Aa

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán: Không có "thuốc trị bách bệnh", cần chấp nhận đánh đổi để kích cầu kinh tế và giải ngân tín dụng

Thuý Quỳnh
Thuý Quỳnh quynhbui.reatimes@gmail.com
Thứ Hai, 30/10/2023 - 06:00

Theo chuyên gia, để tín dụng tăng trưởng và phục hồi kinh tế, Chính phủ nên đóng vai trò là "người tiêu dùng lớn". Cùng với đó, cần có những hướng dẫn cụ thể để ngân hàng xác định đúng doanh nghiệp đủ điều kiện vay.

Kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 lắng xuống, mối quan tâm lớn nhất của toàn xã hội dường như là làm thế nào để phục hồi nền kinh tế đã chịu nhiều tổn thương. Lúc này, sự kỳ vọng được đặt lên vai các doanh nghiệp với sứ mệnh đưa guồng quay kinh tế trở lại trạng thái "bình thường mới", tạo ra những chuyển động tuần hoàn sau một thời gian dài đứng im dựa trên nguyên tắc căn bản "chi tiêu của người này là thu nhập của người khác". Doanh nghiệp được "cởi trói", người dân có việc làm, thu nhập tăng, tiêu dùng tăng, kinh tế phục hồi - người ta đã không thôi hy vọng và động viên nhau như thế. 

Tuy nhiên, những diễn biến bất lợi trên toàn cầu đã trở thành lực cản lớn "bóp nghẹt" doanh nghiệp trên chặng đường phục hồi. Xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng xăng dầu, khí đốt và lương thực tại châu Âu, biến động địa chính trị cùng những bất ổn kinh tế vĩ mô khác đã và đang khiến cả đầu vào và đầu ra của đa số doanh nghiệp bị tắc nghẽn. Chưa dừng lại ở đó, trong thời điểm nhiều thách thức từ bên ngoài bủa vây, những điểm yếu nội tại của nền kinh tế Việt Nam càng lộ rõ với nhiều vướng mắc về pháp lý, vốn, thủ tục, quy trình, hạ tầng... có tính thời sự và cần sớm được giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chỉ riêng về vốn, từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã ra sức hỗ trợ để mở rộng và tăng cường vốn cho doanh nghiệp bằng cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất; Quốc hội quyết định giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm; Chính phủ ban hành Nghị định 12/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí năm 2023 với tổng quy mô khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng cùng hàng loạt Thông tư hướng dẫn khác nhằm đưa được hàng nghìn tỷ vốn tín dụng đang nằm chờ sẵn trong các ngân hàng thương mại đến với doanh nghiệp. 

Mới đây, ngày 21/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ký ban hành Công điện số 990/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023. 

Công điện 990 nêu rõ, đến ngày 11/10/2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14-15%); thu ngân sách nhà nước 09 tháng ước đạt 75,5% dự toán năm.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng thấp là hệ quả của việc doanh nghiệp gặp khó trong cả đầu vào và đầu ra đối với vốn tín dụng: tiếp cận vốn và sử dụng vốn. Tiếp cận vốn khó, nhiều thủ tục phức tạp, nhiều điều kiện chặt chẽ là câu chuyện đã rõ, nhưng vay vốn xong sử dụng như thế nào, đầu tư vào đâu, sản xuất hàng để bán cho ai, ai mua cũng là một bài toán cực kỳ nan giải với doanh nghiệp ngay lúc này. 

Bàn về vấn đề tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM. 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM.

Ngân hàng "chùn tay" trong xác định đâu là doanh nghiệp đủ điều kiện vay tín dụng 

PV: Theo chuyên gia, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc tăng trưởng tín dụng trong quý III và từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp? 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán: Mấu chốt của việc giải ngân tín dụng nằm ở 2 vấn đề: Một là khả năng thu hồi vốn; hai là trong trường hợp xấu nhất không thu hồi vốn được thì có xử lý được tài sản đảm bảo hay không. Chính phủ yêu cầu phải tăng tốc độ giải ngân, nhưng điều đó không đồng nghĩa với hạ quản trị rủi ro tín dụng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh là tăng tín dụng nhưng không được hạ thấp tiêu chuẩn vì về lâu dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Bởi vậy, để đánh giá khoản vay có thu hồi được gốc và lãi hay không sẽ phải xem xét hiệu quả kinh doanh của đối tượng vay. 

