Chủ đầu tư một dự án chung cư cao cấp tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa tung ra chính sách khuyến mại ôtô trị giá hơn một tỷ đồng đối với khách hàng mua căn hộ. Theo đó, những khách mua trong thời gian trên với loại 4 phòng ngủ sẽ được tặng ôtô trị giá hơn một tỷ đồng; căn hộ loại 3 phòng ngủ được tặng gói nội thất 550 triệu và gói nội thất 300 triệu đồng với căn hộ 2 phòng ngủ... Đặc biệt, những khách hàng không nhận quà tặng sẽ được trừ trực tiếp vào giá bán.
Ở một dự án được quảng cáo là chung cư cao cấp trên đường Hồ Tùng Mậu, chủ đầu tư cũng đang áp dụng chính sách khuyến mại, chiết khấu lên tới hơn 20% giá trị, bao gồm quà tặng ôtô, phí dịch vụ, ưu đãi lãi suất... Tương tự chủ đầu tư ở Nam Từ Liêm, nếu khách hàng không nhận những ưu đãi, khuyến mại nói trên thì chủ đầu tư sẽ trừ trực tiếp 20% vào giá bán (khoảng trên dưới 400 triệu đồng). Ngoài ra, người mua nhà còn được bốc thăm trúng thưởng là ôtô, sổ tiết kiệm hàng trăm triệu đồng...
Không chỉ chủ đầu tư mở bán giảm giá, nhiều nhà đầu tư thứ cấp cũng đang rao bán căn hộ với mức giảm hàng trăm triệu đồng so với cách đây không lâu. Tình trạng này càng phổ biến ở các dự án nằm trong khu vực hạ tầng giao thông quá tải, hoặc có xảy ra tranh chấp.
Cách đây 3 năm, anh Tuấn (Đống Đa) mua một căn hộ tại Mỗ Lao với giá 2 tỷ đồng, chưa kể nội thất bởi nhận định dự án sẽ được giá sau khi một số tuyến đường, hạ tầng giao thông khu vực này hoàn thiện hơn. Anh hoàn thiện nội thất hơn 200 triệu đồng và cho thuê. Giữa năm ngoái, anh rao bán giá 29 triệu đồng mỗi m2, tức cao hơn giá khi mua khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện anh phải chấp nhận rao bán lỗ gần hơn 100 triệu. Nhà đầu tư thứ cấp này cho biết có 2 lý do khiến anh đưa ra quyết định bán căn hộ với giá như trên, bởi những tòa đã bàn giao vướng phải tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư kéo dài suốt mấy năm qua.
"Trong khi đó, chủ đầu tư lại vừa mở bán một tòa bên cạnh với mức giá cạnh tranh, rẻ hơn vài triệu đồng mỗi m2 so với mấy tòa hiện nay. Nếu không bán, một thời gian nữa có thể giá sẽ tiếp tục rớt", anh Tuấn nói.
Báo cáo thị trường của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, trong quý II, dẫn đầu là phân khúc nhà ở giá thấp chiếm tới 55% tổng giao dịch mặc dù giai đoạn này, thị trường không có thêm các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội mới. Thị trường quý II không ghi nhận thêm các dự án mới ở phân khúc cao cấp được mở bán.
"Thanh khoản chậm lại, cộng với nguồn cung dồi dào dẫn tới việc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đó có thể là lý do khiến các chủ đầu tư không tung thêm sản phẩm mới", ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EZ Việt Nam nhận định.
Theo tìm hiểu của VnExpress, một số chủ đầu tư dự án cao cấp có dự định triển khai các giai đoạn tiếp theo cũng đang khá thận trọng. "Cuối năm ngoái mỗi tháng bán trung bình tầm 50 căn thì gần đây có tháng chỉ bán được 8 căn", một chủ đầu tư khu vực Nhân Chính cho hay.
Cũng theo ông Toản, phân khúc bất động sản cao cấp hiện nay khá "bội thực" về nguồn cung, do đó giao dịch chủ yếu là người mua để ở. Còn nhà đầu tư thứ cấp đang chuyển hướng sang những phân khúc tầm trung và giá rẻ.
"Hơn nữa, cuối năm ngoái một số chủ đầu tư công bố việc sẽ sớm triển khai các dự án khu đô thị giá rẻ, nên các đơn vị phân phối, nhà đầu tư đều chờ đợi phân khúc đó, dẫn đến không quá mặn mà với căn hộ cao cấp, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản đang kém", ông Toản nói.