Aa

Các nhà văn đóng phim hãi lắm

Thứ Sáu, 02/10/2020 - 07:00

Riêng cái thằng tôi từ dạo được mục kích hai “tiền bối” đóng phim, đâm dở chứng mơ ước hão huyền một ngày nào đó cái bản mặt ma chê quỷ hờn của mình được lên phim, dẫu chỉ vài giây...

Dạo còn ở sân văn, chưa bước chân vào làng biên kịch, mít đặc cái món phim ảnh, tôi vô cùng hâm mộ cụ Nguyễn Tuân và Kim Lân. Hâm mộ ở cái nhẽ hai cụ là những bậc đại thụ văn chương thì rõ rồi, nhưng thú thực sự xuất hiện của hai cụ trên màn ảnh mới là nhẽ chính. Kẻ hậu sinh như tôi làm sao có được vinh hạnh gặp gỡ Nguyễn Tuân cho nên được ngắm cụ trong phim dẫu chỉ là cái vai chánh tổng lên ngựa, xuống ngựa, tôi coi đấy là diễm phúc hiếm có. 

Hiếm chứ, đọc vô khối giai thoại về cái sự “hách”, sự “chơi” lập dị của Nguyễn Tuân giờ lại được tường dung nhan cụ thì chí ít cũng tin những giai thoại kia là có cơ sở, “trông mặt bắt hình dong” mà lị, nom cụ Nguyễn Tuân trên phim oai vệ lắm, người tướng mạo như thế lại ngất ngưởng ở ngôi cao trong chốn “văn trường bút trận” như cụ, có “hách” có “lập dị” cũng là phải lẽ.

Nhà văn Kim Lân thì khác. Vai lão Hạc cụ đóng cứ như không. Tài ơi là tài. Không hề phét lác, từ ngày nhỏ đọc Nam Cao, trong trí óc tôi đã mường tượng, đã hình dung một lão Hạc đúng như vậy, không hề sai một vảy da, mấu mũi. Cái sự “giống” này chắc chỉ có duyên trời mới tạo ra được như thế. Ngoài đời, cụ Kim Lân không “hoàn cảnh” như lão Hạc. Cụ có một đời sống ung dung nhưng con người cụ luôn giản dị, thậm chí khiêm nhường và rất đỗi nhân hậu. Điểm này chắc chắn lão Hạc nếu có thật ngoài đời chắc phải gọi Kim Lân là sư phụ. Cho đến khi chuyển về làm biên kịch, nghĩa là vào được tận nơi “phim cùng ảnh thẳm”, biết mọi ngóc ngách, ngón “nghề”, tôi vẫn không hiểu tại sao cụ Kim Lân lại vào vai ngọt đến thế, sắc đến thế, diễn viên chuyên nghiệp cũng ít người sánh được với cụ.

Nhà văn Kim Lân trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" (Ảnh sưu tầm)

Không quá một chút nào, bằng vai lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”, cụ Kim Lân xứng đáng là nhà văn đóng phim hay nhất “mọi thời đại” ở ta từ xưa đến nay. Sau thành công vai lão Hạc, cụ Kim Lân có tham gia diễn một hai vai nữa, nhưng rồi cụ tiệt hẳn nghề diễn này. Nghe nói vì cách thức làm phim ở ta ngày càng nhuôm nhoam nên cụ… chán. Đã chán thì còn nói làm gì, đến văn chương không thích, cụ còn gác bút nữa là. Riêng cái thằng tôi từ dạo được mục kích hai “tiền bối” đóng phim, đâm dở chứng mơ ước hão huyền một ngày nào đó cái bản mặt ma chê quỷ hờn của mình được lên phim, dẫu chỉ vài giây, thì có chết cũng cứ gọi là sướng… hơn tiên.

Đạo diễn Quốc Trọng, một người rất ham mê và hâm mộ văn chương xuất thân từ diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. “Xuân tóc đỏ” trong phim “Số đỏ” là vai diễn, nói không ngoa ngoắt chút nào, quyết định toàn bộ cuộc đời Quốc Trọng. Vai diễn đã cách một vài chục năm nhưng bây giờ, dù đã là một đạo diễn có thương hiệu, thì Quốc Trọng vẫn không thoát nổi “kiếp nạn” tay nhặt banh tennis “Xuân tóc đỏ” thuở nào. Tóc đã bạc trắng nhưng vào hàng bia, quán nhậu và những nơi công cộng, bất kì ai (dù đấy là một gã choai choai tóc nhuộm xanh, vàng thời trang) đã xem phim thuộc mặt biết tên cũng đều ngoắc tay chỉ mặt: “Ê, Xuân tóc đỏ, làm một li chứ”. Đại loại thế, sự mến mộ này khiến Trọng nhiều khi dở mếu dở cười. Anh ca cẩm khốn khổ cho cái kiếp “bán mặt”. Tôi đồ rằng vĩnh viễn Trọng không đi ra khỏi được cái bóng của “Xuân tóc đỏ”.