Đối tượng vay lúc này là ai - chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản. Nhu cầu vay từ phía các doanh nghiệp sản xuất không lớn vì đa số họ đều hoạt động cầm chừng. Dưới tác động của lạm phát thế giới, cảnh báo suy thoái sớm đã được "rung chuông" ở những nền kinh tế lớn như Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ. Trong bối cảnh vừa có nguy cơ suy thoái kinh tế, vừa lạm phát cao, người dân sẽ có tâm lý phòng vệ, cắt giảm chi tiêu, dẫn đến nhập khẩu giảm. Việt Nam lại nằm trong nhóm nước xuất khẩu, do đó doanh nghiệp thiếu đơn hàng và không dám mạo hiểm vay ngân hàng, vì nếu hàng sản xuất ra mà không bán được thì tiền đâu trả nợ? 

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa: Bộ Công Thương)

Với doanh nghiệp bất động sản, họ vay chủ yếu nhằm đảm bảo tiến độ thi công của dự án để bàn giao cho khách hàng, vì chỉ khi dự án được thi công, hoàn thiện thì khách hàng mới trả tiền theo thỏa thuận của hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai hoặc hợp đồng cấp vốn.

Nhưng hiện nay, bản thân doanh nghiệp cũng không chắc chắn về việc khách hàng có tiếp tục đóng tiền không khi dự án đã được thi công, hay xây lên rồi có bán được hàng không. Phía ngân hàng cũng không có gì để đảm bảo về vấn đề này, do đó họ rất e ngại cho doanh nghiệp bất động sản vay. 

Với tín dụng tiêu dùng bất động sản, người dân cần vốn vay mua nhà nhưng chưa muốn xuống tiền lúc này bởi họ đang chờ đợi cơ may mua nhà giá rẻ, dẫn đến lực cầu bất động sản xuống rất thấp. 

Tiếp đến là vướng mắc trong khâu xử lý tài sản đảm bảo. Thống kê đến tháng 6 năm nay, 74% tài sản đảm bảo nằm trong các ngân hàng là bất động sản. Trong khi thị trường bất động sản đang gần như đóng băng, theo tính toán, nếu như muốn xử lý nhanh thì phải giảm giá hoặc chiết khấu 40-50% giá trị của bất động sản, tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào cơ may chứ chưa chắc chắn. Bởi vậy, ngân hàng đang rất e ngại tài sản đảm bảo không đủ để thanh toán khoản vay và phải tiến hành đánh giá lại. Sau quá trình đánh giá đó, một số khoản vay đã vượt hạn mức tín dụng được cấp theo tài sản đảm bảo.

Ví dụ, trước đây doanh nghiệp đi vay với tài sản đảm bảo có giá trị là 100 tỷ đồng, hoàn toàn có thể vay 60 tỷ đồng là trong mức an toàn. Nhưng nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, phải xử lý nhanh tài sản đảm bảo thì giá trị chỉ còn 50 tỷ đồng. Như vậy đã không thu hồi được nợ cũ rồi, làm sao ngân hàng dám cấp tiếp hạn mức cho vay?

Vướng mắc trong khâu đánh giá lại giá trị thị trường của bất động sản, xử lý tài sản đảm bảo và nhu cầu vay giảm từ khối doanh nghiệp sản xuất chính là những yếu tố kiềm chế tốc độ giải ngân vốn tín dụng và tăng trưởng tín dụng nói chung. 

