Aa

Quy hoạch treo gây thiệt hại cho người dân, ai chịu trách nhiệm?

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Năm, 22/06/2023 - 09:55

Nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu rõ thực trạng quy hoạch, nhưng không có kế hoạch sử dụng đất hoặc có kế hoạch nhưng “treo” nhiều năm, gây thiệt hại cho người dân.

Vướng quy hoạch, quyền của người dân bị hạn chế

Tình trạng quy hoạch treo diễn ra khá phổ biến trong những năm qua đã gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của từng địa phương mà còn gây bức xúc trong dư luận xã hội, do có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của rất nhiều người dân.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 21/6 tại Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) chỉ rõ, nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 9 Điều 60 có nêu "các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời, quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch cấp thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp với quy hoạch cao hơn". Việc quy định các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời để các cấp quy hoạch có sự chủ động hơn trong việc thực hiện quy hoạch của cấp mình, tuy nhiên để hoàn chỉnh quy hoạch thì cấp dưới cũng phải chờ quy hoạch của cấp trên đã được phê duyệt. Cho dù quy hoạch của cấp dưới có được chủ động thực hiện trước thì cũng khó có thể thẩm định được phê duyệt trước, nếu chưa có quy hoạch của cấp trên, do vậy nguyên tắc này có thể gây khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.

“Tôi thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa đổi khoản 9 theo hướng các quy hoạch sử dụng đất có thể được thành lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cao hơn phải được phê duyệt quyết định trước quy hoạch cấp thấp hơn và cần quy định rõ, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành quy hoạch, các cấp quy hoạch, tránh tình trạng vướng mắc cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên kéo dài trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức và cá nhân”, ông Phương nêu quan điểm.

đại biểu quốc hội huỳnh thanh phương
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh). Ảnh: quochoi.vn

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định tại Điều 76, đại biểu Huỳnh Thanh Phương chỉ rõ: "Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 thì trường hợp đất đã được quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng thì không hạn chế quyền của người sử dụng đất. Trường hợp đất quy hoạch đã có kế hoạch sử dụng đất thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thu hồi đất, sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định, như là không được xây dựng nhà mới, công trình, cây lâu năm, nếu có nhu cầu cải tạo, sửa chữa công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều dự án quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.

Quy định trong dự thảo cho rằng, nếu đã có quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất thì không hạn chế quyền của người dân. Nhưng thực tế, nếu vướng quy hoạch nhà đất thì trong trường hợp được phép chuyển nhượng cũng hạn chế về giá, khó giao dịch, không cho phép xây dựng, sửa chữa, gây thiệt hại cho người dân, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, người dân rất bức xúc.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 5 điều này thì sau 3 năm liên tục được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải xem xét, đánh giá để tiếp tục thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo hoặc hủy bỏ. Nếu căn cứ hủy bỏ thì quyền của người sử dụng đất có thể bị ảnh hưởng ít, nhưng trường hợp nếu tiếp tục đưa vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo trong thực tế vẫn không thực hiện được thì không biết khi nào mới dừng quy hoạch, việc kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất trong vùng được quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Do vậy, tôi đề nghị làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong trường hợp đất đã được quy hoạch, đã có kế hoạch sử dụng đất và làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thực hiện, gây thiệt hại cho người sử dụng đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai”.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) thì cho rằng, quy hoạch sử dụng đất là một nội dung đặc biệt quan trọng được quy định xuyên suốt trong Luật Đất đai, do vậy đề nghị đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện thời gian qua để có điều chỉnh phù hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, sử dụng đất có hiệu quả.

