Aa

Phong thủy ban thờ: Cách sử dụng thước Lỗ Ban để đo ban thờ

Thứ Năm, 11/10/2018 - 06:01

Tủ thờ hay ban thờ có chân đều đã được người sản xuất tính sẵn theo kích thước Lỗ Ban. Nhưng ban thờ gắn tường thì chiều cao của ban thờ lại hết sức linh động và hoàn toàn do chủ nhà quyết định. Vậy theo thước Lỗ Ban thì số đo chiều cao này được tính như thế nào?

Hỏi: Tôi đang cân nhắc việc mua ban thờ loại tủ thờ hay ban thờ treo tường để nhập trạch vào căn hộ chung cư mới mua, nhiều người khuyên nên chọn số đo theo thước Lỗ Ban để được may mắn. Tôi cũng nghe nói tủ thờ, ban thờ thường đã được cơ sở sản xuất tính toán theo thước Lỗ Ban, nhưng riêng ban thờ treo tường thì chiều cao thì lại do gia chủ lựa chọn khi gắn vào tường trong căn hộ của mình.

Vậy xin hỏi ban thờ gắn tường theo thước Lỗ Ban thì chiều cao được tính từ mặt sàn đến mặt dưới hay điểm cao nhất của ban thờ?

Nguyễn Văn Hoàng, khu chung cư cao tầng Vinhome, Hà Nội. 

 Trả lời: Trước tiên, tôi xin trả lời ngay vào nội dung chính mà bạn hỏi, rằng chiều cao của ban thờ gắn tường được tính từ sàn nhà thì đúng rồi, nhưng không phải đến mặt dưới, cũng không phải đến điểm cao nhất của ban thờ, mà xác định bởi một mặt phẳng khác.

Tuy nhiên, trước khi đi vào nội dung này, chúng tôi xin giới thiệu sơ qua về thước Lỗ Ban và việc sử dụng thước này vào việc tính toán cho ban thờ nói riêng, âm phần nói chung.

Thước 39cm – dùng cho âm phần

Trong kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu cụ thể về các loại thước Lỗ Ban, trong đó chủ yếu là hai loại thước 43cm dùng cho dương phần và 39cm dùng cho âm phần. Cũng trong bài trước, chúng tôi đã giới thiệu cụ thể cách sử dụng loại thước dương phần – 43cm; trong bài này, theo nội dung bạn hỏi, chúng tôi sẽ giới thiệu cách sử dụng thước 39cm dùng cho âm phần.

Loại thước dùng cho Âm phần dài 38,8cm (còn gọi là thước 39cm vì thực chất độ dài của thước là 39cm) được chia làm 10 cung lớn, mỗi cung dài 39mm theo thứ tự là Đinh, Hại, Vượng, Khổ, Nghĩa, Quan, Tử, Hưng, Thất, Tài. Mỗi cung lớn lại chia làm 4 cung nhỏ, mỗi cung dài 9,75mm. 

Thước Lỗ Ban loại tích hợp, dòng dưới cùng dùng cho Âm phần

Thước Lỗ Ban loại tích hợp, dòng dưới cùng dùng cho Âm phần 

BOX: Ý nghĩa các cung trên thước Lỗ Ban loại 39cm – Âm phần:

Cung Đinh (tốt) gồm các cung nhỏ: Phúc tinh (là ngôi sao mang lại may mắn), Cấp đệ (Thi cử đỗ đạt), Tài vượng (Tiền của đến), Đăng khoa (Thi đỗ).

Cung Hại (xấu) gồm: Khẩu thiệt (Mang họa vì lời nói), Lâm bệnh (Bị mắc bệnh), Tử tuyệt (Đoạn tuyệt con cháu), Họa chí (Tai họa ập đến bất ngờ).

Cung Vượng (tốt) gồm: Thiên đức (Đức của trời), Hỷ sự (Chuyện vui đến), Tiến bảo (Tiền của đến), Nạp phúc (Phúc lộc dồi dào).

Cung Khổ (xấu) gồm: Thất thoát (Mất của), Quan quỷ (Tranh chấp, kiện tụng), Kiếp tài (Bị cướp của), Vô tự (Không có con nối dõi tông đường).

Cung Nghĩa (tốt) gồm: Đại cát (Tốt lành), Tài vượng (Tiền của nhiều), Lợi ích (Thu được lợi), Thiên khố (Kho báu trời cho).

Cung Quan (tốt) gồm: Phú quý (Giàu có), Tiến bảo (Được của quý), Tài lộc (Tiền của nhiều), Thuận khoa (Thi đỗ).

Cung Tử (xấu) gồm: Ly hương (Xa quê hương), Tử biệt (Có người mất), Thoát đinh (Con trai mất), Thất tài (Mất tiền của).

Cung Hưng (tốt) gồm: Đăng khoa (Thi cử đỗ đạt), Quý tử (Con ngoan), Thêm đinh (Có thêm con trai), Hưng vượng (Giàu có).

Cung Thất (xấu) gồm: Cô quả (Cô đơn), Lao chấp (Bị hình ngục), Công sự (Dính dáng tới chính quyền) Thoát tài (Mất tiền của).