"Vướng mắc trong khâu đánh giá lại giá trị thị trường của bất động sản, xử lý tài sản đảm bảo và nhu cầu vay giảm từ khối doanh nghiệp sản xuất chính là những yếu tố kiềm chế tốc độ giải ngân vốn tín dụng và tăng trưởng tín dụng nói chung."

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán

PV: Vậy doanh nghiệp có nhu cầu đang gặp phải những khó khăn gì khi tiếp cận vốn tín dụng? 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán: Khó khăn thứ nhất đến từ việc doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả của dự án kinh doanh trong khâu thẩm định dự án.

Nếu một dự án được cấp vốn, có thể là 3 - 5 năm nữa sẽ có hiệu quả, nhưng trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, thị trường bất động sản trầm lắng như hiện tại thì quả thực việc chứng minh hiệu quả kinh doanh là gần như bất khả thi. 

Khó khăn thứ hai đến từ tâm lý sợ trách nhiệm của nhân viên tín dụng. Sự thật là như vậy, khi còn nhiều rối ren trong các thủ tục, chính sách, nhiều vụ việc đã đổ bể khiến nhân viên tín dụng của ngân hàng rất "rén" trong việc quyết định cho doanh nghiệp vay hay không.

Tôi cho rằng, phải chăng Ngân hàng Nhà nước nên có những hướng dẫn cụ thể hơn cho nhân viên tín dụng về việc doanh nghiệp như thế nào là đủ điều kiện được vay mới, vay tiếp, doanh nghiệp nào không đủ điều kiện, để họ làm theo mà không cần phải quá lo lắng về trách nhiệm sau này. 

Đơn cử như Trung Quốc, họ áp dụng chính sách "3 lằn ranh đỏ", quy định rõ tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá bao nhiêu phần trăm, tỷ lệ thanh toán không được thấp hơn mức nào, lượng tiền mặt dự trữ là bao nhiêu thì mới được vay. Việt Nam cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, nhưng làm gọn nhẹ và ít áp lực hơn, để xác định đâu là doanh nghiệp đủ điều kiện vay. Tức là điều kiện có thể khác, nhưng cần rất cụ thể để nhân viên tín dụng có căn cứ xác định cho doanh nghiệp vay. Nếu không, tâm lý lo sợ vẫn sẽ còn tồn tại và cản trở đầu ra của vốn tín dụng. 

"Liều thuốc" tốt nhất lúc này là Chính phủ đóng vai "người tiêu dùng lớn"

PV: Việc khó giải ngân vốn tín dụng có lẽ đến từ "khủng hoảng niềm tin" giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Theo chuyên gia, về phía ngân hàng, cần làm gì để mở rộng đường ra cho vốn tín dụng một cách an toàn, hiệu quả? 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán: Bản chất việc doanh nghiệp không vay được cũng ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận và hoạt động của ngân hàng. Từ trước đến nay, ngân hàng "sống được" là nhờ vào chênh lệch giữa chi phí sử dụng vốn đầu vào, tức là khoản lãi trả cho người gửi tiền và lãi suất đầu ra. Bây giờ, ngân hàng vẫn phải trả lãi cho khách hàng gửi tiền, mà lại không cho doanh nghiệp vay được thì ngân hàng tất nhiên sẽ phải chịu lỗ.

Trước đây, doanh thu của ngân hàng còn đến từ bảo hiểm, nhưng những bê bối gần đây của ngành bảo hiểm cũng khiến ngân hàng "thất thu" khoản này. Có thể thấy, lợi nhuận quý III năm nay của đa số ngân hàng đều suy giảm trầm trọng, do đó ngân hàng cũng đang nôn nóng hơn bao giờ hết và khẩn trương muốn tìm đầu ra cho dòng vốn tín dụng đang tắc nghẽn. 

