Aa

"Cần đánh thức các phế tích, khai quang, đem lại giá trị của Ba Vì trong hiện tại"

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 02/02/2021 - 14:15

Đó là quan điểm của họa sỹ Thành Chương khi bàn về câu chuyện bảo tồn và phát triển từ phế tích Ba Vì.

Lời tòa soạn:

Di sản là giá trị chung của một đô thị, của Quốc gia, là quà tặng của quá khứ cho sự phát triển của đất nước hôm nay. Vì thế, thực tế từ các trường hợp của những đô thị đang thành công trên thế giới, “Bảo tồn” và “Phát triển” không bao giờ đối kháng mà phải nương vào nhau cùng song hành, hay nói cách khác, để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, suy cho cùng, vẫn nên lấy phát triển hiệu quả để bảo tồn.

Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định: "Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự "cân bằng động" giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là đích hướng tới".

Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì là đề tài đang được dư luận và giới chuyên gia đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Câu chuyện của Ba Vì là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, là tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại không chỉ cho Thủ đô Hà Nội, mà cho cả quốc gia.

Vì vậy, việc phát triển và bảo tồn ở địa danh này như thế nào là bài toán cần rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cùng đưa ra lời giải.

Trên cơ sở đó, Reatimes tiến hành nghiên cứu và phản biện, với những góc nhìn đa chiều và khoa học, thực hiện và đăng tải tuyến bài: Đánh thức tiềm năng du lịch từ phế tích ở Ba Vì: Giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Du lịch Ba Vì chưa tương xứng với tiềm năng

Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đến đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển kiến trúc, đô thị hiện đại ở Việt Nam. Những đô thị lớn được hình thành ở các vùng đồng bằng, những thị trấn hay khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên các vùng cao như Sa Pa, Hà Giang, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Bà Nà... Đó là những bằng chứng thực tế sống động về sự lựa chọn vị trí, hoạch định cấu trúc, tạo diện mạo kiến trúc bản địa, sử dụng vật liệu địa phương cũng như thái độ tôn trọng và cách ứng xử phù hợp với đặc điểm địa hình, môi trường tự nhiên vốn có.

Gần 200 phế tích kiến trúc tại Vườn Quốc gia Ba Vì (Sơn Tây, Hà Nội) được xây dựng từ hơn 90 năm trước tại các điểm cao (cotes) 400m, 600m, 700m, 800m, 1.000m là những dấu tích quan trọng của di sản quy hoạch, kiến trúc vùng núi rừng đặc trưng thời thuộc Pháp. Không những thế, bản thân những phế tích đặc biệt này, cùng với đất trời, cây cỏ còn tạo nên những khung cảnh hữu tình, giàu cảm xúc lịch sử với đầy đủ các yếu tố thiên nhiên, con người và thời gian.

Tuy nhiên, giới chuyên gia, lãnh đạo địa phương cũng nhiều lần đưa ra nhận định, phát triển du lịch tại Ba Vì chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Mặc dù số lượng khách tăng nhưng mức chi tiêu của khách du lịch đến Ba Vì chỉ đạt 105.000 đồng/người; chỉ 20% số khách lưu trú trên địa bàn... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển còn nhỏ lẻ: Trên địa bàn chỉ có 8/16 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 3 sao, chưa có khách sạn cao cấp, chưa có hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, trung tâm mua sắm hiện đại đáp ứng nhu cầu của du khách. Dịch vụ của các cơ sở lưu trú, nhà hàng còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao. Hệ thống hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch của Ba Vì còn chưa đồng bộ: Giao thông tiếp cận các điểm du lịch có mặt đường hẹp, chất lượng xấu, nguồn điện không ổn định, thường xuyên bị chia cắt vào những ngày cao điểm… Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, khả năng cạnh tranh còn yếu…

Du lịch Ba Vì chưa tương xứng với tiềm năng
Du lịch Ba Vì chưa tương xứng với tiềm năng.