Lan man về “Xuân tóc đỏ” vì gã đạo diễn mê văn chương này “đánh đu” với khá nhiều nhà văn. Và chính gã biến mơ ước của tôi thành hiện thực vào dịp Tết Mậu Dần 1998. Năm đó Quốc Trọng được Hãng phim truyền hình, nơi tôi công tác, giao làm một phim truyện ngắn phát sóng vào đúng giao thừa có tên là “Đêm hội làng năm ấy”. Trọng nổi hứng mời tôi và mấy nhà văn bạn: Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên vào vai các lý dịch tụ họp ở đình làng phân xử một vụ trai gái yêu nhau bị khép tội ngoại tình. Khỏi nói tôi sung sướng đến chừng nào. Trước đấy, trong vai trò biên tập, biên kịch, không ít lần tôi gợi ý khéo nhưng đạo diễn nào (kể cả kẻ mới ra trường làm phim tập sự) cũng đều thẳng thừng hoặc lịch sự từ chối “nhu cầu” làm diễn viên của tôi vì họ sợ hỏng phim.

Đạo diễn Quốc Trọng

Trước Tết chừng một tháng, đoàn phim khởi quay ở một làng ngoại thành. Mấy vị nhà văn kia không hăm hở như tôi nhưng cũng có vẻ khoái. Bằng chứng là cả đám miệt mài đọc kịch bản, tỉ mẩn chọn quần áo. Nguyễn Quang Lập "tinh tướng" nhất bọn, luôn mồm chỉ đạo (vị nhà văn này ở đâu cũng nổi trội vai trò thủ lĩnh). Cảnh quay có độ dài quãng vài phút nhưng phải chuẩn bị mất gần buổi sáng. Chúng tôi xúng xính khăn xếp, áo the.

Trời lạnh run cầm cập, “các cụ” diễn viên liên tục xuýt xoa… sử dụng đạo cụ thuốc lá, thuốc lào và trà nóng (cả ruợu nữa). Chưa quay, họa sĩ bối cảnh đã phải liên tục tiếp tế, vừa làm anh ta vừa ca cẩm tốn kém. Tốn thật sự, trầu, nước chẳng nói làm gì, xưa nay những cảnh uống ruợu chỉ là cảnh đóng, nghĩa là rượu “dởm” bằng nước lọc hoặc nước trà đóng chai, đằng này đám diễn viên nhà văn dứt khoát đòi diễn bằng rượu thật. Thế nó mới không bị giả, hiểu chưa? Mới chỉ là tập thử trước khi bấm máy, các cụ lý dịch này đã xơi tái cả chai rượu đạo cụ tổ bố, báo hại thật. Còn nữa, số quần áo chức dịch không biết nhân viên phục trang kiếm ở đâu ra vừa ẩm ướt lại vừa bốc mùi hôi két mũi. Trung Trung Đỉnh tính đánh bài chuồn nhưng bị Quốc Trọng phát hiện được, ngăn kịp.

Mãi rồi cũng đến lúc khởi quay. Ai cũng tưởng đóng phim sung sướng thế nào nhưng nội chỉ việc bị hết đạo diễn thị phạm đến quay phim, họa sĩ… quát tháo đã thấy khiếp vía. Chưa hết, lúc quay thật, đám diễn viên nghiệp dư còn chí chóe cãi nhau phải vung tay thế này, phải quẹt trầu thế nọ. Lập mắng bạn diễn sa sả: “Ngu! Ăn trầu phải quẹt từ trên xuống. Bọ ăn trầu từ nhỏ bọ biết, Quảng Bình quê choa…”. Tôi không ăn trầu nhưng từ bà nội, bà ngoại đến mẹ tôi đều ăn trầu, có bao giờ thấy ai quẹt dọc bao giờ mà phải quẹt ngang từ hai bên vào giữa, nhưng làm sao tôi cãi lại được với ông “bọ” thủ lĩnh kia được, đành thúc thủ nghe theo cho xong chuyện.

