Aa

Thành phố ven sông Hồng: Nguy cơ hay cơ hội cho Hà Nội?

Chủ Nhật, 27/01/2019 - 21:00

Hà Nội đã nhiều lần thay đổi quy hoạch chung nhằm cân bằng hơn sự phát triển giữa hai bờ cũng như mong muốn sông Hồng tham gia nhiều hơn vào không gian kiến trúc đô thị. Tuy nhiên đến nay các dự án vẫn dừng ở mức ý tưởng hoặc triển khai kế hoạch nhưng chưa có hướng đi cụ thể.

Tình trạng đô thị dọc sông quy hoạch tự phát hiện nay

Tình trạng đô thị dọc sông quy hoạch tự phát hiện nay

Lo ngại những “biến cố” bất ngờ

Lịch sử phát triển không gian thành phố cho thấy, vùng đồng bằng sông Hồng có cao trình mặt đất từ 0,4m đến 9,0m, trong đó gần 60% diện tích ở mức thấp hơn 2m, nghĩa là bị ảnh hưởng thuỷ triều nếu không có hệ thống đê biển và đê vùng cửa sông.

Dọc theo các sông vùng đồng bằng sông Hồng đều có đê bảo vệ từ trong lịch sử. Vì vậy do tác dụng bồi lắng của phù sa sông Hồng, cao trình vùng mặt đất bãi sông ngoại đê thường cao hơn cao trình mặt đất trong dòng chính từ 3 đến 5m. Thêm vào đó, sông Hồng có đặc điểm thủy văn phức tạp, có mùa mưa, mùa lũ cùng với hệ thống đê chống lũ, dẫn đến việc khó phát triển cảnh quan ven sông của Hà Nội.

Bởi những lý do trên cùng với việc đề phòng ngoại xâm phương bắc, Hà Nội mở rộng diện tích đô thị chủ yếu trên bờ phía nam của dòng sông, phía bờ bắc mờ nhạt hơn rất nhiều, thay vì kịch bản cân bằng hai bờ, nghĩa là dòng sông chia đôi đô thị như thường thấy ở các thành phố khác. Điều này vô tình đã làm người Hà Nội “quay lưng” lại với sông Hồng theo cả nghĩa đen khi sông Hồng bị ngăn.

Với sự xuất hiện của một loạt các nhà máy thủy điện của Trung Quốc ở đầu nguồn và ba nhà máy thủy điện lớn của Việt Nam trên hệ thống sông Hồng, vấn đề lũ lụt phần nào đã được khống chế và kiểm soát, thậm chí còn gây hiệu ứng ngược khi dòng sông cũng đã có thời gian lâm vào khô hạn do việc tích nước của các nhà mày thủy điện này. Và cũng chính từ đó, người ta đã “phát hiện” ra một quỹ đất rất lớn nằm ven sông - khu vực nằm giữa đê hiện tại và giới hạn hành lang thoát lũ.

Sông Hồng mùa lũ năm 1930 - Quảng An và Nghi Tàm trở thành đảo nổi giữa mênh mông nước

Sông Hồng mùa lũ năm 1930 - Quảng An và Nghi Tàm trở thành đảo nổi giữa mênh mông nước

Hà Nội đã từng đưa ra một bản quy hoạch với hàng loạt dự án dân cư, chính xác hơn là các dự án bất động sản thể hiện bởi sự xuất hiện dày đặc các công trình dân sinh và nhà ở, đặc biệt là nhà cao tầng đã gây nghi ngại cho người dân lẫn các chuyên gia. Dẫu biết việc trị thủy sông Hồng đã nằm trong tầm tay nhưng không ai dám nói trước được những biến cố bất ngờ của tự nhiên.

Phải làm chủ dự án

Việc tận dụng đất ven sông Hồng để bổ sung một lượng đất đô thị cho Hà Nội là một chiến lược đúng. Tuy nhiên, điều mà chúng ta bàn cãi là sẽ làm gì với quỹ đất phát sinh quý giá đó. Và hẳn nhiên, với suy nghĩ thông thường thì đất quý phải dành cho việc xây dựng nhà (ở). Trong khi đó, vấn đề nhà ở Hà Nội hiện nay, tuy vẫn tồn tại nhưng không còn là quan trọng nếu so với một loạt các vấn đề không gian đô thị khác mà Hà Nội đang đối mặt như thiếu không gian mở, không gian cây xanh tự nhiên trong đô thị mà do lịch sử để lại, tương đối hạn hẹp về diện tích, mờ nhạt về vai trò trong đời sống không gian đô thị Hà Nội.

Rõ ràng, đất để xây nhà thì Hà Nội không thiếu, nhưng đất để giúp Hà Nội trở thành một thành phố thực sự là “xanh - sạch - đẹp” thì lại đang thiếu. Với những đặc tính của quỹ đất ven sông nên chăng Thành phố Sông Hồng được quy hoạch theo thứ tự: Thứ nhất là mật độ nên thấp, thứ hai là ưu tiên nhiều công viên cây xanh, thứ ba sắp xếp lại nhà cửa để tăng diện tích tự do lên.

Cụ thể, các khu ở thấp tầng kiểu nhà vườn mà ở đó hẳn nhiên tỷ lệ vườn nhiều hơn tỷ lệ nhà và việc hạn chế số tầng cao sẽ giúp cho thành phố hiện hữu kết nối với dòng sông dễ dàng hơn.

Các công viên nông nghiệp vừa kết hợp giữa tính chất giải trí, nghỉ ngơi của công viên vừa giúp tăng màu xanh và tăng thu nhập của người dân thông qua việc trồng trọt các loại cây xanh nông nghiệp, tận dụng độ màu mỡ của đất đai, đồng thời cung ứng tại chỗ các nguồn nông sản sạch.

Các không gian mở xanh dành cho các hoạt động ngoài trời, picnic, dã ngoại kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ tiện ích nhằm giúp người dân có thể “đổi gió” cuộc sống của mình ngay trong lòng thành phố. Các khu vực dịch vụ giải trí gắn liền với cây xanh và mặt nước ven sông, tạo nên đặc trưng riêng cho thành phố trong phát triển du lịch cũng như làm nổi bật hơn vai trò của sông Hồng...

Như vậy, thay vì để Thành phố Sông Hồng có thể gây ra những nguy cơ mới cho Hà Nội thì hãy để dự án này cung cấp cho thành phố những cơ hội phát triển thông qua việc đa dạng hóa công năng đô thị, bổ sung những chức năng “phi công trình” thay vì cách làm đơn thuần là “nhà ở hóa” hay “công trình hóa” các quỹ đất tiềm năng như thường thấy.

Một điều nữa nói có thể hơi sớm nhưng rất cần thiết là trong mọi trường hợp, chúng ta phải là người chủ động, điều hành dự án. Ở Hà Nội hiện có dự án khu đô thị Ciputra Nam Thăng Long hàng trăm ha đã cho nước ngoài thuê đất, Nhà nước rất khó có thể can thiệp. Ở dự án này, chưa thấy doanh nghiệp nào muốn làm chủ đầu tư toàn dự án nhưng nếu có cũng không nên chấp thuận. Đối mặt với những dự án quan trọng như vậy chúng ta phải là người làm chủ.

Và vấn đề lớn này cần phải đưa ra trưng cầu nhân dân, phải công khai minh bạch và cần đánh giá tại các hội đồng khoa học lớn gồm các chuyên gia quy hoạch đô thị, môi trường…

TS. Trần Minh Tùng - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top