Aa

Cận cảnh cụm công nghiệp Ngọc Hòa sau 3 năm được phê duyệt

Thứ Năm, 01/10/2020 - 09:04

Những năm qua, Cụm công nghiệp Ngọc Hòa đã thu hút hàng loạt doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Khu vực này những năm qua liên tiếp được đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất...

Sự cấp thiết phải rà soát quy hoạch

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn 3990/UBND-ĐT về thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá phân loại mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Công Thương phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề. Đồng thời, bố trí địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng di chuyển vào các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề tập trung có hạ tầng đồng bộ, bảo đảm các nguồn thải sau sản xuất được thu gom, xử lý tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

Được biết, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có khoảng 70 cụm công nghiệp đang hoạt động. Thế nhưng, theo thống kê, chỉ có hơn 1/3 cụm có các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đồng bộ.

Phần lớn các cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội được hình thành và phát triển từ làng nghề, hoạt động còn mang tính tự phát, không có quy hoạch. 

Trả lời báo chí về vấn đề này, Sở Công Thương TP. Hà Nội lý giải, do nhiều cụm công nghiệp triển khai từ thời chưa sáp nhập địa giới hành chính nên chỉ dừng lại ở việc giao đất cho doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhà xưởng trong khi chưa có hạ tầng chung toàn cụm.

Bên cạnh đó, theo Sở Công Thương TP. Hà Nội, giai đoạn đầu phát triển, các địa phương chủ yếu muốn thu hút nhanh nhà đầu tư nên vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, khi đang tiến hành xây dựng đã tiếp nhận doanh nghiệp vào hoạt động.

Một bất cập nữa là phần lớn các cụm công nghiệp trên địa bàn được hình thành và phát triển từ làng nghề, hoạt động còn mang tính tự phát, không có quy hoạch. Trong khi đó, để đáp ứng được các yêu cầu về xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy… đòi hỏi chi phí đầu tư trang thiết bị, hệ thống rất tốn kém nên thường bị “bỏ qua”.

Từ những phân tích trên có thể thấy được tính cấp thiết của việc rà soát quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề trên địa bàn thành phố. Theo tìm hiểu, trước đó năm 2017, Bộ Công Thương ban hành văn bản về việc thỏa thuận quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội. Đây cũng là căn cứ để chính quyền TP. Hà Nội phê duyệt các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Cần tạo không gian đô thị đồng bộ, đúng quy hoạch

Theo khảo sát của PV, rất nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nằm sát khu dân cư. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường và bất cập trong việc quy hoạch sử dụng đất. Nhiều khu vực hình thành các cụm công nghiệp, nhưng lại không quan tâm đúng mức đến việc đầu tư phát triển hạ tầng khu đô thị, tạo không gian đô thị đồng bộ tại khu vực.

Có mặt tại Cụm công nghiệp Ngọc Hòa, PV không khỏi ngỡ ngàng trước những công trình nhà xưởng quy mô hoành tráng đang từng ngày mọc lên. Nơi đây từng được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch trên diện tích rộng 12,66ha đất, thuộc địa giới hành chính thôn Ngọc Giả (xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội)

Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư, ranh giới được xác định phía Đông giáp thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, phía Tây giáp mương thoát nước Ngọc Hòa, phía Nam giáp đường Tỉnh lộ 80 và phía Bắc giáp đường Quốc lộ 6.

Cụm công nghiệp Ngọc Hòa được thành lập nhằm cụ thể hoá công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và đầu tư xây dựng các công trình trong cụm công nghiệp và tạo cơ sở cho việc kêu gọi các nhà đầu tư lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định. Đây là cụm công nghiệp được xác định tính chất, chức năng là phát triển công nghiệp (ngành hàng thủ công mỹ nghệ, hàng cơ kim khí, chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, dệt may và các sản phẩm khác của ngành tiểu thủ công nghiệp làng nghề…).

Nhiều khu vực hình thành các cụm công nghiệp, nhưng không quan tâm đúng mức đến việc đầu tư phát triển hạ tầng khu đô thị, tạo không gian đô thị đồng bộ tại khu vực. 

Những năm qua, Cụm công nghiệp Ngọc Hòa đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Minh chứng, có nhiều công ty có số lượng lớn lao động trong đó có doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực may mặc với quy mô trên 1.000 nhân viên. Khu vực này những năm qua liên tiếp được đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất, trên khu đất thuộc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Văn Minh do ông Lê Quốc Văn là người đại diện pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình Cụm công nghiệp Ngọc Hòa đi vào hoạt động, đã có nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường. Đại diện chính quyền địa phương cũng xác nhận tình trạng trên. Được biết, sau những phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã đầu tư một nhà máy để xử lý nguồn nước thải từ các cơ sở sản xuất bên trong cụm công nghiệp.

Trước việc ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất bên trong cụm công nghiệp, người dân đang trông chờ việc hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xung quanh cụm công nghiệp được xây dựng hiện đại, đồng bộ, phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Được biết, khu vực này cũng được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà vườn sinh thái có diện tích hơn 7,51ha. Khu nhà vườn sinh thái này có vị trí phía Bắc giáp Quốc lộ 6, phía Nam giáp Tỉnh lộ 80, phía Đông giáp khu dân cư xã Ngọc Hòa, phía Tây giáp cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Ngọc Vân và nghĩa trang thôn Ngọc Giả.

Nếu dự án phát triển khu đô thị được xây dựng chắc chắn sẽ gắn kết hài hòa với khu dân cư hiện có, tạo không gian đô thị với không gian cây xanh, mặt nước, cảnh quan môi trường phục vụ nhu cầu của người dân đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Chương Mỹ nói riêng và TP. Hà Nội nói chung. Điều này sẽ giảm tải nguy cơ ô nhiễm môi trường bị tác động từ quá trình hoạt động của cụm công nghiệp.

Thế nhưng, bài toán rà soát quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề, đồng thời bố trí địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng di chuyển vào các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề tập trung vẫn còn rất nan giải và đang chờ đợi vào các cấp chính quyền TP. Hà Nội vào cuộc mạnh tay, đúng theo quy định pháp luật về môi trường, đất đai, quy hoạch.

Theo Sở Công Thương TP. Hà Nội, hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã trên địa bàn Thủ đô với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha, trong đó, có 1.392ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top