Aa

Cần mạnh dạn tăng cung tiền để giải quyết bài toán thanh khoản của nền kinh tế

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 27/03/2023 - 06:05

Theo TS. Vũ Đình Ánh, thanh khoản nền kinh tế bị “mắc kẹt” đang là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Và để giải quyết vấn đề này, không còn cách nào khác là phải tăng cung tiền.

Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ những khó khăn rõ rệt nhưng kết quả chỉ thực sự phản ứng mạnh mẽ khi bước sang năm 2023. Vì vậy, nhiều dự đoán cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ sụt giảm. 

Vậy đâu là vấn đề quan tâm hàng đầu cần tháo gỡ cho nền kinh tế trong năm 2023? Giải pháp nào để nền kinh tế Việt Nam hạn chế bộc lộ những khó khăn đó? Đối với thị trường bất động sản, khả năng phục hồi và phát triển sẽ như thế nào?

Để trả lời những câu hỏi này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh. 

PV: Lãi suất điều hành đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, điều này có khả năng duy trì đến hết năm 2023 hay không, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng, lãi suất thời gian tới không có lý do gì để tăng. Tại sao lại khẳng định như vậy thì chúng ta cần phải quay lại câu chuyện hồi tháng 9 - 10/2022, thời điểm mà lãi suất điều hành tăng "chóng mặt". 

Thời điểm đó, có 3 lý do khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng lãi suất điều hành. 

Một là nhằm giảm áp lực tăng tỷ giá USD và nguy cơ tiền VNĐ bị mất giá quá mạnh. Tỷ giá bản chất phản ánh sức mua tương đương của các đồng tiền (hiện tại hay kỳ vọng) và khi sức mua thay đổi do các yếu tố khác nhau dẫn tới thay đổi về tỷ giá. 

Ở thời điểm đó, đồng USD đã tăng giá rất mạnh do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất với cường độ cao (6 lần kể từ tháng 3 - 9/2022). Vì vậy, Việt Nam buộc phải điều chỉnh giá trị đồng tiền, cụ thể là tăng lãi suất để giúp USD không “chảy ra” nước ngoài, đảm bảo nguồn cung về ngoại tệ.

Hai là, lãi suất điều hành tăng một phần là để hạn chế câu chuyện cho vay. Thời điểm nửa cuối năm 2022, người dân, doanh nghiệp liên tục đòi tăng room tín dụng lên 14 - 15%. Vì vậy, NHNN buộc phải tăng lãi suất để đảm bảo room tín dụng cân đối.

Ba là lo sợ lạm phát. Năm 2022, lạm phát nhiều nước trên thế giới đã đạt đỉnh, để tránh tình trạng này xảy ra với Việt Nam, giải pháp tốt nhất là tăng lãi suất. 

Như vậy, rất rõ ràng là thời điểm tháng 9 - 10/2022 có những lý do thuyết phục để tăng lãi suất điều hành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tất cả những yếu tố này đã dần biến mất, vì vậy lãi suất điều hành không có lý do gì để tăng, ngược lại sẽ có chiều hướng giảm. 

Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ những khó khăn rõ rệt nhưng kết quả chỉ thực sự phản ứng mạnh mẽ
khi bước sang năm 2023. (Ảnh: Hoàng Triều)

PV: Như ông chia sẻ, lãi suất điều hành sẽ giảm do tỷ giá, lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại. Vậy vấn đề đáng lo ngại nhất đối với nền kinh tế hiện nay là gì, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là thanh khoản của nền kinh tế. Tôi biết khá nhiều doanh nghiệp hiện không còn tiền, thậm chí kể cả tiền để thanh toán lương cho công nhân cũng đã cạn. 

Tuy nhiên, phải hiểu rõ, doanh nghiệp thiếu tiền không phải do thiếu room tín dụng mà là do tổng phương tiện thanh toán hay còn gọi là cung tiền M2 (gồm tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng cùng các khoản tiền trong hệ thống ngân hàng) trong năm 2022 tăng trưởng quá thấp, chỉ đạt 6 - 7% so với mức bình quân 14%/năm cho giai đoạn 2012 - 2021.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2022 do Tổng cục Thống kê công bố, tổng phương tiện thanh toán tính đến thời điểm 21/12/2022 tăng 3,85% so với cuối năm 2021. Song con số trên thấp hơn nhiều mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2021 là 8,31%. 

Trước đó, trong quý III/2022, tốc độ tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán còn đi lùi từ mức 3,3% thời điểm 20/6/2022 xuống còn 2,49% ở thời điểm 20/9/2022 so với cuối năm 2021. 

Chính việc thiếu hụt nguồn cung tiền trong khi nhu cầu vốn rất lớn đã khiến các ngân hàng thương mại thắt chặt việc cho vay. Cộng thêm chính sách thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát càng khiến lãi suất tăng cao. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến các thị trường tài sản, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản.

Vì vậy, tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt cần quan tâm hiện nay là cung tiền - tổng phương tiện thanh toán. Còn việc đòi hỏi phải tăng room tín dụng của nhiều người là đang không hiểu bản chất vấn đề và trên thực tế, tín dụng dành cho bất động sản hay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác cũng đang rất nhiều, không hề thiếu.

PV: Vậy theo ông, để giải quyết bài toán thanh khoản cho nền kinh tế, giải pháp cần làm hiện nay là gì? 

