Aa

Cái giá của con chữ ở vùng cao

Thứ Hai, 14/12/2020 - 13:00

Dọc đường trở về, nhớ lại chuyện này, tôi mới chợt hiểu ra. Cô giáo chắc hiếm khi tiếp xúc với đàn ông. Cô ấy sợ chạm vào đàn ông.

Cách đây đã nhiều năm, chúng tôi đi bộ qua núi để vào một điểm trường xa heo hút của Nậm Hàng (Nậm Nhùn - Lai Châu).

Khi nhìn thấy điểm trường tại một khoảng đất bằng nhỏ trên lưng núi, tôi tụt xuống chỗ dốc đi vào. Mồ hôi ướt kính cận, lại mệt nữa, tôi sơ ý đi ngang qua cọc dây phơi, chiếc đinh cào rách trán. Máu chảy xuống khiến một mắt không nhìn thấy gì.

Cô giáo trẻ từ căn nhà lá tạm chạy đến, cuống quýt, lấy chiếc khăn rồi cứ đứng sững trước tôi. Máu vẫn chảy tràn xuống mắt. Tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ, và mãi rồi mới cầm được chiếc khăn lau mắt. Cô giáo cắm bản còn rất trẻ, cứ lúng túng nhìn người cần giúp. Tôi nghĩ bụng: Nhìn thì thấy cô ấy rất lo lắng. Sao cô ấy không lau hộ mình để mình nhìn rõ.

Mọi người lần lượt xuống. Đám con trai trong đoàn chào cô và còn đùa trêu. Cô cứ lúng túng khép nép ngồi xa tận cuối chiếc giường ghép bằng các thân cây trong phòng.

Điểm trường có lớp tiểu học và lớp mầm non, ba giáo viên, hai nữ, một nam. Hai người kia thì lấy nhau rồi. Còn cô giáo này luôn ở tại chỗ dạy. Hai vợ chồng thì ngày cuối tuần đi xe máy về nhà ở huyện. Hôm ấy chỉ có cô giáo với lớp Mầm Non.

Tôi nhìn căn phòng của cô. Phòng con gái thì gọn, sạch. Nhưng vẫn toát lên sự cô đơn, từ chiếc bát đơn lẻ đến cái nồi nhỏ xíu. Lúc cả đoàn rời đi, quay lại, thấy cô vẫn đứng ở sân nhìn theo. Tôi không nhìn thấy, nhưng tôi nghĩ cô giáo khóc. Vì mừng hay vì tủi thì không biết.

Cô giáo cắm bản (Ảnh sưu tầm)

Dọc đường trở về, nhớ lại chuyện này, tôi mới chợt hiểu ra. Cô giáo chắc hiếm khi tiếp xúc với đàn ông. Cô ấy sợ chạm vào đàn ông.

Ở điểm bản, đàn ông không thiếu, nhưng là người dân tộc. Văn hóa khác, nên sự kết giao với các cô giáo không có. Heo hút nên cũng chẳng mấy khi cán bộ người Kinh lên đây. Nói gì đến chuyện bạn bè, quan hệ.

Có những cô gái lên đây dạy học, và khi có dịp nào đó chuyển về nơi đông đúc hơn, thì đã qua thời trẻ của mình rồi. Nếu gần đồn biên phòng hay có công trường, thì có những đám cưới. Nếu không thì...

Ai cũng có quyền hạnh phúc. Cũng không ai lấy mất quyền đó ở người con gái làm giáo viên cắm bản. Không ai lấy đi quyền đó. Chỉ có điều quyền đó sử dụng vào đâu?

Ít năm sau, cô hiệu trưởng trường đó cho chúng tôi biết, cô giáo ấy đã có chồng. Cả đoàn chúng tôi, tuy không còn nhớ tên cô giáo, nhưng rất mừng khi nghe tin đó. Nhưng cái kết có hậu như thế này, không phải ai cũng có thể có được.

Mỗi người chỉ có một khoảng tuổi đẹp đẽ nhất thôi trước khi bước vào mùa thu và mùa đông của cuộc đời. Để những đứa trẻ vùng cao biết chữ, cái giá không phải tính bằng đầu tư tiền bạc, mà tính bằng cả những số phận quá lứa lỡ thì. 

Nhiều lắm! Và họ vẫn đang kiên tâm làm công việc của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top