Aa

Hai ứng xử trong tai họa

Thứ Năm, 05/03/2020 - 10:46

Covid-19 khiến người ta nhìn thấy rõ thêm chúng ta đang sống trong thế giới nào. Đó là một thế giới mà sự đồng cảm và sự tỉnh táo nhiều hơn, nhưng tiếc thay sự u tối, vị kỷ, thù ghét cũng còn không ít.

Dịch Covid-19 là một tai họa. Và quá trình toàn cầu hóa khiến khó có góc nào trong thế giới ngày nay không phải hứng chịu, không nhiều thì ít, tai họa đó.

Có một quy luật, là trước tai họa chung, con người, dù khác nhau về mọi thứ từ xuất xứ, giàu nghèo, thể chế đến văn hóa, tư tưởng… thì sẽ đều gạt bỏ mọi xa cách, thành kiến mà thông cảm, gắn bó với nhau hơn. Cũng có một quy luật, khi có mối hiểm nguy, những vị kỷ, thù hằn, xấu xa sẽ bộc lộ. 

Tai họa bóc những lớp vỏ bên ngoài, dù là lớp vỏ hào nhoáng hay lớp vỏ cũ kỹ, để chỉ còn cái lõi. Cái lõi ấy có thể là sự tử tế, có thể là sự hẹp hòi và u tối. Chúng ta chứng kiến tất cả những điều ấy trong những ngày tai họa đã và còn đang diễn ra.

Thật cảm động khi cô học sinh ở Vĩnh Phú nhiễm Covid-19 xin lỗi bạn bè cùng lớp vì đã vô tình khiến bạn bè tiếp xúc với mình và cả lớp phải chịu cách ly. Đáp lại, những người bạn cùng lớp nhắn gửi lại: "Bọn mình không trách bạn đâu!".

Virus Covid-19 chưa có thuốc chữa, chỉ có một cách là cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần để thắng nó. Và chính vì thế, con người cần tình thương yêu, sự chia sẻ, động viên - thứ luôn luôn cho người ta sức mạnh khi đối đầu với bệnh tật. Về cơ bản, ở Việt Nam, trong khi thực hiện những biện pháp chặt chẽ để ngăn ngừa dịch, thứ bao trùm là sự cảm thông, chia sẻ với đồng bào của mình và với cả những người nước ngoài.

Con người đồng cảm với nhau hơn khi con virus ác độc cướp đi mạng sống của những người vô tội, phá vỡ cuộc sống bình yên của tất cả. Trên các trang báo, trên mạng xã hội, đã có biết bao hình ảnh làm xúc động lòng người một cách sâu xa.

Ai cũng có người thân, cho nên hiểu nỗi đau của những y tá phải dang tay ôm con trong tưởng tượng do cách ly. Người ta cầu chúc cho người dân xứ sở khác vượt lên thách thức, người ta cứu chữa cho công dân nước khác như công dân chính nước mình; tờ báo nhiều người xem của Việt Nam có chuyên mục riêng “Vũ Hán cố lên!”; người Trung Quốc cảm ơn người Nhật về thái độ chia sẻ đầm ấm...

Bác sĩ làm việc tại bệnh viện ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)

Ở một cực ngược lại, cũng có những điều đáng buồn đã xảy ra. Sự kỳ thị bùng phát ở không ít nơi. Chàng trai người Singapore bị hành hung trên đường phố London bởi những kẻ quá khích, coi bất cứ ai có khuôn mặt giống người Trung Quốc là nguồn lây nhiễm. Có quá nhiều những biểu hiện kỳ thị như thế đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Sự kỳ thị, thật đau xót, diễn ra cả với đồng bào mình. Đỉnh điểm là những điều đã xảy ra tại một vùng ở Ucraina. Chính phủ nước này đã đưa công dân của mình từ vùng dịch Trung Quốc về nước, chuyển họ đến một khu điều dưỡng riêng biệt để cách ly. Xe ô tô chở những người trở về bị vây chặn, ném đá. Sự kỳ thị này không chỉ là vấn đề của một số người dân thiếu hiểu biết mà ở mức rất tệ hại: Hội đồng địa phương, chính quyền địa phương từ chối, phản đối việc địa điểm cách ly được chọn trên địa phương của họ. Những công dân Ucraina ấy đã phải chịu một nỗi đau tinh thần ngay trên chính đất nước của mình.

Covid-19 cũng làm bộc lộ ai có ý thức cộng đồng, ý thức công dân, còn ai thì không. Có những người, những cộng đồng lớn, bé tự ý thức bảo vệ cho mình và cho người khác. Ở Việt Nam có bao câu chuyện như thế. Chỉ vài ngày, tại các tòa chung cư, ai cũng tự xây dựng cho mình ý thức giữ gìn, thang máy nào cũng có cồn rửa tay. Có em nhỏ lấy tiền mừng tuổi mua khẩu trang phát miễn phí cho người qua đường. Tại xã Sơn Lôi bị tạm thời phong tỏa, người dân tình nguyện hợp tác. Nhưng cũng có, dù ít thôi, chuyện những người “trốn" cách ly, chuyện những người đầu cơ khẩu trang…

Phải nói rằng, Việt Nam đã và đang đối phó với Covid-19 hiệu quả, những điều không hay không làm thay đổi bức tranh chung tích cực trong ứng xử của người Việt trước thử thách.

Covid-19 khiến người ta nhìn thấy rõ thêm mình đang sống trong thế giới nào. Đó là một thế giới mà sự đồng cảm và tỉnh táo nhiều hơn, nhưng tiếc thay, sự u tối, vị kỷ, thù ghét cũng còn không ít. Sự chung tay nhiều, nhưng kỳ thị cũng vẫn còn.

Tai họa chưa qua, nhưng nó sẽ phải qua. Con người luôn tìm ra cách chế ngự và vượt qua tai họa. Nhất là giờ đây, tiềm lực kinh tế và khoa học của nhân loại đã mạnh hơn rất nhiều.

Hai cực thái độ ứng xử trong những ngày dịch bệnh sẽ còn khiến chúng ta phải suy nghĩ. Bởi những tai ương sẽ còn xảy ra nhiều trong tương lai. Nó thử thách văn hóa của các cộng đồng, trình độ quản trị ở các quốc gia và là thuốc thử cho tình đồng loại, ý thức trách nhiệm giữa người với người.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top