TS. Vũ Đình Ánh: Không có cách nào khác là Việt Nam phải mạnh dạn tăng cung tiền tệ để giải quyết bài toán khó khăn về thanh khoản cho nền kinh tế. 

Mà bản chất của việc tăng cung tiền là tăng dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần phải mua vào trái phiếu Chính phủ và cho vay các ngân hàng thương mại, thế chấp bằng hồ sơ tín dụng. Chính phủ có cũng thể bán bớt ngoại tệ trong một chừng mực nào đó để trung hoà tiền tệ. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng các công cụ tài chính là những giấy tờ có giá trị. 

Nếu tăng cung tiền đủ để đáp ứng được sự tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì quá lớn trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế.

PV: Vấn đề khó khăn nhất của nền kinh tế là thanh khoản. Vậy với riêng thị trường bất động sản, phải chăng thanh khoản cũng đang là vấn đề cần tháo gỡ hàng đầu hiện nay?

TS. Vũ Đình Ánh: Trạng thái căng thẳng nhất của thị trường bất động sản là không có dòng tiền. Khi không có dòng tiền, thanh khoản thị trường sẽ bị “mắt kẹt”. Vì vậy, cũng có thể nói, vấn đề thanh khoản đang là vấn đề cần tháo gỡ đầu tiên cho thị trường bất động sản. 

Như tôi đã chia sẻ, cái gốc của việc không có dòng tiền là do cung tiền tệ thấp. Có thể hình dung, tăng trưởng kinh tế là 10% nhưng tăng trưởng dòng tiền của mình chỉ có 6% thì 4% còn thiếu lấy gì để thanh toán. Vì vậy thị trường đang rất cần tiền, cả tiền gửi trong hệ thống ngân hàng và tiền mặt ngoài hệ thống để kéo thanh khoản bất động sản cũng như toàn bộ nền kinh tế đi lên.

PV: Ông dự đoán như thế nào về khả năng hồi phục và khởi sắc của thị trường bất động sản trong năm 2023?

TS. Vũ Đình Ánh: Thị trường bất động sản có khởi sắc hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là phụ thuộc vào chính bản thân các doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể là họ có chịu tái cấu trúc hay không và nếu tái cấu trúc thì tái cấu trúc như thế nào. Bởi câu chuyện tái cấu trúc của các doanh nghiệp bất động sản không hẳn là chuyển từ phát triển bất động sản trung - cao cấp sang phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. 

Tôi cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp ở đây là phải chấp nhận “chịu đau” để giảm giá bán một cách đích thực và phải chịu buông những dự án không trọng tâm, không đủ sức, không nên ôm cùng lúc nhiều dự án. Nếu trước đây doanh nghiệp làm cùng lúc 10 dự án thì bây giờ nên dừng lại hoặc bán bớt những dự án chưa đem về dòng tiền ngay mà chỉ tập trung phát triển 3 - 4 dự án có khả năng thu hồi và quay vòng vốn.

Bên cạnh yếu tố tự điều chỉnh của các doanh nghiệp, khả năng hồi phục của thị trường bất động sản còn phụ thuộc vào các chính sách điều hành của Nhà nước.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 33/NQ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường, hướng thị trường hồi phục và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. 

Tuy nhiên, với Nghị định 08 chỉ nên xem là giải pháp tình thế của thị trường, vì về lâu dài thì nhiều quy định tại Nghị định chưa thật sự phù hợp và mang tính bền vững. 

Ví dụ như quy định cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu đến hạn tối đa 2 năm; cho phép thanh toán trái phiếu bằng bất động sản. Những quy định này có thể gỡ khó cho doanh nghiệp thời điểm hiện tại khi có thêm thời gian để xử lý những khoản nợ đến hạn. Song nếu “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp xử lý nợ, nhưng lại không có những hướng dẫn cụ thể cho những bước đi tiếp theo sẽ dễ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. 

Cụ thể, nếu quy định không chặt chẽ, sẽ có những doanh nghiệp sử dụng bất động sản có giá trị lớn hơn khoản nợ để thanh toán. Như vậy, trái chủ còn phải đưa thêm tiền cho doanh nghiệp phát hành. Hay việc định giá bất động sản như thế nào, yếu tố pháp lý ra sao khi thực hiện thanh toán trái phiếu bằng bất động sản cũng cần được thực hiện rõ ràng. 

Cũng sẽ có trường hợp, những nhà phát hành dù có tiền để trả nợ trái phiếu nhưng sau khi Nghị định 08 được ban hành, họ sẽ giãn hoãn nợ và chưa trả ngay. Bởi vì trả nợ xong thì mất công họ lại phải phát hành để tìm kiếm dòng tiền mới.  

Với Nghị quyết 33, tôi cho rằng, vẫn cần thời gian để Nghị quyết được đi vào thực tế thông qua những hàng động cụ thể và có hiệu quả thì mới có thể đánh giá được những tác động mà nó đem lại. 

Ngoài ra như tôi đã chia sẻ, việc thiếu hụt dòng tiền vẫn đang là khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản. Giải pháp để giải quyết thực tế là cần nhanh chóng tăng cung tiền. 

Khi có sự tác động từ nhiều phía bao gồm việc doanh nghiệp tự điều chỉnh, những động thái hỗ trợ quyết liệt đúng và trúng từ phía Nhà nước thì thị trường bất động sản mới có khả năng hồi phục và lấy lại phong độ phát triển.

 PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

03/27/2023 06:05
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top