Lần lượt mở cửa trở lại đón khách du lịch từ đầu năm 2022 sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19, ngành du lịch Đông Nam Á đã lấy lại đà tăng trưởng khá ấn tượng, nhiều nước hoàn thành và vượt mục tiêu về lượng khách quốc tế.
Trong 1 năm, số lượt tìm kiếm khách sạn trong khu vực đã tăng 28%, tỷ lệ đăng ký lưu trú tại các khách sạn cũng tăng 57%. Niềm tin du lịch trên toàn khu vực tăng khoảng 40%.
Tạo niềm tin cho mỗi điểm đến
Quá trình phục hồi du lịch của các nước Đông Nam Á không hề dễ dàng, bởi khi các quốc gia trên thế giới dần mở cửa biên giới, sự cạnh tranh trong ngành du lịch cũng khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 để lại những ảnh hưởng kéo dài đối với ngành du lịch.
Theo người đứng đầu Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Chamnan Srisawat, thiếu hụt nhân sự là vấn đề đầu tiên. Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều lao động ngành du lịch đã bỏ nghề để mưu sinh, nên việc bổ sung nhân sự ngay khi mở cửa lại biên giới cho du khách nước ngoài là thách thức.
Năng lực vận chuyển của các hãng hàng không cũng chưa trở lại như mức trước đại dịch, trong khi lượng khách du lịch phụ thuộc vào việc mở đường bay thẳng giữa các điểm đến.
Hậu dịch bệnh, xu hướng du khách tăng mạnh sẽ đòi hỏi duy trì và nâng cấp các tiêu chuẩn dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển hạ tầng, tăng cường khả năng thích ứng và cạnh tranh của doanh nghiệp.
Giải quyết các thách thức trên, các nước Đông Nam Á đã định hình lại các ưu tiên phát triển du lịch, hướng tới sự chuyển dịch bền vững với các chiến lược, biện pháp sáng tạo để thích ứng với tình hình mới, đồng thời tạo niềm tin đối với những điểm đến du lịch an toàn, chất lượng.
Một trong những giải pháp thu hút du khách quốc tế là nới lỏng chính sách thị thực.
Indonesia đã mở rộng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân 72 nước, cấp thị thực 5 năm cho khách nước ngoài lưu trú tại đây mà không phải trả thuế với điều kiện họ không kiếm tiền trong lãnh thổ Indonesia.
Thái Lan đã tăng thời hạn lưu trú lên 45 ngày đối với khách du lịch từ các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn thị thực và 30 ngày đối với những khách du lịch đủ điều kiện xin thị thực nhập cảnh.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo nhu cầu mới đang trở thành xu thế chung. Sau đại dịch, phần lớn du khách là các bạn trẻ đi du lịch một mình hoặc theo nhóm nhỏ, lựa chọn các điểm tham quan và nghỉ dưỡng sạch sẽ, an toàn và bền vững.
Nắm bắt được thay đổi trong thị hiếu của du khách, Indonesia ưu tiên quảng bá và thúc đẩy các điểm đến gần gũi với thiên nhiên, tập trung vào các khía cạnh sức khỏe và giảm tương tác trực tiếp bằng cách số hóa quảng cáo, bán hàng và thanh toán.
Ngành du lịch Indonesia lựa chọn xu hướng “du lịch chậm” với việc du khách muốn ở lại lâu hơn ở một điểm đến, muốn được trải nghiệm những điều khác biệt như du lịch sinh thái, du lịch thể thao; đồng thời cung cấp các sản phẩm chuyên biệt như du lịch lặn biển hay du lịch không phát thải vốn đang được thế hệ trẻ yêu thích.
Du lịch bền vững được coi là yếu tố then chốt mới nổi giúp các điểm đến duy trì, xây dựng danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương, du khách và các bên liên quan khác.
