Theo thống kê Sở Xây dựng TP. Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990. Ngoài ra, một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954 tập trung chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ và các quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.
Vào cuối năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã hoàn tất việc giao 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2-6 tầng.
Trong danh sách này có thể kể tới một số “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản như: Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) với khu tập thể Thành Công; Sun Group với Khu tập thể Kim Liên, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, khu tập thể Thanh Xuân Nam.
Tập đoàn FLC với khu tập thể Kim Giang; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) với khu tập thể Trung Tự, khu tập thể C6 - Kim Mã Thượng; Geleximco với khu tập thể Khương Thượng; MIK Group với khu tập thể Phương Mai…
Tuy nhiên, sau 10 năm Hà Nội mới xây dựng, cải tạo lại được khoảng 1% trong tổng số hơn 1.500 chung cư cũ. Còn lại hầu hết các dự án đã và đang triển khai không thể thực hiện đúng tiến độ, thậm chí có dự án khởi công cả chục năm nhưng vẫn “nguyên xi”.
Tương tự tại TP.HCM, để có thể đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020, ít nhất 50% trên tổng số 474 các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 được cải tạo sửa chữa, lãnh đạo TP.HCM đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp nhưng dường như “vẫn chưa ăn thua”.
Cụ thể là cuối tháng 9/2017, việc tháo dỡ chung cư 727 Trần Hưng Đạo tại quận 5 mới được tiến hành sau nhiều năm lỗi hẹn. Được biết, chung cư này thuộc diện tháo dỡ từ gần 10 năm trước, nhưng vướng mắc trong việc di dời một số hộ dân nên chung cư vẫn giữ nét hoang tàn giữa lòng thành phố.
Còn tại quận 1, chủ trương giải tỏa chung cư Cô Giang từ năm 2006 để xây trung tâm thương mại và căn hộ, tuy nhiên vì vướng mắc ở khâu thỏa thuận đền bù, mãi sau 11 năm mới cưỡng chế xong căn nhà cuối cùng trong khuôn viên chung cư.
Và đến thời điểm hiện tại, các lô 4 và 6 cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cuối cùng đã được tháo dỡ. Chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), chung cư 148 Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) đã được xây mới. Trong số 10 chung cư thuộc diện sửa chữa năm 2017, hiện các lô 8, 10, 11 và A, B, E, F cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và lô A chung cư Lý Thường Kiệt (quận 11) đã và đang được sửa chữa, dặm vá.
Đặc biệt, TP.HCM mới đây cũng đã chấp thuận đề xuất sử dụng gần 200 căn hộ để di dời khẩn cấp các hộ dân sống tại những chung cư nguy hiểm ở quận 1 và quận 6 được coi như một tín hiệu đáng mừng trong vấn đề cải tạo xây dựng chung cư mới ở thành phố.
Trong khi đó từ đầu năm 2017, TP.HCM đã có kế hoạch xử lý 26 chung cư cũ và sẽ xây dựng 6 chung cư mới, cải tạo, sửa chữa 10 chung cư, di dời 5 chung cư và tháo dỡ 5 chung cư. Không biết, kế hoạch này có kịp hoàn thiện trong năm nay.
Nhìn tổng quát việc cải tạo, xây mới chung cư cũ còn nhiều nan giải là do một số nguyên nhân. Thứ nhất là những cơ chế ưu đãi hiện tại của Chính phủ chưa đủ khiến nhà đầu tư hào hứng; cùng với đó là việc đầu tư cải tạo chung cư cũ lợi nhuận doanh nghiệp thu về không nhiều.
Thứ hai, vấn đề bồi thường, di dời khó khăn. Một bộ phận người dân cho rằng, số tiền đền bù sẽ không đủ tiền để họ tìm chỗ an cư mới so với giá bất động sản hiện nay. Do đó, họ thường đòi mức đền bù căn hộ với mức giá cao hơn, nhất là ở các căn hộ tầng 1, hoặc những khu chung cư có vị trí “đất vàng”.
Thứ ba là câu chuyện cưỡng chế di dời là vấn đề “nhạy cảm” bởi di dời hàng trăm con người ra khỏi địa bàn họ đã cư trú 30-40 năm hoàn toàn không phải là việc đơn giản. Ở đó từng có giá trị văn hóa, kỉ niệm của một cộng đồng dân cư.
Thiết nghĩ trong câu chuyện này, nếu không đảm bảo được hài hòa lợi ích của các bên thì có thể 10 - 20 năm nữa, kế hoạch cải tạo chung cư cũ của hai thành phố lớn vẫn còn “nằm trên giấy”./.