Bên cạnh đó, đánh giá thế mạnh của đất nước về cảnh quan, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, Nhà nước ta đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Gia tăng động lực
Với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, nhiều danh lam thắng cảnh, di sản vật thể và phi vật thể đã được thừa nhận rộng rãi, Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách nước ngoài. Điều này được chứng minh bằng sự gia tăng lượng khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm.
Theo thống kê mới đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2017 đạt gần 1,2 triệu lượt, tăng 14,4% so với tháng trước và tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2016; tính chung 11 tháng năm 2017 ước đạt gần 11,6 triệu lượt khách, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, lượng khách quốc tế tới Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa tạo được động lực mạnh mẽ, ổn định cho sự phát triển của ngành du lịch.
Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp du lịch trong nước, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho du khách nước ngoài tới Việt Nam. Một trong những giải pháp đột phá là sớm thực hiện miễn visa cho khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa, qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam. Các nước đang thành công trong việc thu hút du khách quốc tế đều miễn visa.
Đối với Việt Nam, để đạt được 20 triệu khách quốc tế và hàng trăm triệu lượng khách du lịch nội địa vào năm 2020, lĩnh vực du lịch đóng góp tiệm cận 10% vào GDP, thu nhập 35 tỷ USD, tạo hàng triệu việc làm… Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư thực sự cho lĩnh vực này một cách thỏa đáng.
Cụ thể, nên thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch và dành 1 - 2% tổng thu nhập từ du lịch để xây dựng Quỹ này. Việc thành lập Quỹ là cơ sở để đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời, triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn miễn phí cho người dân sinh sống tại địa phương về văn hóa du lịch, kỹ năng ứng xử, ngoại ngữ và các kiến thức, kỹ năng cần thiết khác hỗ trợ cho sự phát triển du lịch địa phương.
Ngoài ra, để gia tăng sức hút của du lịch Việt Nam với du khách trong và ngoài nước, cần xây dựng chiến lược đầu tư cho hoạt động truyền thông, quảng bá. Theo đó, có thể dành 1 - 2% tổng thu nhập từ du lịch cho các hoạt động này. Các hoạt động sẽ giúp giới thiệu đến du khách hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và những tiềm năng, thế mạnh cùng các sản phẩm hấp dẫn, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, khẳng định vị thế du lịch nước ta trong khu vực và thế giới.
Tháo gỡ vướng mắc
Dự án bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với du lịch là một trong những loại hình dự án cần đầu tư đồng bộ cả trong và ngoài hàng rào dự án, để đảm bảo tính xanh, sạch, đẹp cũng như đầy đủ hạ tầng, tiện ích khi đi vào khai thác.
Thực tiễn hiện nay, các nhà phát triển bất động sản lớn triển khai dự án rất nhanh, trong vòng một năm có thể hoàn thành cả khu tổ hợp nghỉ dưỡng hàng ngàn phòng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào dự án thường rất chậm. Vì lẽ đó, doanh nghiệp đề xuất Nhà nước ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật đấu nối đến hàng rào dự án và xung quanh các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khai thác dự án.
Bên cạnh đó, vấn đề đất ở không hình thành đơn vị ở đã được thực hiện tại một số địa phương có sự phát triển mạnh của hoạt động kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... Để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, cần có nghiên cứu toàn diện và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để có căn cứ pháp lý cho loại đất này.
Ngoài ra, cần lưu ý về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài bởi còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua việc “mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013, người nước ngoài không được liệt kê trong số các đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Trong khi đó, khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 yêu cầu “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.
Từ thực tiễn, có thể thấy rằng, cá nhân nước ngoài muốn mua nhà ở riêng lẻ khá bối rối, hoài nghi. Bởi theo họ, Luật Đất đai thì không quy định họ là “người sử dụng đất”, pháp luật nhà ở cho phép mua nhà ở riêng lẻ nhưng không có quy định về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất kèm theo nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản lại quy định rằng “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.
Vậy, vấn đề quyền sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài mua nhà ở riêng lẻ như thế nào? Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Dự án bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với du lịch là một trong những loại hình dự án cần đầu tư đồng bộ cả trong và ngoài hàng rào dự án, để đảm bảo tính xanh, sạch, đẹp cũng như đầy đủ hạ tầng, tiện ích khi đi vào khai thác. |
Ở một khía cạnh khác, điểm b Khoản 2, Điều 159 Luật Nhà ở 2014, quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, dù Luật Nhà ở 2014 đã có hiệu lực từ 01/07/2015, nhưng đến nay, vẫn chưa có văn bản xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương không cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành. Do thiếu tính kịp thời và đồng bộ trong việc ban hành các văn bản pháp luật khiến cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở lúng túng. Vì vậy, cần ấn định thời gian hợp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, quyền sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cũng còn nhiều vướng mắc. Trên thực tế, những quyền này đã được ghi nhận theo Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, đối với bất động sản nghỉ dưỡng, vấn đề sở hữu của người nước ngoài còn một số điểm chưa rõ, trong khi đây là một trong những nguồn khách hàng có tiềm năng lớn, có khả năng tạo động lực phát triển lâu dài, mạnh mẽ cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở nước ta.
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn này, nên ghi nhận quyền sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng của cá nhân nước ngoài, đồng thời áp dụng các hạn chế, thủ tục chặt chẽ như đối với việc sở hữu nhà ở./.