Thái Lan đã coi việc thúc đẩy du lịch bền vững, với điểm nhấn là hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn môi trường tự nhiên và các điểm đến du lịch, bảo tồn văn hóa và truyền thống là một trong những ưu tiên chiến lược khi phát triển du lịch.
Sau đại dịch, sản phẩm du lịch sức khỏe càng được quan tâm. Với mục tiêu giúp Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Malaysia trở thành một dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu đáng tin cậy, có thương hiệu trên thế giới, Chương trình Du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại các bệnh viên hàng đầu của nước này đã ra mắt, qua đó thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng trong các dịch vụ y tế.
Tham vọng hơn, Thái Lan đặt mục tiêu lọt “top 5” điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch y tế theo xếp hạng của Viện Sức khỏe toàn cầu.
Nhằm xây dựng hình ảnh các thành phố thảo dược để giới thiệu các điểm du lịch về sức khỏe, Thái Lan đã phát triển mạnh cơ sở hạ tầng y tế, cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế và chữa lành, trong đó chú trọng phát triển y học và dược liệu cổ truyền.
Công nghệ cũng được xem là nhân tố then chốt giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành du lịch, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số.
Ước tính sẽ có ít nhất 100.000 doanh nghiệp du lịch tham gia hoạt động trên nền tảng ThailandCONNEX với hơn 200.000 sản phẩm và dịch vụ du lịch, giúp tạo thêm hơn 120 tỷ baht (3,49 tỷ USD) cho nền kinh tế.
Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành du lịch, Singapore khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng Tcube (Khối chuyển đổi công nghệ du lịch), một nền tảng giúp doanh nghiệp đổi mới kết hợp các sáng kiến kỹ thuật số, tài nguyên và nội dung lãnh đạo vào một nền tảng duy nhất.
Đón bắt cơ hội
Những kết quả du lịch ấn tượng ở nhiều nước Đông Nam Á năm 2022 đã cho thấy các chiến lược thu hút khách bài bản, linh hoạt, sáng tạo đang thúc đẩy du lịch khu vực phục hồi.
Số liệu của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan vừa công bố cho biết Xứ sở chùa Vàng đã đón 11,15 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm 2022, tăng đột biến so với con số chỉ khoảng 428.000 lượt vào năm trước đó.
Lượng khách du lịch đến Thái Lan trong năm qua cũng vượt mục tiêu 10 triệu lượt mà chính phủ nước này đề ra, phản ánh sự phục hồi ngoạn mục của ngành công nghiệp không khói Thái Lan.
Trong năm nay, Chính phủ Thái Lan kỳ vọng đón 25 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, bao gồm ít nhất 5 triệu lượt khách đến từ Trung Quốc, thị trường nguồn lớn nhất của Thái Lan trước đại dịch.
Cùng với việc khống chế thành công các làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, các biện pháp kích cầu đã giúp ngành du lịch Indonesia đạt những thành tích ấn tượng trong năm 2022 khi đón gần 5,5 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 251,28% so với năm 2021 và cao hơn mức mục tiêu 3,6 triệu lượt.
Theo thống kê chính thức, ngành du lịch đã đóng góp 4,26 tỷ USD vào thu nhập ngoại hối của Indonesia, tăng gần gấp 10 lần so với mức 490 triệu USD của năm 2021 và cao gấp 3 lần mức mục tiêu 1,7 tỷ USD. Đóng góp của ngành du lịch trong năm 2022 cũng tăng 50% so với năm 2021, lên mức 3,6% GDP.
Mục tiêu của Singapore là thu hút 12 - 14 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2023 và ngành du lịch của nước này có thể phục hồi hoàn toàn năm 2024.
Với những con số tích cực trên, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) càng có cơ sở để lạc quan về tiềm năng tăng trưởng khi thị trường du khách Trung Quốc, cũng là thị trường khách du lịch chính của nhiều nước, mở cửa trở lại.