Cung Tài (tốt) gồm: Nghinh phúc (Phúc đến), Lục hợp (6 hướng đều tốt), Tiến bảo (Tiền của đến), Tài đức (Có tiền và có đức).

Ngày trước, thợ xây và thợ mộc dùng thước Lỗ Ban làm bằng gỗ, có riêng cho từng loại. Ngày nay, người ta sản xuất loại thước rút làm bằng thép dài 5m, 7m và 10m rất gọn nhẹ; trên thước tích hợp cả loại dùng cho dương phần và âm phần. Trong đó kích thước dùng cho dương phần in ở dòng trên và loại dùng cho âm phần in ở dòng dưới. Bạn chỉ cần nhớ các cung tốt in chữ màu đỏ, còn các cung xấu in chữ màu đen là đủ. Cụ thể nội dung các cung lớn và nhỏ cũng đều ghi rõ trên thước, bạn chỉ cần tùy theo mục đích mà chọn kích thước cho phù hợp.

Cách sử dụng thước và tính chiều cao ban thờ gắn tường

Thước Âm phần dùng để đo mồ mả, đồ thờ cũng như ban thờ, tranh ảnh người quá cố… Nguyên tắc của việc dùng thước là phần âm thì đo thông thủy, còn phần dương thì đo phủ bì.

Cụ thể, về phần mộ thì phần xây dưới mặt đất (phần âm) đo lọt lòng chiều dài x chiều rộng x chiều sâu, tính theo chỗ hẹp nhất; nguyên lý của cách đo này là vì đây là khoảng trống mà khí lưu thông. Còn phần nhô lên trên mặt đất (phần dương) thì đo phủ bì tính theo chỗ rộng nhất, chiều dài x chiều rộng x chiều cao.

Còn về ban thờ thì đúng như bạn nói, kích thước các loại ban thờ đóng sẵn thường đã được nhà sản xuất tính toán theo thước Lỗ Ban nên người mua không cần phải quan tâm, chỉ cần chọn loại to nhỏ phù hợp với phòng thờ là đủ.

Thông thường chiều cao của tủ thờ có hai loại chính là cao 117cm rơi vào giữa cung Tài đức và Phúc tinh, và loại cao 127cm được cung Tiến bảo.

Chiều ngang (dài) thường có các kích thước: 127 cm Tiến bảo; 157 cm Đỗ đạt; 175 cm Thiên khố, 197 cm Tài vượng, 217 cm Tài lộc…

Chiều sâu (rộng) thường có các kích thước: 61 cm Tài lộc; 69 cm Thêm đinh; 81 cm Đăng khoa, 97 cm Thiên khố, 107 cm Quý tử, 117 cm Tài đức… 

Ban thờ có chân và cách đo theo thước Lỗ ban

Ban thờ có chân và cách đo theo thước Lỗ ban 

Đối với ban thờ gắn tường làm sẵn, chiều ngang và chiều sâu cũng thường được người sẩn xuất tính theo theo cung tốt trên thước Lỗ Ban, phổ biến là các kích thước sau:

Loại phổ biến nhất là dài 107cm (cung Quý tử) và sâu 61cm (Tài lộc). Ngoài là các kích thước như: 81cm (Tài vượng) x 48cm (Hỷ sự); 81cm (Tài vượng) x 56cm (Tài vượng), 95cm (Tài vượng) x 56cm (Tài vượng), 88cm (Tiến bảo) x 48cm (Hỷ sự), 95cm (Tài vượng) x 49,5cm (Tiến bảo), hay 95cm (Tài vượng) x 56cm (Tài vượng).

Riêng về chiều cao, cũng được đo theo cách phủ bì. Trong trường hợp tính chiều cao của ban thờ gắn tường như bạn hỏi thì số đo này được tính từ mặt sàn đến mặt trên của ban thờ chứ không phải đến mặt dưới (nếu tính đến mặt dưới là đo thông thủy). Nhưng cũng không đo đến phần nhô lên của đường diềm trang trí, vì các đồ thờ cúng đặt trên mặt bàn chứ không đặt lên đường diềm đó, do đó phần diềm trang trí là phần hư chứ không phải phần thực. Đối với tủ thờ hay ban thờ có chân cũng đo theo cách này. 

Chiều cao ban thờ gắn tường được tính từ mặt sàn đến mặt trên của ban thờ

Chiều cao ban thờ gắn tường được tính từ mặt sàn đến mặt trên của ban thờ 

Cũng cần nói thêm là đối với ảnh thờ có khung thì đo kích thước khung theo phủ bì và dùng thước 390cm, nhưng đối với tranh ảnh trang trí trong phòng thì lấy theo thước 430cm.

Một điều nữa cũng cần lưu ý là việc chọn kích thước là một chuyện, còn thực tế khi xây mộ hay đóng đồ lại là chuyện khác, khó mà theo đúng kích thước chuẩn mình đã chọn đến từng milimet được. Vì vậy để tránh việc sai một ly, đi một… đời, bạn nên chọn số đo ở khoảng giữa cung tốt, chứ không nên chọn ở điểm sát đầu hay sát cuối cung vì như thế khi thi công chỉ cần lệch đi một ly là sang cung xấu sẽ rất có hại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top