, trong tháng 3, các doanh nghiệp đã có tổng cộng 19 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 8.035 tỷ đồng. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với 5.460 tỷ đồng, tương đương 68%.

Đầu tháng 1 vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn cũng tham gia gọi vốn từ thị trường trái phiếu. Điển hình như Tập đoàn Vingroup thông báo về việc chào bán gần 70 triệu trái phiếu với mục đích tài trợ vốn cho hoạt động của công ty con. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng với kỳ hạn 36 tháng, tổng giá trị lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Từ cuối năm 2020 đến nay, các trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có xu hướng kéo dài kỳ hạn hơn, với mức trung bình khoảng 3,8 năm, dài hơn 1 năm so với năm 2019; lãi suất trái phiếu bình quân cũng đã tăng gần 210 điểm cơ bản, từ mức 9,7%/năm lên 11%/năm.

Ví dụ, trong đợt phát hành trái phiếu gần đây, Sunshine Group gọi vốn với lãi suất 11%/năm, Novaland với lãi suất 10,5%, hay cá biệt như Phát Đạt từng phát hành trái phiếu với lãi suất 14%/năm. Đáng chú ý nhất là Tập đoàn Apec Group với trái phiếu Happybond có tài sản đảm bảo lãi suất tới 13%/năm được đảm bảo bởi các bất động sản đắt giá tại những thành phố lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp, cũng như những ảnh hưởng về triển vọng của ngành và những tác động từ yếu tố dịch bệnh tới việc các nhà phát hành trái phiếu trong ngành bất động sản phải cơ cấu kỳ hạn dài hơn.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn khá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Cũng bởi vậy, lãi suất trái phiếu bất động sản có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác.

Còn báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI) vừa phát hành cho thấy, trong quý I/2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 23,15 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chiếm tới 61,9% tổng lượng phát hành toàn thị trường. Riêng trong tháng 3, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với quy mô phát hành 4.450 tỷ đồng (chiếm 29,7% tổng giá trị phát hành), tăng 42,4% so với tháng trước.

Đơn vị nghiên cứu này cho hay so với lãi suất tiền gửi, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp địa ốc hấp dẫn hơn rất nhiều. Hiện nay, lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng dao động từ 3 - 7%/năm, trong khi sản phẩm trái phiếu đang được các doanh nghiệp phát hành trả lãi suất rất cao, gấp đôi, thậm chí gấp 3 lãi suất ngân hàng. Đây là yếu tố khiến nhiều người chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu bất động sản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top