Sau 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch quốc tế Trung Quốc đã khởi động trở lại và những đợt du khách đầu tiên từ Trung Quốc đã đặt chân đến các nước như Thái Lan, Campuchia.
Để chào đón thị trường đông dân này quay lại, đầu năm nay, Cục Nhập cư Malaysia cho vận hành các làn đường nhập cảnh đặc biệt dành cho du khách đến từ Trung Quốc, nhằm kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, đồng thời giúp việc làm thủ tục đối với dòng khách từ thị trường này được nhanh chóng hơn.
Malaysia cũng đặt mục tiêu đón từ 1,5 - 2 triệu lượt du khách Trung Quốc trong năm 2023, so với 3,1 triệu lượt vào năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong khi đó, Thái Lan đã nối lại các chuyến bay thẳng giữa các địa phương với Trung Quốc nhằm thu hút nguồn du khách tiềm năng và dồi dào từ nước đông dân nhất thế giới này.
Ngoài việc tăng cường số chuyến bay, Thái Lan còn tổ chức các lễ hội lớn của Trung Quốc. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang có kế hoạch tổ chức Tết Trung Thu tại Thái Lan trong năm nay nhằm giúp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư nhân cũng như tăng cường giao lưu văn hóa giữa người dân Trung Quốc và Thái Lan, coi đây như một “điểm cộng” để thu hút khách du lịch Trung Quốc.
Indonesia cũng đang nhắm mục tiêu đón 255.000 lượt khách du lịch từ Trung Quốc vào năm 2023. Số lượng chuyến bay hạn chế đã khiến lượng khách Trung Quốc đến quốc gia lớn nhất Đông Nam Á không nhiều.
Do đó, chính quyền Indonesia cho biết sẽ cho phép các chuyến bay thẳng từ Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đến thành phố Denpasar, đồng thời tăng cường chiến dịch quảng cáo cho điểm đến hàng đầu trong kỳ nghỉ.
Bali đặt mục tiêu nối lại các chuyến bay thẳng tới 15 thành phố của Trung Quốc và bổ sung thêm chuyến bay tới 5 thành phố Trung Quốc khác.
Hướng đi cho du lịch Việt Nam
Sau 1 năm mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch kể từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đặt mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế.
Đánh giá về du lịch Việt Nam, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận xét Việt Nam có thế mạnh nhờ phong cảnh đẹp, sự đa dạng của các loại hình du lịch dựa vào đời sống cộng đồng. Du lịch di sản, văn hóa và ẩm thực cũng rất có tiềm năng.
Việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mà doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc được thí điểm mở tour du lịch theo đoàn từ ngày 15/3 cũng là một yếu tố thuận lợi.
Trước dịch bệnh, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam luôn chiếm vị trí top 5 quốc gia hàng đầu gửi khách đến Trung Quốc. Các động thái tích cực này đã mở ra triển vọng nhanh chóng thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của lĩnh vực du lịch giữa hai nước sau đại dịch.
Đáng chú ý, theo tờ Tin tức Kinh doanh Trung Quốc, trong số 40 quốc gia thuộc danh sách các nước được thí điểm khôi phục du lịch theo đoàn đợt 2, Việt Nam là một trong những quốc gia được du khách Trung Quốc quan tâm nhất.
Nền văn hóa bản địa và phong cảnh thiên nhiên phong phú, giá cả phải chăng so với các nước Đông Nam Á khác là những yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc.
Để thu hút du khách, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần tìm ra lợi thế, khắc phục những tồn tại khi tìm kiếm các thị trường như nâng cao chất lượng và mở rộng nguồn cung lao động, phát triển hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hợp tác với các nước trong việc hình thành các tuyến du lịch, kiểm soát tốt hơn du lịch ồ ạt tại các khu vực tự nhiên.
Trước mắt, OECD tin rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng đa dạng hóa các nguồn khách từ bên ngoài, chú trọng đến thị trường các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ, đồng thời khai thác tốt hơn du lịch nội địa.
