Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội rất quan tâm đến công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Giai đoạn 2007 - 2013, đã sử dụng ngân sách Nhà nước để kiểm định 162 nhà chung cư cũ. Đến năm 2014 đã tổ chức đợt rà soát chung cư cũ để rà soát nhà theo 3 cấp độ.
Giai đoạn 2016 - 2017, thành phố cũng kiểm định được 165 nhà chung cư, phân loại được dạng, cấp độ nhà theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành. Hiện tại, Hà Nội có 4 chung cư cũ cấp độ D, trong đó có tại khu vực Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thành Công và Tập thể Bộ Tư pháp.
"Với những chung cư cũ cấp độ D, chính quyền đã ra quyết định cưỡng chế di dời, giao cấp quận phường tổ chức việc thực hiện di dời, song vẫn vấp phải sự không đồng thuận của người dân. Nhà nước đã tạo điều kiện hết sức có thể đó là bố trí quỹ nhà tạm cư cho người dân, là những chung cư rất đẹp, ở vị trí tốt, ngay cạnh khu ngày xưa xây dựng cho các nhà lão thành Cách mạng, hạ tầng tốt. Thế nhưng cứ đến tuyên truyền với người dân thì người dân lại không hợp tác.
Bao năm nay mới chỉ có 50 gia đình đồng ý di chuyển, sắp tới có 40 gia đình nữa sẽ di chuyển trên tổng 150 gia đình, trong 3 năm.
Người dân không tin kết quả kiểm định mà cơ quan chức năng đưa ra và không đồng thuận để rời đi. Sau một quá trình tuyên truyền thuyết phục, cũng như chứng kiến những vụ sập nhà trên các phương tiện truyền thông mới đồng thuận. Do đó, sự thấu hiểu, hợp tác của người dân là vô cùng quan trọng" - Ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, hiện tại Hà Nội đã công bố 28 chung cư để kêu gọi nhà đầu tư tham gia, trước hết là tham gia về quy hoạch, và đã có 18 nhà đầu tư đều là những doanh nghiệp lớn trên thị trường bất động sản.
Qua khảo sát của các nhà đầu tư để lên ý tưởng quy hoạch thì xuất hiện một vấn đề cực khó đó là dân số hiện hữu được báo cáo lại đã vượt quá 2 lần so với dân số quy hoach chung và quy hoạch phân khu được duyệt. Trong khi đó, quy định là phải giữ dân số theo quy hoạch, thậm chí trong nội thành phải giảm dân số. Đó là việc hết sức bất cập.
Ông Dũng nhấn mạnh, để cải tạo chung cư cũ cho Hà Nội, ngoài cơ chế chính sách phải được hoàn thiện thì phải có sự thấu hiểu của người dân, đó là người điều quan trọng nhất.
Trước thực trạng cải tạo chung cư cũ ở các địa phương chậm chạp, ông Nguyễn Mạnh Khởi thừa nhận, mặc dù các chính sách mới đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc so với trước đây, tạo điều kiện để các địa phương đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, qua làm việc, khảo sát tại các địa phương cho thấy, trên thực tế cũng đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần phải tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ để đẩy nhanh việc thực hiện chính sách này.
Hiện nay, tiến độ thực hiện việc kiểm định chất lượng các nhà chung cư tại các địa phương để xác định nhà chung cư nào thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, nhà chung cư nào có thể cải tạo được, nhà chung cư nào cần phải gia cố, gia cường để tiếp tục sử dụng vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra, dẫn đến việc triển khai các bước tiếp theo của chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bị chậm. Nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện công việc này.
"Câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn chậm? Phải chăng cấp chính quyền chưa quyết tâm hay họ sợ cái gì?" - ông Khởi đặt câu hỏi.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản khẳng định, nếu chính quyền không vào cuộc chắc chắn không làm được: "Như tôi đã nói, ở Hải Phòng làm rất tốt, họ tạm ứng trước từ quỹ phát triển đất, lấy tiền đó để giải phóng mặt bằng, tuyên truyền đi tuyên truyền lại, cả hệ thống vào cuộc, chứ nếu chỉ trông chờ vào chính sách, pháp luật thôi thì không được".