Một hệ thống mục tiêu cao, cụ thể, nhưng đầy thách thức, đã được đặt ra tại dự thảo Nghị quyết 19 phiên bản năm 2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Đó là áp lực và kỷ luật hành chính sẽ được đặt ra mạnh mẽ hơn nữa với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, không có nhiều cải thiện đáng kể trong mấy năm qua như khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới.
Đó là hoàn thành thực chất mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 đến một nửa số điều kiện kinh doanh hiện hành ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Đó là hoàn thành cơ bản mục tiêu giảm ít nhất một nửa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khi thông quan. Cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistic và du lịch thêm 10 bậc so với thứ hạng 64 và 67 hiện tại…
Thông điệp rất rõ là Chính phủ tiếp tục “rất nóng” trong thực hiện cam kết hành động vì sự phát triển thuận lợi của người dân, doanh nghiệp.
Nhưng rất tiếc, câu hỏi các bộ, ngành, địa phương và từng công chức có “bớt lạnh”, có “ấm đều” và thực sự hành động để đạt được các mục tiêu một cách thực chất hay không lại chưa rõ ràng.
Ngay trong năm 2017, năm được coi là thành công nhất trong thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ tính từ phiên bản đầu tiên được ban hành vào năm 2014, vẫn chỉ có số ít cơ quan, đơn vị được nhắc tới trong phần kết quả đạt được, tập trung ở những chỉ số, ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, có sự tham gia phản biện mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp. Hơn thế, những cái tên được nhắc tới không có nhiều thay đổi sau các năm, vẫn là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế hay Đồng Tháp…
Phần lớn cơ quan, bộ, ngành, địa phương có tên trong thực thi các đầu việc của Nghị quyết 19-2017 còn lại vẫn đang trong giai đoạn rà soát, lên kế hoạch thực thi. Thậm chí, có những nơi chưa thấu hiểu hết phương pháp luận của Nghị quyết 19 là bám sát các chỉ tiêu định lượng để thực thi, giám sát và tạo áp lực, nên nhiều kế hoạch hành động vẫn chứa đựng các động từ khó cân đong, đo đếm như tăng cường, thúc đẩy…
Trong bối cảnh này, nếu không có những thay đổi vượt bậc trong thực thi, sức nóng không trải đều tới từng công chức, tới từng vị trí đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, thì mong muốn tạo được đột phá, sự thay đổi vượt bậc của môi trường kinh doanh Việt Nam mà Chính phủ muốn đạt được trong năm 2018 sẽ gặp nhiều trở ngại.
Có lẽ phải nhắc tới câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi trao đổi với các bộ, ngành, địa phương về Nghị quyết 19 phiên bản 2018. Đó là để cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, cần nỗ lực vượt bậc; nhưng để cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh Việt Nam, cần nỗ lực phi thường của của từng bộ, ngành, địa phương và từng công chức cũng như cộng đồng kinh doanh.
Đòi hỏi này rất lớn, rất khó, nhưng vào thời điểm hiện nay, để nền kinh tế phát triển bền vững, để đất nước ngày càng thịnh vượng, thì tất cả cùng phải nỗ lực phi thường.