Từ kinh nghiệm của Thái Lan, có thể thấy một trong những lý do chính khiến du khách Trung Quốc chọn đến Thái Lan là giao thông thuận tiện. Bên cạnh đó là lý do truyền thông đủ mạnh và xây dựng chiến lược sản phẩm dành riêng cho du khách quốc tế, sự sáng tạo trong chiến lược truyền thông.
Theo Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam Nareekarn Srichainak, thời gian tới du lịch Việt Nam phối hợp với ngành hàng không xây dựng các video clip giới thiệu con người, cảnh đẹp Việt Nam, trình chiếu trên các chuyến bay, sân bay đón khách quốc tế. Đấy là mô hình ngành du lịch Thái Lan đã thu được kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam nên học tập.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Chattan Kunjara Na Ayudhya, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan phụ trách tiếp thị và truyền thông, cho rằng Việt Nam đang phát triển rất nhanh và du khách đến Việt Nam có rất nhiều thứ để trải nghiệm.
Ông gợi ý để du khách có nhiều trải nghiệm thú vị, Việt Nam cần phát triển hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, Việt Nam có một nền văn hóa rất độc đáo và đây là thế mạnh cần được ngành du lịch phát huy. Bên cạnh đó, phát triển du lịch ở các thành phố loại hai, các thị trấn nhỏ hơn cũng là một hướng đi mới khả thi.
Chia sẻ quan điểm này, học giả Thái Lan Songrit Pongern nhận định Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, thể hiện ở sự phong phú về các tập tục, truyền thống và loại hình nghệ thuật vùng miền, Việt Nam có thể thúc đẩy để thêm nhiều người nước ngoài biết đến nền văn hóa đa dạng này.
Ông cũng nêu kinh nghiệm của Thái Lan trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Một điểm mạnh của Thái Lan là nước này từ lâu đã gắn việc quảng bá văn hoá vào các chiến dịch xúc tiến du lịch.
Các lễ hội Thái Lan quen thuộc nhất với người nước ngoài chính là Tết Songkran vào tháng 4 và Tết Loi Krathong vào tháng 11 hằng năm. Hai lễ hội này luôn xuất hiện trong mọi chiến dịch quảng bá du lịch của Thái Lan cả trong và ngoài nước.
Theo ông Songrit Pongern, Việt Nam cũng không thiếu các lễ hội để quảng bá với du khách quốc tế. Trên thực tế, cộng đồng dân tộc Thái ở miền Bắc Việt Nam cũng có lễ hội Songkran tương tự. Đây là lễ hội mừng mùa vụ mới và Việt Nam cũng có thể thúc đẩy tổ chức lễ hội Songkran ở khu vực phía Bắc.
Bà Serene Ng, Trưởng Đại diện, Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Singapore tại Việt Nam khẳng định nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, bề dày văn hóa, lịch sử và di sản quốc gia, Việt Nam cũng luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách quốc tế, trong đó có du khách Singapore.
Với những thay đổi trong ưu tiên của du khách, bà cho rằng ngành du lịch hai nước cần hợp tác để phát triển các giải pháp và đem đến trải nghiệm du lịch mới.
Theo bà, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch bền vững là hai xu hướng Việt Nam có thể xem xét phát triển và hợp tác với Singapore.
Liên quan thị trường châu Âu, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề xuất Việt Nam nên mở rộng chương trình miễn thị thực cho tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và cho phép thời gian lưu trú miễn thị thực dài hơn.
Ngoài ra, EuroCham cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc cho phép miễn thị thực lưu trú từ 3-6 tháng đối với những người châu Âu có đủ khả năng chi trả cho việc lưu trú dài ngày tại Việt Nam. Đây sẽ là nhân tố giúp khuyến khích du khách châu Âu tới Việt Nam./.
Đỗ Sinh - Hữu Chiến - Hằng Linh - Nguyễn Thúy - Đặng Ánh