Theo báo cáo tài chính các ngân hàng, lợi nhuận quý III/2023 của VPBank giảm 36% so với cùng kỳ, TPBank giảm 26,3%, BacABank giảm 73%. (Ảnh minh họa)

Giải pháp có thể đến từ việc diễn giải lại nợ xấu. Việc diễn giải lại sẽ giúp cho một số doanh nghiệp thuộc nhóm nợ 2, 3, 4 được chuyển nhóm và nâng hạng lên, từ đó sẽ tiếp tục được vay. Cụ thể, sẽ đánh giá lại tiềm năng kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào, việc chậm trả lãi có thường xuyên không, đã khắc phục chưa, nếu khắc phục được rồi thì có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chuyển nhóm nợ lên và vay tiếp. 

Cùng với đó, ngân hàng cũng nên tính toán đến giải pháp cho doanh nghiệp vay để trả những khoản nợ có lãi suất cao. Ví dụ, trước đây doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất là 14%, nhưng hiện tại mặt bằng lãi suất trái phiếu đã giảm, doanh nghiệp có thể phát hành với mức 10% là đã huy động được vốn. Nếu như ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay để đảo nợ khoản trái phiếu phát hành với lãi suất cao, từ đó có đủ điều kiện phát hành trái phiếu mới với lãi suất thấp hơn thì sẽ tháo gỡ được thế khó cho doanh nghiệp. Mặc dù làm như vậy thì khoản chênh lệch 4% kia sẽ do ngân hàng "gánh", nhưng phương án này sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm được áp lực trả nợ và tập trung nguồn lực vào việc tái cấu trúc kinh doanh, từ đó ngân hàng cũng sẽ có cơ sở để cho vay tín dụng. 

Tiếp đến là khâu thẩm định dự án. Trước đây, việc thẩm định tín dụng vẫn còn nhiều bước làm qua loa, sơ sài, mang tính hình thức, dẫn đến việc rót vốn cho những dự án không hiệu quả, sau đó khó thu hồi được nợ. Đến lúc này, cần có quy trình mới về thẩm định tín dụng, ngân hàng phải đóng vai trò sâu hơn trong việc giám sát sử dụng dòng tiền của người vay.

PV: Vậy trong trước mắt và lâu dài, cần có giải pháp gì để tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng và phục hồi kinh tế, thưa ông? 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán: Thực tế trước mắt, các giải pháp kích cầu vay tín dụng, tăng tốc độ giải ngân bằng cách hạ lãi suất, nới lỏng thủ tục pháp lý là nằm trong khả năng của chúng ta. Tuy nhiên, việc thực hiện những giải pháp ngắn hạn chắc chắn sẽ gây ra hệ lụy là nợ xấu, do đó cần phải xem nền kinh tế chịu được áp lực đến đâu.

Như vậy, không có thuốc nào trị được bách bệnh, chúng ta muốn kích cầu kinh tế, giải ngân tín dụng nhiều hơn thì sẽ phải chấp nhận trong 2 - 3 năm tới sẽ có làn sóng nợ xấu và phá sản. 

Theo tôi, "liều thuốc" an toàn và khả thi nhất trong tình thế hiện tại là Chính phủ cần phải đóng vai trò như một "người tiêu dùng lớn". Như Thái Lan đã lên kế hoạch phát tiền cho dân tiêu với hơn 15 tỷ USD để kích thích tiêu dùng, chúng ta cũng có thể cân nhắc đến những biện pháp tương tự với việc loại bỏ tư duy nợ công nhiều là rủi ro cao. Vấn đề không nằm ở nợ bao nhiêu mà là nợ dùng để làm gì, nếu nợ công dùng để kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế thì không có vấn đề gì hết. 

Chính phủ có thể kích cầu từ những chương trình kinh tế lớn, xây dựng cầu đường, sân bay, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là tăng cung nhà ở xã hội. Tôi cho rằng phát triển nhà ở xã hội là phương án rất quan trọng để kích thích tiêu dùng trong nền kinh tế, bởi nhu cầu của loại hình này hiện đang rất lớn và chỉ có tăng chứ không giảm, chỉ chờ nguồn cung được tung ra để hấp thụ. 

