Aa

Cận cảnh những căn biệt thự “vang bóng một thời” của Hà Nội

Thứ Ba, 09/03/2021 - 06:00

Giữa lòng Hà Nội nay còn nhiều những biệt thự cổ, dẫu chúng còn nguyên hay cũ kỹ bởi "những mái ngói thâm nâu", hoặc thậm chí là xuống cấp, thì đó vẫn là “chứng nhân lịch sử” của dòng chảy thời đại.

Khó có thể hình dung nổi, Hà Nội hôm nay sẽ thế nào nếu vắng đi hình ảnh của những ngôi biệt thự cổ kính lấp ló trên các con phố cổ. Đã từng có thời, người ta tranh cãi về sự tồn tại cũng như nguồn gốc phi bản địa của biệt thự cổ, để cân đong đo đếm “giữ” hay “bỏ”.

Nhưng rồi, chẳng ai có thể phủ nhận được giá trị di sản ký ức cũng như quá trình phát triển kiến trúc biệt thự trong khoảng hơn 100 năm qua đã tạo nên một quỹ di sản kiến trúc đô thị có giá trị, góp phần làm nên bản sắc riêng biệt cho thành phố này.

Dưới đây là 3 công trình kiến trúc cổ vẫn giữ được nét nguyên vẹn từ khi xây dựng cho tới nay dù có phong rêu phủ kín

1. Căn biệt thự 100 tuổi với kiến trúc Pháp cổ vẹn nguyên ngay giữa lòng Hà Nội

Sâu trong con ngõ 44 Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), có một căn biệt thự với kiến trúc Pháp cổ độc đáo với tổng thể diện tích lên tới 800m2. Ngôi nhà gần 100 năm tuổi với nét rêu phong cổ kính này được xây dựng từ năm 1925, bởi cụ Trương Trọng Vọng - một thương gia giàu có nức tiếng phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ XX.

Biệt thự cổ 44 hàng bè Hà Nội

Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, căn biệt thự này vẫn giữ được những đường nét kiến trúc hoa văn nguyên bản và sang trọng, đặc biệt thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Trong đó, một số vật dụng như: Cánh cửa, bàn ghế, sập gụ, tủ… cho đến màu sơn vẫn được các thế hệ con cháu gìn giữ như báu vật vô giá của gia đình.

biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội
Sâu trong con ngõ 44 Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), có một căn biệt thự với kiến trúc Pháp cổ độc đáo với tổng diện tích lên tới 800m2

Tự hào khi giới thiệu lịch sử căn biệt thự cổ, bà Lê Thanh Thủy (65 tuổi, cháu gái của cụ Trương Trọng Vọng) hiện đang là chủ ngôi nhà cho biết: “Căn biệt thự này được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, đi kèm là đội nhân công xây dựng lên tới gần 100 người từ các tỉnh thành gần Hà Nội. Căn biệt thự được xây miệt mài trong 1 năm mới hoàn thiện. Để xây dựng được ngôi nhà, ông ngoại tôi đã phải tính toán rất kỹ, từ hướng gió, việc chọn các loại gỗ quý, cho đến không gian, chiều cao của mỗi phòng”.

biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội
biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội

Hầu hết nội thất trong căn biệt thự đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hồng Kông. Theo lời bà Thủy, tất cả đồ gỗ trong gia đình đều được cụ Vọng tìm kiếm, là loại gỗ lim cổ thụ tốt nhất để nhằm giúp ngôi nhà đông ấm, hè mát.

Căn biệt thự có cấu trúc xây dựng theo lối chữ khẩu, cùng hệ thống giếng trời, sân vườn hài hòa. Điểm nhấn trong căn biệt thự này chính là 4 cột đá nguyên khối, được chạm khắc tinh xảo các họa tiết “Đào - Cúc - Trúc - Mai” nhằm mang lại ý nghĩa may mắn, thịnh vượng, giàu sang và sự ấm no cho gia chủ.

biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội

Dù được xây dựng cách đây cả trăm năm nhưng lối kiến trúc của căn biệt thự dường như vượt qua mọi sự biến hóa của thời gian, cũng như những thay đổi về kiến trúc ở từng giai đoạn khác nhau. Để đến nay, căn biệt thự vừa mang trong mình nét cổ kính, độc đáo vừa pha lẫn những đường nét hiện đại, mới mẻ.