Ba Vì cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng lượng khách du lịch đến Ba Vì đạt 4,5 triệu lượt/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 5%, doanh thu du lịch đạt 500 - 550 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Ba Vì đang tập trung tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái, tập trung hạ tầng, thu hút nguồn lực doanh nghiệp…

Họa sĩ Thành Chương, người rất thành công khi kéo được khách du lịch đến với không gian văn hóa Phủ Thành Chương ở Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng, để biến phế tích thành giá trị phục vụ cho đời sống hôm nay, chúng ta phải hiểu cái gốc, cái cốt lõi của khu vực núi Ba Vì. Rừng nguyên sinh là cái gốc. Những khu rừng nguyên sinh như thế này không còn nhiều ở cả Việt Nam và thế giới. Hơn thế, Vườn Quốc gia Ba Vì còn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, vì vậy, phát triển luôn phải đề cao giá trị của rừng, lấy rừng làm gốc... “Quan điểm của tôi là cần đánh thức các phế tích, khai quang, phát sáng, đem lại giá trị của nó trong hiện tại”.

Melia Ba Vì - Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn

Thời gian vừa qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra những đánh giá, đề xuất ứng xử với các công trình phế tích đang bị ngủ quên trong rừng Ba Vì, để cùng nhận thấy tiềm năng to lớn và giá trị văn hóa, lịch sử của các phế tích này. Các chuyên gia cũng đề xuất TP. Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan cùng “đánh thức” một thị trấn đang ngủ quên trên núi Ba Vì.

Và có lẽ chưa bao giờ, chuyện Tập đoàn Melia đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của hơn 200 phế tích ở Ba Vì nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực của các chuyên gia đến vậy.

Đó có thể là do sau quãng thời gian quá dài, gần cả một thế kỷ, chứng kiến những phế tích trên núi Ba Vì chìm vào quên lãng khiến người ta cảm thấy xót xa, hoặc cũng có thể là sự thay đổi nhận thức rằng, nếu không tổ chức khai thác hiệu quả, chỉ lo bảo vệ rừng thì tài nguyên sẽ cạn kiệt, không có nguồn tái tạo, nuôi dưỡng cho phát triển bền vững và sẽ là lỗi lầm để lãng phí tài nguyên.

Melia Ba Vì như một điển hình trong việc bảo tồn các giá trị vốn có của mình để làm tiền đề phát triển du lịch, trở thành một điểm sáng trong du lịch di sản những năm gần đây.

Melia Ba Vì hiện là một trong những điểm sáng của du lịch di sản.
Melia Ba Vì hiện là một trong những điểm sáng của du lịch di sản.

Hiểu được sự quan trọng trong việc phát triển du lịch di sản, Melia Ba Vì - khu nghỉ dưỡng cao cấp tại núi Ba Vì đã thực hiện song hành việc bảo tồn các di tích lịch sử và phát triển kinh tế du lịch, đưa nơi đây trở thành một điểm đến thú vị thu hút du khách trong và ngoài nước.

Melia Ba Vì nằm trên độ cao 600m tại núi Ba Vì, cách Hà Nội gần 70km. Khi xây dựng dự án này, có 3 yếu tố luôn được chú trọng. Đó là giữ gìn nguyên vẹn cảnh quan, phế tích có giá trị và cải tạo lại những nơi có thể. Khi lập dự án, chủ đầu tư đặc biệt quan tâm đến môi trường sinh thái tự nhiên, giữ hình thái đất ban đầu và bảo vệ thảm thực vật, tận dụng một số khung cảnh, cảnh quan đặc biệt làm điểm du lịch sinh thái, tôn trọng và phát huy giá trị của những địa hình, địa cảnh. Coi phế tích là một nhân tố quan trọng, xác định các mức độ can thiệp khác nhau phù hợp với vị trí, đặc điểm, ý nghĩa và tình trạng của từng phế tích và cảnh quan khu vực. Phục dựng từng phần có chọn lọc và tôn tạo các điểm di tích để đem đến những cơ hội trải nghiệm văn hóa phong phú, khác biệt cho du khách; song song với đó, mang đến những thông tin giá trị của mỗi di tích để du khách đến gần hơn với một phần lịch sử, hiểu sâu về giá trị văn hóa của nơi đây.

Dự án Melia Ba Vì là tiến trình phát triển của “Tự nhiên - Nhân tạo - Tự nhiên”, cải tạo và thiết kế lại cảnh quan của toàn khu dựa trên việc lồng ghép các yếu tố lịch sử, văn hóa, bản chất của vùng. Melia Ba Vì hiện là một trong những điểm sáng của du lịch di sản, trở thành dấu tích kiến trúc Pháp với tư cách là một góc cảnh quan văn hóa nổi bật trong Vườn Quốc gia Ba Vì./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top