Tuy nhiên, đối với người mua, theo tôi cần có cơ chế tài chính đặc thù cho vay mua nhà ở xã hội, đặc biệt phải giải ngân nhanh và giảm lãi suất xuống khoảng 6-6,5% là hợp lý. Lãi suất 10-11% như hiện tại vẫn cao so với sức mua của người dân. 

Đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội vẫn giải ngân chậm. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Về phía nhà phát triển, phải chăng với nhà ở xã hội, Chính phủ nên tạm thời chủ động chịu phần thiệt về mình thay vì trông chờ nhiều vào sự tham gia của khối tư nhân, bởi để thị trường bất động sản tháo gỡ được thế giằng co giữa người bán - người mua, rất cần có nguồn cung nhà giá rẻ, phù hợp với sức mua của người dân để tăng thanh khoản, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp và cũng chính là để vốn tín dụng cho tiêu dùng bất động sản được giải ngân.  

Rõ ràng, việc phát triển nhà ở xã hội không thể để Nhà nước hay doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm, mà phải có sự tham gia của cả 2 bên. Nhà ở xã hội là một sản phẩm đặc thù có tính chất như phúc lợi xã hội, nên không thể để thị trường điều tiết hoàn toàn, bởi như vậy sẽ sinh ra hiện tượng "làm giá", mập mờ giữa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Nhưng nếu để Nhà nước chịu trách nhiệm hoàn toàn cũng sẽ rất khó vì cần rất nhiều nguồn lực. 

"Phát triển nhà ở xã hội là phương án rất quan trọng để kích thích tiêu dùng trong nền kinh tế, bởi nhu cầu của loại hình này hiện đang rất lớn và chỉ có tăng chứ không giảm, chỉ chờ nguồn cung được tung ra để hấp thụ".

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán

Do đó, để có sự tham gia của cả 2 bên, tôi cho rằng cần thực thi chính sách theo kiểu "bán bia kèm lạc". Nếu doanh nghiệp muốn xây dựng dự án nhà ở thương mại thì phải dành ra quỹ đất, hạ tầng làm nhà ở xã hội. Đó là điều kiện bắt buộc.

Về phía Chính phủ cũng cần có những cơ chế đặc thù, ưu tiên, hỗ trợ cho việc thực hiện nhà ở xã hội, như cấp bù lãi suất cho ngân hàng. 

Ví dụ, ngân hàng muốn cho doanh nghiệp vay với lãi suất 6% trong 10 năm để xây nhà ở xã hội, quy định mức chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra là 2% chẳng hạn. Sau mỗi lần điều chỉnh lãi suất huy động trong 10 năm đó, nếu ngân hàng muốn nâng lãi suất huy động từ 4% lên 6% bằng với lãi suất cho vay thì phần 2% sẽ do Chính phủ cấp bù. Đồng thời, cơ quan nhà nước sẽ tham gia giám sát dự án được hưởng mức lãi suất hỗ trợ đó, nếu có sai phạm thì xử lý hình sự.

Như vậy, một cơ chế vừa linh hoạt vừa chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho cả Nhà nước và doanh nghiệp giữ được vai trò của mình trong việc xây dựng nhà ở xã hội để người dân được an cư lạc nghiệp. 

Về lâu dài, có thể nói trước đây chúng ta bị cuốn vào làn sóng phát triển bất động sản mà thiếu đi sự quan tâm cho những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam. Chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nhưng lại đặt chủ yếu lên vai ngành bất động sản hay xây dựng, trong khi đó ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao lại có ít doanh nghiệp tham gia đầu tư. Do đó, cần có chiến lược đẩy mạnh phát triển những ngành nghề là thế mạnh, trụ đỡ của kinh tế nước ta, đặc biệt là lương thực thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp. Khi những ngành nghề, lĩnh vực này phát triển, bất động sản sẽ theo đà tiến lên, chứ không thể trông chờ tăng trưởng kinh tế vào việc phát triển nhà ở hay mua đi bán lại đất đai được.

PV: Trân trọng cảm ơn chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top