Với tổng thể diện tích 800m2, ngôi nhà có tất cả 10 phòng, mỗi phòng đều có những chức năng riêng biệt. Tưởng là rời rạc nhưng lại rất khép kín khi tất cả các phòng đều có thể thông qua nhau, kết nối với nhau tạo thành một thể thống nhất. Căn biệt thự có đầy đủ các phòng dành cho các thành viên trong gia đình từ phòng ngủ cho người nhà, phòng dành cho khách, phòng cho người làm, phòng ăn, hay nhà vệ sinh.

biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội
biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội
biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội

Chính nhờ sự độc đáo trong kiến trúc của ngôi nhà, những đường nét, thiết kế vừa cổ kính vừa hiện đại đã khiến ngôi nhà được chọn làm bối cảnh xuất hiện nhiều trên các bộ phim nổi tiếng như "Hà Nội mùa đông năm 46", "Tuổi thanh xuân", "Hương ngọc lan", "Mùa lá rụng trong vườn"…

biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội
biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội
biệt thự cổ 44 hàng bè hà nội

Căn biệt thự như một minh chứng cho thời đã qua của dân tộc, chứng kiến những kỷ niệm, những dấu mốc thăng trầm của gia đình, nên với mỗi thành viên thì đây không chỉ là ngôi nhà để sinh hoạt mà còn là một kỷ vật vô giá. Chính vì vậy, bà Thủy cho biết, tất cả các con cháu trong gia đình không có ý định sang nhượng lại ngôi nhà mặc dù đã có rất nhiều người từng ngỏ ý mua lại.

2. Biệt thự nhà vườn duy nhất giữa lòng Phố cổ

Nằm giữa trung tâm Phố cổ Hà Nội, biệt thự cổ tại số 6 Đinh Liệt là công trình hiếm hoi vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc xa xưa với khoảng trời sân vườn và những nét độc đáo của kiến trúc Pháp.

Khác hẳn với sự bộn bề, tấp nập của con phố nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội, bất cứ ai khi bước chân vào ngôi nhà tại số 6 Đinh Liệt đều sẽ cảm nhận được sự tươi mát, trong lành với rợp bóng cây xanh. Để có được ngôi nhà mặt đất giữa lòng Hà Nội đã khó, lại là ngôi nhà có sân vườn thoáng mát ngay tại Phố cổ càng khó hơn, ấy thế mà ngôi nhà này vẫn giữ được kiểu kiến trúc sân vườn xa xưa rất nguyên bản.

biệt thự cổ 6 đinh liệt hà nội
Biệt thự cổ tại số 6 Đinh Liệt là công trình hiếm hoi vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc xa xưa với khoảng trời sân vườn và những nét độc đáo của kiến trúc Pháp

Chủ nhân của ngôi nhà là vợ chồng cụ ông Phạm Văn Thanh và cụ bà Phạm Thị Tề, đều là những thợ kim hoàn nức tiếng ở Hà Nội đầu thế kỷ XX. Ông Phạm Ngọc Giao con trai cả của cụ Phạm Thị Tề cho biết, trước năm 1944 công trình thuộc sở hữu của một nữ đại gia phố Hàng Bồ. Sau đó, căn nhà được cụ ông Phạm Văn Thanh (bố ông Giao) và cụ bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) mua lại với giá 50.000 đồng Đông Dương.

Sau khi mua lại, ngôi nhà được ông Phạm Khắc Hệ, một trong những KTS đầu tiên của Việt Nam thiết kế lại toàn bộ công trình, bao gồm cả khu vực vườn tược và nhà ở. Tổng thể diện tích của ngôi nhà lên đến 700m2, được kết hợp hài hòa giữa sân vườn và nhà ở. Ngôi nhà được xây theo kiến trúc Pháp cổ ngày xưa nhưng vẫn hài hòa những đường nét đậm chất làng quê Việt.

biệt thự cổ 6 đinh liệt hà nội

Các cột, kèo của ngôi nhà đều là gỗ đinh rất chắc chắn. Phần mái ngói được xử lý theo phong cách truyền thống của đình làng Việt cổ. Mái ngói dày bản tỏa xuống hàng hiên. Ngói này được thợ Hưng Ký sản xuất thế kỷ trước, phiên bản theo dáng dấp Marseille của Pháp và vẫn giữ được nguyên bản cho tới ngày nay. Sắc màu hồng sẫm của mái ngói dường như không bị phai mờ bởi thời gian.

