Thuế đánh vào chủ sở hữu bất động sản là một trong những loại thuế lâu đời nhất trong lịch sử loài người. Từ xa xưa, tại Hy Lạp cổ đại, một trong những điều kiện để một người đàn ông có quyền bầu cử là sở hữu ít nhất một căn nhà và một khoản ruộng đã được đóng thuế đầy đủ.
Với lịch sử và tầm quan trọng như vậy, không có gì là lạ khi hệ thống luật pháp về thuế đất đai cực kỳ phức tạp, đặc biệt là đối với những cá nhân, tổ chức mong muốn mua, thuê bất động sản ngoại quốc, hay đơn giản chỉ mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài.
Trước thông tin đề xuất của Bộ Tài chính về việc đánh thuế sở hữu với người có nhà, đất giá trị từ 700 triệu đồng với mức 0,4% mỗi năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng), cùng tìm hiểu xem các nước trên thế giới áp dụng các sắc thuế bất động sản như thế nào.
Australia
Với một nước mà người dân phải đóng thuế thu nhập cao nhất nhì thế giới (35% lương cơ bản, cao hơn cả Mỹ), thuế nhà ở Australia lại thấp đến kỳ lạ. Sở dĩ có hiện tượng này là bởi chính phủ liên bang có chính sách hỗ trợ giảm thuế nhà đất dành cho gần như tất cả mọi người dân Australia.
Hai khoản thuế về sở hữu bất động sản mọi người mua nhà ở Australia phải trả hiện gồm: Thuế trước bạ trị giá 5% giá trị căn nhà được mua, cộng với khoản phí dành riêng cho người mua nhà nước ngoài (được chính phủ áp dụng nhằm kiềm chế cơn sốt nhà đầu tư ngoại quốc đổ xô mua nhà ở Australia). Khoản thuế này chỉ cần đóng một lần bởi người sở hữu nhà.
Ngoài ra còn có thuế sở hữu được đánh giá lại và thu hàng năm. Chỉ những căn nhà đắt hơn 250.000 AD mới phải trả khoản thuế này, và giá nhà càng cao thì gia chủ càng phải trả thêm thuế trên giá trị căn nhà (mức đỉnh là 24.975 AD cộng 2,25% giá trị nơi ở với những căn nhà đắt hơn 3.000.000 AD)
Gần đây, để đối phó với tình trạng mua nhà để đầu cơ, chính phủ liên bang áp dụng chính sách thuế dành riêng cho những căn nhà mà chủ nhân chỉ lưu trú ít hơn 6 tháng trong năm. Đối tượng này hiện phải đóng phần cố định trong khoản thuế sở hữu cao hơn 2 - 3 lần so với những trường hợp bình thường.
Mỹ
Khác với nhiều nước, khoản thu thuế nhà đất được đưa vào ngân sách chính quyền tiểu bang chứ không được vào ngân sách chính quyền trung ương. Các nhà lập pháp và kinh tế Mỹ tin rằng quy định này sẽ khiến chính quyền các bang có điều kiện dễ dàng hơn trong việc sử dụng tiền thuế thu được cho các dịch vụ công như bệnh viện, trường học,…
Chính vì điều này mà chính sách thuế sẽ khác nhau tùy thuộc vào nơi bạn sống (tại địa phương nào thuộc tiểu bang nào) và thu nhập của bạn. Trong một số trường hợp, gia chủ còn có thể trao đổi, thậm chí khiếu nại để thay đổi khoản thuế nhà đất hàng năm họ phải trả.
Bang hiện có mức thuế cao nhất là bang California. Người dân phải trả số tiền thuế bằng 7,25% giá trị căn nhà hàng năm. Ngược lại, thuế thấp nhất tại bang Alabama, chỉ dừng tại mức 4% giá trị căn nhà. Người dân Alaska hoàn toàn không phải đóng thuế sở hữu bất động sản. Nói chung, thuế nhà đất giữa các bang tăng theo chiều từ đông sang tây và từ bắc xuống nam.
Ngân sách của các chính quyền bang tại Mỹ hiện nay có đến 11,35% là thu từ các loại thuế liên quan đến bất động sản. Nhiều khả năng con số này sẽ tăng trong tương lai gần do nợ công ở các cấp tại Mỹ đang đi lên, cùng với việc chính quyền các bang sẽ thắt chặt quy trình hoạt động của mình.
