Bàn về vấn đề TP. Hà Nội đang nghiên cứu đề án xây dựng con đường ven sông Hồng, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định: Triển khai con đường ven sông Hồng là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tổng thể, thận trọng và đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ.
Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, để từng bước cải tạo chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị ven sông Hồng cũng như nâng cấp hệ thống giao thông khu vực ngoài bãi sông, quận đang chỉ đạo nghiên cứu các giải pháp để nâng cấp các đoạn đường dân sinh ven sông hiện có, xây dựng tuyến đường dọc ven sông Hồng nhằm hình thành tuyến đường ven sông phù hợp với định hướng Quy hoạch chung, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hoá và du lịch...
Như vậy, tuyến đường ven sông sau khi hình thành sẽ tăng cường kết nối giữa khu vực trong và ngoài đê, phân tán lưu lượng giao thông, đồng thời khai thác cảnh quan mặt nước sông Hồng.
Ngoài ra, do khu vực này trước đây thường bị lấn chiếm, đổ rác thải, phế thải và ô nhiễm môi trường. Do đó, con đường được coi như ranh giới địa lý chống lấn chiếm bờ vở sông Hồng.
Phương án mà UBND quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu, tuyến đường ven sông được triển khai với mặt cắt ngang 15,5m gồm: 2 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp, mặt đường rộng 11m, vỉa sát nhà dân rộng 3m, vỉa hè phía sông rộng 1,5m đáp ứng đủ bố trí diện tích cây xanh hè đường, bố trí các hệ thống hạ tầng (như điện chiếu sáng, thoát nước mưa, thoát nước thải…) đảm an toàn giao thông, tăng mỹ quan đô thị.
Hướng tuyến cơ bản bám theo đường bê tông dân sinh hiện trạng, một số vị trí cục bộ như khu dân cư đông đúc, vị trí trụ cầu Chương Dương hiện trạng, vị trí đi qua đền Sơn Hải sẽ được tính toán, xử lý hài hòa đảm bảo theo các yếu tố kỹ thuật.
Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: Khu vực 2 bên sông Hồng đã được TP. Hà Nội quan tâm nghiên cứu từ năm 1994, sau đó có phê duyệt nhiều quy hoạch liên quan. Ngoài ra, đã có những dự án nghiên cứu khai thác sông Hồng với nhiều chức năng giao thông thủy - giao thông bộ và khai thác quỹ đất.
Gần đây, Viện Khoa học Thủy lợi đã có nghiên cứu đề xuất ổn định dòng chảy để khai thác quỹ đất 2 bên sông và hệ thống giao thông ven sông. Trước đó, cũng có Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP 2007), sau đó Hà Nội có hợp tác với Seoul Hàn Quốc đề xuất về xây dựng hệ thống giao thông. Dự án của Seoul với Hà Nội còn đề ra cả xây dựng hệ thống tầng bậc gồm đường ổn định theo dòng chảy, đường cấp độ trung bình, đường chống thoát lũ.
Theo Quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030 đã được phê duyệt, có xác định phải xây dựng 2 tuyến chủ đạo ven đê hiện có, làm ra các con đường nhằm kết nối phía Bắc và Nam.
Như vậy, tuyến đường ven sông được đánh giá là nhiệm vụ cấp bách không chỉ phục vụ giao thông. Quan trọng hơn, nó tạo lập cảnh quan, đặc biệt là trục không gian công cộng. Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 cũng có mục tiêu đặt ra là biến sông Hồng trở thành trục cảnh quan quan trọng nhất, là trung tâm thành phố. Để tạo ra điều đó, rất cần con đường này - TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc mà chúng ta thấy rất rõ là khu vực này chưa có quy hoạch phân khu. Trong kế hoạch 2021 của thành phố cũng có đặt ra vấn đề cần sớm phê duyệt quy hoạch phân khu. Hiện nay, Hà Nội còn khoảng 10% diện tích chưa được quy hoạch phân khu gồm khu vực sông Hồng, phố cũ, phố cổ…
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm: Tôi cùng các chuyên gia có tham gia góp ý cho các đề án và tìm ra những lý do khiến quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt. Chủ yếu là vướng mắc ở vấn đề tổ chức không gian, giao thông và cơ sở pháp lý còn thiếu. Cụ thể, đến nay chưa có nghiên cứu tổng thể về hành lang thoát lũ nên khó điều chỉnh hệ thống đê. Do đó, phải nghiên cứu một cách cẩn trọng phương án ổn định dòng chảy - do lưu lượng nước vẫn là ẩn số. Sau đó mới có thể phê duyệt quy hoạch thoát lũ và quy hoạch phân khu. Khó khăn nhất vẫn là nghiên cứu hành lang thoát lũ cho Hà Nội thì phải nghiên cứu cả vùng, các dòng sông khác tác động đến sông Hồng. Các nghiên cứu này phải đặt trong yếu tố tổng thể.
Vì thế, xây dựng con đường ven sông như thế nào, thời điểm nào là hợp lý cũng là bài toán cần được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng và yếu tố pháp lý phải đặt lên hàng đầu./.