Nhiều ý kiến đề xuất các TCTD này cần giảm 1-2% lãi suất cho vay cho tất cả doanh nghiệp trên tổng dư nợ.
Cần hy sinh lợi nhuận
Theo đề xuất của Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt nên được kéo dài hỗ trợ đến tháng 6/2022, tức vượt khung quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Ngoài ra, cần giảm 2% lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%. Đồng thời, việc tiếp cận vốn mới được ưu đãi giảm 1,5 - 2%/năm (áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021).
Hiện đã có 16 TCTD cam kết giảm lãi vay, mức giảm so với lãi suất hiện hành có thể tối đa tới 4 - 5%, nhưng đa phần chỉ giảm khoảng 1%, và không cào bằng, tùy đối tượng.
Thống kê của TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho thấy, nếu giảm 1% lãi vay trên tổng dư nợ hiện hữu khoảng 9,6 triệu tỷ đồng, ngành ngân hàng sẽ giảm 50% lợi nhuận từ 185.000 tỷ đồng xuống còn 96.000 tỷ đồng. Do đó, các ngân hàng cần hy sinh lợi nhuận để giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Giảm lãi vay sao cho thực chất?
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, các ngân hàng không thể sử dụng tổng nguồn lực để giảm lãi vay trên tổng dư nợ hiện hữu lẫn tổng cho vay mới, cho mọi đối tượng. Bởi trên thực tế, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra. “Ngân hàng cần lấy nguồn này để bù đắp nguồn kia trong bối cảnh không được hỗ trợ nhiều để tăng thanh khoản, nới dư địa cho vay”, ông này nói.
Một ước tính của SSI Reseach cho thấy, đối với 33 doanh nghiệp niêm yết, loại trừ nhóm ngân hàng đang chiếm phần lớn trong rổ VN30 có lợi nhuận tăng trưởng mạnh, nhóm thép có mức tăng ấn tượng, điển hình HSG ước tăng lợi nhuận sau thuế 390% so với cùng kỳ, HPG ước tăng 50%; nhiều doanh nghiệp khác cũng tăng ấn tượng như GMD tăng 62%; PLX tăng 65 - 70%; PNJ tăng 438%; SCS tăng 30 - 40%; VHC tăng 47%… Trong khi Fiin Group dự báo 31/35 công ty chứng khoán chiếm 96,1% vốn hóa của ngành này dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng 27%.
Vì vậy, cũng theo vị Tổng giám đốc nhà băng nói trên, việc giảm lãi suất cho từng đối tượng, đến nơi khó, cần đến mới phù hợp. Tất nhiên sẽ tốt hơn nếu công khai cụ thể từng nhóm doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực đã được ngân hàng hỗ trợ theo quý.
“Khi báo cáo Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã ước tính được số lượng doanh nghiệp cũng như số dư nợ được hỗ trợ, số lãi bỏ ra. Nhưng để chi tiết hóa triển khai vẫn cần thời gian”, ông này nói thêm./.