Nhật Bản
Nhật Bản áp dụng một chính sách nhà đất khá lạ lùng khi quyền sở hữu căn nhà và sở hữu khoảng đất căn nhà được xây trên đó là hai quyền tách hẳn nhau. Chính vì thế mà có nhiều người Nhật sẵn sàng bỏ tiền ra mua những căn nhà thật đẹp rồi cẩu đi nơi khác, khiến cho nước này trở thành quốc gia dẫn đầu trong công nghệ vận chuyển nhà không cần tháo dỡ.
Vì việc tách riêng hai quyền sở hữu này ra mà việc thu thuế nhà cũng bị phân chia theo. Người mua nhà phải trả khoản thuế tiêu thụ trị giá 8% giá trị căn nhà (không phải giá trị mảnh đất) khi thực hiện giao dịch, kèm theo một số loại phí trước bạ khác. Các cá nhân và tổ chức nước ngoài mua nhà ở Nhật hiện nay được miễn thuế. Tuy vậy, nếu họ đã làm ăn tại Nhật trong vòng hai năm liên tiếp và kiếm được doanh thu hơn 10 triệu USD, họ sẽ phải trả các khoản thuế khi mua nhà.
Hai khoản thuế phải trả vào mùng một tháng một đầu năm là thuế tài sản cố định (1,4% giá trị mảnh đất) và thuế quy hoạch đô thị (0,3% giá trị mảnh đất). Nếu là nhà để thuê, người chủ sở hữu phải trả hai khoản thuế này kèm theo thuế thu nhập (10% doanh thu tiền thuê nhà.)
Thái Lan
Về cơ bản, toàn bộ khoản thuế nhà đất mà người Thái Lan phải trả sẽ được nhà nước hoàn lại toàn bộ, nhưng chỉ cần mở một hàng nước nhỏ trong nhà thì gia chủ sẽ phải trả thuế thu nhập cho chính phủ. Hiện mức thuế này là 12,5% doanh thu năm, áp dụng cho những căn nhà riêng, căn hộ chung cư sử dụng trong việc kinh doanh và cho thuê. Người nước ngoài không có quốc tịch Thái Lan sẽ phải đóng thuế nhà ở.
Khi mua nhà, người mua sẽ phải đóng 2% giá trị căn nhà làm thuế chuyển đổi chủ sở hữu, cùng với 0,5% giá trị căn nhà làm lệ phí trước bạ. Người bán thì phải chịu thuế kinh doanh bằng 3,3% giá trị căn nhà họ vừa bán.
Những quốc gia không đánh thuế nhà đất
Để thu hút dòng vốn từ nước ngoài, chính phủ nhiều quốc gia nhỏ và nghèo tài nguyên đã loại bỏ hoàn toàn thuế sở hữu bất động sản để lôi kéo được người ngoại quốc mua nhà hay đầu tư địa ốc. Số này phần nhiều là các quốc đảo như Caymans, Fiji, Malta, Turks và Caicos,… Tuy vậy, người mua nhà ở Caymans và Malta vẫn phải trả một khoản thuế trước bạ khi mua nhà.
Mặt trái của việc không phải đóng thuế bất động sản là việc giá nhà ở các nước này luôn ở mức cao do tình trạng khan hiếm bởi việc mua vào của các tỷ phú nước ngoài nhằm tránh thuế ở quốc gia của họ.
Trung Quốc từ trước đến nay không có thuế sở hữu bất động sản, chủ yếu là vì toàn bộ lãnh thổ nước này về nguyên tắc thuộc về nhà nước. Tuy nhiên, sau khi bong bóng bất động sản Trung Quốc bị vỡ cách đây gần 10 năm, quốc hội và chính phủ đang xem xét việc đánh thuế nhà đất nhằm kiểm soát được thị trường địa ốc, tránh lặp lại tình trạng đầu cơ.
Các nước vùng vịnh như Ả Rập Xê-út, Bahrains, Kuwait, và Oman cũng không đánh thuế nhà ở. Tuy vậy, nhiều trường hợp đặc quyền này chỉ áp dụng cho người nước sở tại hoặc người Hồi Giáo. Philipines, cũng có mức thuế nhà đất bằng không, đi xa hơn một nước và cấm người ngoại quốc sở hữu bất động sản tại nước này.