Aa

Cách giải quyết nghịch lý “mưa ngập đường vẫn thiếu nước” của Hong Kong

Thứ Hai, 16/10/2017 - 06:01

Hong Kong đã từng rơi vào một tình trạng nghịch lý nghe có vẻ khôi hài: trời mưa ngập đường nhưng vẫn thiếu nước. Tuy nhiên đến nay, điều này đã được khắc phục dứt điểm.

Vùng đất với hơn 7 triệu dân này có rất ít nguồn nước sạch phục vụ cho ăn uống bởi nó không có con sông chính hay hồ tự nhiên và nước ngầm cũng rất khó để chạm đến. Việc xây hồ chứa trong nội thành cũng vô cùng khó khăn do địa hình đồi núi. Do đó, Hong Kong đã từng rơi vào cảnh thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Nghịch lý mưa ngập đường mà vẫn thiếu nước sạch của Hong Kong

Nghịch lý mưa ngập đường mà vẫn thiếu nước sạch của Hong Kong

Thế nhưng, đây cũng là một trong những khu vực ẩm ướt nhất của Châu Á, thường xuyên đón nhận những cơn bão nhiệt đới với mưa nặng hạt. Và nơi đây cũng gặp phải vấn đề như bao đô thị khác trên thế giới, cứ mưa là ngập.

Đó chính là nghịch cảnh Hong Kong gặp phải trước những năm 1950: Mưa ngập đường mà vẫn thiếu nước sạch.

Giải quyết “cơn khát nước” của đô thị

Để giải quyết vấn đề này, HongKong đã tiết kiệm việc sử dụng nước cho hệ thống vệ sinh. Hong Kong sử dụng nước biển được bơm từ 42 trạm ngoài bờ biển thông qua một mạng lưới đường ống, qua xử lý rồi sử dụng cho hệ thống vệ sinh. Điều này giúp cắt giảm khoảng 20% tổng lượng nước sạch tiêu thụ của đô thị so với trước kia.

Theo đó, tại mỗi trạm sẽ có 4 máy bơm khổng lồ hút nước từ biển về thông qua hệ thống ống lọc để loại bỏ các sinh vật thủy sinh và mảnh vụn. Sau đó, nước được xử lý bằng cách truyền điện chạy qua. Điều này gây ra một phản ứng với muối có trong nước được gọi là “electro-chlorination” giúp tẩy sạch và khử mùi nước.

Một trạm bơm của Hong Kong

Một trạm bơm của Hong Kong

Hệ thống này được khởi động vào năm 1957, ngay khi sự tăng dân số của Hong Kong dẫn đến tình trạng “khát nước” và “cuộc chiến” vì nước bùng nổ. Chung Man Tsang, kỹ sư cao cấp của Trung tâm Phát triển cung cấp nước Hong Kong hồi tưởng lại: “Khi ấy, chúng tôi không còn sự lựa chọn. Những nhà quy hoạch đã đưa ra quyết định thực sự táo bạo và có ý nghĩa vô cùng lớn cho thành phố”.

Một số chuyên gia cho rằng mô hình sử dụng nước biển của Hong Kong có thể được áp dụng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, tuy nhiên vấn đề chi phí vẫn là rào cản lớn nhất.

Xử lý phần còn lại của nghịch lý thừa – thiếu nước

Một phần của nghịch lý “mưa ngập đường mà vẫn thiếu nước” của Hong Kong đã được giải quyết. Nhưng vấn đề quan trọng hơn và cũng là vấn đề của nhiều đô thị khác trên thế giới, đó là ngập lụt trong thành phố khi có mưa lớn vẫn cần lời giải.

Để tìm ra giải pháp, Hong Kong đã thiết lập những khu thể thao bằng cách san bằng vùng ven sườn núi, sau đó phân tán thành các đường phố nhộn nhịp và tòa nhà cao tầng.

Sân bóng đá phía trên bể chứa khổng lồ của Happy Valley Recreation Ground

Sân bóng đá phía trên bể chứa khổng lồ của Happy Valley Recreation Ground

Happy Valley Recreation Ground là một ví dụ, nó có 11 khu, một đường chạy bộ và một đường đua ngựa xung quanh đường ngoại biên. Đây là một trong những không gian mở lớn nhất ở Hong Kong và cũng là nơi rất quen thuộc với cư dân ở mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, bí quyết lại nằm ở bên dưới mặt đất khu này với một bể chứa ngầm khổng lồ. Trong suốt thời gian mưa, bể chứa sẽ được lấp đầy với các dòng nước được chảy xuống từ những ngọn núi và được giữ lại tạm thời ở đó để ngăn chặn ngập lụt cho thành phố. Bể có dung tích lên tới 60.000m3 nước, tương đương thể tích của 24 bể bơi thi đấu Olympic.

Bể chứa khổng lồ bên dưới khu Happy Valley Recreation Ground

Bể chứa khổng lồ bên dưới khu Happy Valley Recreation Ground

Bể chứa giống như một bãi đỗ xe ngầm khổng lồ với chiều dài bằng 5 sân bóng khi không có nước. Nó được cấu thành từ những bức tường bê tông xám cùng vô số cột trụ đỡ có chiều cao 3m.

Chi phí xây dựng của bể chứa này là khoảng 218 triệu USD. Đây không phải là bể chứa đầu tiên của Hong Kong, cái đầu tiên đã được xây dựng vào năm 2004 và có thể tích gấp đôi bể chứa này.

Sau khi tan mưa, 10m3 nước mỗi ngày từ bể chứa sẽ được sử dụng cho việc tưới cây cỏ ở công viên và khu giải trí ở phía trên, một lượng nước nhỏ khác được sử dụng cho trường đua ngựa. Phần lớn nước còn lại được đổ trở lại về biển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top