biệt thự cổ 6 đinh liệt hà nội
biệt thự cổ 6 đinh liệt hà nội

Đặc biệt là các đường nét chạm khắc hoa văn đầu rồng rất độc đáo trên đỉnh mái ngói, mang đậm chất làng quê Việt xa xưa vừa cổ kính lại gần gũi, sang trọng. Dải dây hoa nối hai đầu rồng trên đỉnh mái là do thợ Bát Tràng sáng tạo, gợi sự kết hợp giữa rồng, mây và hoa. Do mảnh đất của ngôi nhà không được vuông nên KTS đã thiết kế tạo thế mái 3 đầu rồng nhằm cân bằng, hài hòa ngôi nhà.

biệt thự cổ 6 đinh liệt hà nội
biệt thự cổ 6 đinh liệt hà nội

Được thiết kế theo kiến trúc Pháp cổ nên ngôi nhà có rất nhiều cửa và 24 căn phòng nhỏ riêng biệt. Trước và sau ngôi nhà đều được bao bọc bởi một khoảng sân vườn nhiều cây xanh, tạo cho ngôi nhà luôn có cảm giác thoáng mát vào mùa hè nhưng lại ấm cúng về mùa đông.

biệt thự cổ 6 đinh liệt hà nội
Điểm đặc biệt của căn biệt thự này là được xây dựng theo lối “nhà xuyên phố”. Trong đó, cổng trước của ngôi nhà năm ở số 115 Hàng Bạc được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh, cổng sau nằm ở số 6 Đinh Liệt.

3. “Biểu tượng” của Phố Chân Cầm

biệt thự cổ 8 chân cầm hà nội

Ngôi nhà số 8 nằm trên con phố Chân Cầm, nối từ phố Lý Quốc Sư rẽ vào thông ra Phủ Doãn có 3 tầng với những nét kiến trúc cực kỳ hoàn hảo và bề thế, khiến cho những người dù chỉ vô tình đi qua đều phải ngước nhìn. 

biệt thự cổ 8 chân cầm hà nội
Ngôi nhà số 8 nằm trên con phố Chân Cầm có 3 tầng với những nét kiến trúc cực kỳ hoàn hảo và bề thế khiến cho những người dù chỉ vô tình đi qua đều phải ngước nhìn

Cũng giống như số phận của rất nhiều căn biệt thự khác, bây giờ ngôi nhà thuộc sở hữu của 11 gia đình. Suốt từ năm 1958 đến nay, cư dân sống trong số nhà này không thôi biến động. Người đi, người ở, người bán, người thuê, người đóng cửa để đấy… Tuy nhiên, trải qua gần 100 năm, nhưng mặt tiền của ngôi nhà vẫn giữ được vẹn nguyên hình hài, đủ thấy tiền nhân khởi dựng đã chăm chút, tỉ mỉ từng chi tiết kiến trúc dù là nhỏ nhất như thế nào.

biệt thự cổ 8 chân cầm hà nội
Những bức tường bong tróc, cũ kỹ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ điển vẹn nguyên theo năm tháng

Ngày nay, ngôi biệt thự đã xuống cấp phần nào nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc gần như vẹn nguyên thuở đầu. Bước qua cánh cửa nhuốm màu thời gian là một không gian quyến rũ nhất Hà Nội. Bởi nó vừa hoài niệm, vừa hiện đại với vô vàn những điều hay ho để giới trẻ khám phá.

biệt thự cổ 8 chân cầm hà nội

Nổi bật nhất là quán cà phê nằm trên tầng 2, nổi tiếng tới mức từng được CNN nhắc đến như một trong những địa điểm không thể không ghé qua khi đến thăm Hà Nội. Dù quán cà phê có tên gọi đầy đủ là “Loading T” nhưng ít người gọi đúng, họ đã quen gọi nó là “cà phê biệt thự”.

Chiếc bàn ngoài trời duy nhất đặt ở sảnh, lối lên xuống cầu thang, luôn trong tình trạng có khách. Bên trong, cách bài trí của quán gợi lên nét hoài niệm xa xưa, đầy cổ điển nhưng rất xinh xắn.

biệt thự cổ 8 chân cầm hà nội
biệt thự cổ 8 chân cầm hà nội
biệt thự cổ 8 chân cầm hà nội
biệt thự cổ 8 chân cầm hà nội
biệt thự cổ 8 chân cầm hà nội
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top