Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng đến sự công bằng cho các chủ thể tham gia kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những sự điều chỉnh kịp thời trong các chủ trương, chính sách về thuế. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp bị kiểm tra, thanh tra, điều tra về hoạt động kinh doanh trốn thuế. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về thuế đang xảy ra theo chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, đặc biệt phổ biến nằm ở lĩnh vực bất động sản với giá trị rất lớn, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, làm lũng đoạn, thiếu minh bạch cho thị trường bất động sản.
Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều dấu hiệu trốn thuế, không kê khai hoặc giao dịch ghi giá chuyển nhượng tại hợp đồng thường thấp hơn nhiều so với giá thực tế mà các bên thỏa thuận nhằm giảm số tiền phải đóng thuế.
Mới đây, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra một số đối tượng có hành vi khai báo sai giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có dấu hiệu phạm tội "trốn thuế", quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Theo tìm hiểu của PV, việc chuyển nhượng, giao dịch đất đai bằng các hợp đồng "hai giá" nhằm giảm hoặc trốn tránh nghĩa vụ thuế giữa các bên xảy ra khá phổ biến. Điều này không chỉ gây thất thu nguồn thuế lớn đối với Nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý đối với người dân trong trường hợp được xem là hành vi trốn thuế, khi hợp đồng bị tòa án tuyên vô hiệu trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Việc ghi giá trị trong hợp đồng thấp hơn giá trị thực cũng gây khó cho cơ quan chức năng trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu giá đất, vì giá đất thực tế không được ghi nhận trên các hợp đồng giao dịch về đất đai. Từ đó, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi giải phóng mặt bằng. Khi đó, người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là người dân.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, hiện tượng trốn thuế là hiện tượng vi phạm pháp luật; thứ hai, hiện tượng này gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước; thứ ba, tạo sự mất công bằng, mất bình đẳng trong kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh.
Đối với lĩnh vực bất động sản, hiện tượng này xảy ra nhiều trước hết do giá trị bất động sản thường rất lớn cho nên các cá nhân thường tìm mọi cách, sử dụng mọi chiêu trò để có thể trốn thuế.
"Giá tính thuế đối với bất động sản, Nhà nước đã xây dựng bảng giá, giá đất cụ thể, thế nhưng những giá trị đó lại thấp hơn giá thị trường - đây là một kẽ hở rất quan trọng. Trong Nghị quyết 18-NQ/TW đã đưa ra nội dung bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch với kỳ vọng giúp minh bạch thị trường và hạn chế thất thu thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, giải pháp này vẫn còn nhiều lo ngại việc thao túng thị trường và tiếp tay cho hành vi trốn thuế. Theo tôi, cần có chế tài xử phạt thật nặng, bên cạnh về xử phạt hình sự cần mạnh tay hơn trong xử phạt kinh tế". - PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật Bắc Nam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng "trốn thuế" là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm thì sẽ bị xử lý tương ứng. Nếu tổ chức, cá nhân nào trốn thuế với số tiền nhỏ hơn 100 triệu đồng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc số tiền trốn thuế nhỏ hơn 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hoặc đã bị kết án về hành vi này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 200 BLHS 2015.
Cá nhân phạm tội trốn thuế có thể bị phạt tiền mức cao nhất lên đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, có thể bị tịch thu tài sản và phải khắc phục hậu quả thiệt hại thuế cho Nhà nước.
Pháp nhân thương mại trốn thuế thì ngoài mức phạt tiền cao nhất lên đến 10 tỷ đồng thì còn phải khắc phục thiệt hại cho Nhà nước và có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn./.