Phạm Xuân Nguyên không quen ăn trầu, say đứ đừ, ngất xỉu, khiến đoàn phim chạy tá hỏa suýt vỡ trận, vỡ lẽ ra vì vội nên ông “lý dịch” gốc Nghệ này vội… chưa kịp ăn sáng. Phải mất đến “đúp” thứ 8, cái trường đoạn “lịch sử” này mới quay xong. Diễn viên ho khù khụ vì trầu vì thuốc vì lạnh, vẫn cố rặn ra hơi thở phào phào, kiểu như xong một kiếp nạn. Thành phần đoàn phim còn sung sướng hơn nhiều, đói lòi mắt nhưng ai cũng tươi tắn như bắt được của, thoát nạn đấy mà. “Xuân tóc đỏ” mặt méo xệch, chắp tay, buột thành lời: “Con lạy các bố! Từ giờ, Xuân này xin cạch đến già. Vái các bố ba lạy, mong các bố tha cho nhà con sống, phim với phọt hai đận thế này chỉ có nước giải nghệ!”.

Đã hết đâu, bấy giờ đã qua ngọ từ lâu, đám diễn viên nhà văn nhất định không chịu nhận phong bì cát xê, dứt khoát bắt đạo diễn trả thù lao bằng… nhậu. Phải nhậu thôi, đời nào bạn bè lại lấy tiền của nhau, thế thì có khác gì người dưng nước lã. Khốn khổ cho gã nhặt banh mất đứt buổi quay chiều để trả nợ diễn viên. Cả chủ lẫn khách say đứ đừ đư đúng như cảnh lý dịch phạt vạ đánh chén tại đình làng trong phim.

Phim chiếu đúng giao thừa. Đám diễn viên loạn xị gọi điện từ Bắc vào Nam kêu gọi bạn bè…xem ủng hộ để gỡ gạc lại cái “đận” đóng phim kinh hoàng kia. Mấy lão bạn thế nào không biết, riêng tôi tiền điện thoại tròm trèm mất cả nửa triệu và điều này mới tai vạ. Sau khi trút được bộ quần áo ẩm xì kia ra, người tôi dị ứng phát ban. Sau thì phát hiện bị ghẻ, phải vất vả gãi… chữa lử lả đến ngót tháng trời. Không thành văn nhưng sau đó các đoàn phim kiên quyết không chấp nhận mời nhà văn đóng phim.

Đám nhà văn diễn viên không tuyên ngôn nhưng từ đấy tịnh không ai nhắc đến chuyện đóng phim đóng phiếc nữa. Trước đó Nguyễn Quang Lập có ý định làm một phim để chơi, chuyển thể từ truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao với tiêu chí tất cả các thành phần chính từ biên kịch, đạo diễn đến diễn viên đều là nhà văn, nhưng từ bấy đến nay, sau rất nhiều kịch bản đã dàn dựng, cái phim trong mơ kia chưa bao giờ được Lập nhắc lại.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh bị nhiễm lạnh viêm phổi, oán không biết trút vào đâu, từ đấy ở nơi giao tiếp nào, bao giờ cũng xỏ xiên giới thiệu tôi là biên kịch chứ nhất định không gọi nhà văn. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên còn tệ hơn. Sau khi đóng phim, gã lẳng lặng chuồn khỏi chức danh cộng tác viên ăn lương của Hãng phim và đến tận bây giờ gã vẫn ác cảm với phim ảnh bằng cách “chê” không tha một phim nào. Tôi ngờ rằng cú ấy dứt khoát tên Nguyên cũng bị ghẻ như tôi nên mới “thâm thù” dai như vậy. Còn tôi vẫn bám trụ với nghề biên kịch nhưng tuyệt nhiên không bao giờ dám vác mặt tới phim trường nữa (trừ một lần vào vai đánh bạc vì tiếc cái đầu trọc mới cắt, xin hẹn viết vào một dịp khác).

Nhưng nói thật lòng, tôi vẫn vô cùng ngưỡng mộ hai cụ Nguyễn Tuân và Kim Lân trong phim. Và nữa, ước mơ của tôi dẫu đã tắt, nhưng tôi lại dở người nung nấu na ná ý Nguyễn Quang Lập, một ngày nào đó viết được một kịch bản tâm đắc tự mình thủ vai chính, biết đâu tôi sẽ trở thành nổi “mặt” như gã “Xuân tóc đỏ” tội nghiệp kia. Tại sao không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top