“Quy hoạch sử dụng đất được phân thành 3 cấp, cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, để thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan Trung ương và chủ động trong tổ chức thực hiện của địa phương, tôi đề nghị mỗi cấp quy hoạch cấp quốc gia và cấp tỉnh quy định giới hạn một số nhóm đất chính, cần thiết để đảm bảo mục tiêu tầm quốc gia và cấp tỉnh, không quy định quá chi tiết về các loại đất, chỉ tiêu sử dụng cấp trên phân bổ cho cấp dưới, chỉ phân bổ theo các chỉ tiêu chi tiết, không khống chế chỉ tiêu tổng của từng loại đất như đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng, các chỉ tiêu sử dụng đất sẽ được thể hiện chi tiết ở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Vì trong thực tiễn, ngoài quy hoạch sử dụng đất còn có quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch 1/2.000, 1/5.000... 

Ngoài ra, cần có cơ chế linh hoạt trong việc đánh giá sự phù hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một khu đất có thể có nhiều mục đích sử dụng, nhiều loại đất mà chưa thể xác định rõ được trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ xác định chính xác khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng, làm rõ vị trí thứ bậc, mối liên hệ của các quy hoạch sử dụng đất với nhau và với quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch. Đề nghị làm rõ quy hoạch cấp trên là quy hoạch nào, khi thay đổi quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì có thay đổi quy hoạch tỉnh và ngược lại hay không, ai phê duyệt, tránh tạo điểm nghẽn gây khó khăn, chồng chéo trên thực tế”, đại biểu Gia phân tích.

đbqh trần đình gia
Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: quochoi.vn

Khắc phục bất cập chồng chéo quy hoạch

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) dẫn khoản 3 Điều 66 quy định đối với cấp quận, thành phố trực thuộc trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất, nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng tại địa phương... đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để khắc phục những bất cập khi thực hiện khoản 3 Điều 66 vì đang gặp một số vướng mắc về công tác tích hợp quy hoạch, quy hoạch sau chồng lên quy hoạch trước.

Chính vì chưa khớp nhau trong các lớp quy hoạch đã dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án không thể thực hiện được. Thực trạng này hiện nay đang diễn ra ở một số địa phương, các dự án kinh doanh bất động sản không được giao đất, cho thuê đất vì quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án mâu thuẫn với quy hoạch đô thị dẫn đến các dự án này gần như tê liệt.

đại biểu quốc hội đào chí nghĩa
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ). Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, nếu thay quy hoạch sử dụng đất bằng quy hoạch đô thị thì sẽ gặp những vướng mắc sau:

Thứ nhất, quy hoạch đô thị hiện nay chưa có tính kế thừa tốt như quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020, có những vị trí trên quy hoạch sử dụng đất là đất sản xuất kinh doanh nhưng khi qua quy hoạch đô thị là đất ở. Việc này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Thứ hai, những nơi đã được quy hoạch sử dụng đất trước đây là đất ở mà người dân đã sinh sống hàng chục năm nay quy hoạch đô thị, quy hoạch với mục đích sử dụng khác thì vô hình trung đã tước đi lợi ích hợp pháp của người dân trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở.

Thứ ba, hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm đem lại nhiều lợi ích cho người dân và rút ngắn thời gian về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế lại mất nhiều thời gian hơn do phát sinh các thủ tục liên quan đến bất cập trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. Ví dụ, người dân muốn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, trước đây chỉ cần nộp hồ sơ chuyển mục đích tại Phòng Tài nguyên và Môi trường và mất 14 ngày để hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nay ngoài việc nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường còn phải nộp hồ sơ qua Phòng Quản lý đô thị để xác nhận các yêu cầu cho việc chuyển mục đích sử dụng đất, mất thêm 14 ngày nữa cho thủ tục này, do đó tổng thời gian giải quyết sẽ tăng gấp đôi so với quy trình thủ tục trước đó.

Như vậy, người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn và thực hiện nhiều thủ tục hơn so với trước đây. Điều này đi ngược với yêu cầu tinh gọn thủ tục hành chính mà Chính phủ đang tập trung thực hiện.

Thứ tư, việc chưa đồng nhất trong việc sử dụng phần mềm giữa quy hoạch đô thị do Sở Xây dựng thực hiện và phần mềm quy hoạch sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, cách thức vận hành và sản phẩm đầu ra của 2 phần mềm này khác nhau dẫn đến việc chồng ghép các lớp quy hoạch lên nhau sẽ không trùng khớp. Ví dụ, thực hiện dự án tuyến đường qua đơn vị hành chính của cả quận và huyện thì quận sẽ do Sở Xây dựng cập nhật trên bản đồ đô thị, còn huyện thì do ngành tài nguyên môi trường cập nhật trên bản đồ sử dụng đất, nghĩa là cùng một dự án nhưng 2 đơn vị phải thực hiện theo dõi, cập nhật và quản lý bằng 2 phần mềm khác nhau nên chắc chắn việc thống nhất và đồng bộ trong công tác quản lý sẽ rất khó khăn.

Thứ năm, về ký hiệu các loại đất giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất hiện nay đang hoàn toàn khác nhau, dẫn đến việc khi Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND cấp tỉnh, thành trong việc chuyển mục đích sử dụng đất thì phải làm văn bản trao đổi với Sở Xây dựng vị trí đó sử dụng vào mục đích gì thì ngành tài nguyên môi trường mới thực hiện được nhiệm vụ. Đây là những bất cập nội tại, mất nhiều thời gian, gây lãng phí cho xã hội.

“Tôi đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và nên để quy hoạch sử dụng đất thực hiện đúng sứ mệnh của chính mình. Trong thực tế, trong những thời gian qua đối với công tác quy hoạch chung của từng địa phương, xác định quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền, quy hoạch cụ thể, mục đích sử dụng đất của từng khu chức năng, từng vị trí thửa đất, quy hoạch đô thị sẽ là lớp quy hoạch chồng lên quy hoạch nền, xác định ở từng vị trí cụ thể được xây dựng bao nhiêu tầng, khoảng lùi bao nhiêu, có tầng hầm hay không... và đó là nhiệm vụ của quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, còn đất sử dụng với mục đích gì là nhiệm vụ của quy hoạch sử dụng đất”, đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.

Cũng cho ý kiến về vấn đề quy hoạch, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) nêu điểm b khoản 2 Điều 63 dự thảo luật có quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định" và tại khoản 1 Điều 69 về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự thảo luật cũng quy định "Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì giúp Chính phủ trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia". Theo các quy định trên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và cho ý kiến đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Tuy nhiên, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã có trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, khi xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh thì căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành có sử dụng đất cấp quốc gia, liên tỉnh theo quy định tại Điều 65. Do vậy, đề nghị giảm bớt thủ tục hành chính và thực hiện chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương. Tôi đề nghị dự thảo luật không quy định nội dung phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, đề nghị sửa lại điểm b khoản 2 Điều 63 dự thảo như sau: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng đất cấp đỉnh".

đại biểu quốc hội trần thị hiền
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam). Ảnh: quochoi.vn

Về kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện (Điều 67), đại biểu Trần Thị Hiền đồng tình với một số ý kiến mà trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề cập, đó là không quy định việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện trong dự án luật. Vì thực chất kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện chỉ mang tính chất tập hợp, tổng hợp thông tin, ít có tính khả dụng, rất mất thời gian và gây lãng phí nguồn lực. Trong trường hợp luật vẫn quy định phải có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì tôi đề nghị cần đơn giản hóa các tiêu chí và nội dung của kế hoạch, không nên quá chi tiết, cụ thể, sẽ gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cả trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch.

“Hiện nay, việc lập kế hoạch sử dụng đất phải căn cứ vào danh mục thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đang là vấn đề gặp rất nhiều vướng mắc của các địa phương. Vì vậy, trong kế hoạch sử dụng đất, đề nghị chỉ cần quy định Hội đồng nhân dân thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi quyết định thu hồi đất là đủ”, đại biểu Hiền đề nghị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top