Aa

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Cần cải cách hệ thống thuế bất động sản

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Năm, 17/11/2022 - 06:26

"Phải kiên quyết cải cách thuế bất động sản để tạo công bằng và bình đẳng trong phát triển kinh tế - bất động sản. Chỉ có như vậy, đất nước mới có đủ kinh phí để phát triển đô thị theo hướng bền vững", ông Võ nói.

Sự lạc hậu của hệ thống thuế về bất động sản và 7 hệ lụy xấu

Phát biểu tại chuyên đề: Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 diễn ra chiều 16/11, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu rõ một thực trạng đáng buồn cho sự phát triển chung của nền kinh tế: “Thuế đối với đất đai và tài sản đầu tư trên đất của Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu, điều này thể hiện rõ nét ngay khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa cần ở đâu xa”. 

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho hay, hiện nay thuế tài sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,034% GDP. Trong khi đó thuế này của Indonesia chiếm 0,42%, của Thái Lan chiếm 0,25% và của Philippines chiếm 0,84%. 

So với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển OECD (Organization for Economic Cooperation and Development), thuế tài sản của nhóm các nước G7 đều đạt từ 1 - 4% GDP, của các nhóm các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ cũng đạt từ 0,2 - 1%, trung bình toàn khối OECD đạt 1,856%. 

Tại tất cả các nước, trong đó có cả Việt Nam, thuế này đều thu cho ngân sách địa phương. Tại các nước G7, Anh là quốc gia có mức đóng góp thuế cho ngân sách địa phương ở mức cao nhất (90%) và Đức là quốc gia thấp nhất (40%). 

"Như vậy, thuế tài sản tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% của nhóm các nước phát triển trung bình thuộc Hiệp hội ASEAN, chỉ bằng khoảng 1,6% mức trung bình của nhóm các nước OECD, và chỉ bằng khoảng 1% của các nước thuộc nhóm G7. Hiệu quả của một hệ thống thu trong đó có thuế tài sản thấp sẽ cho thấy các hệ lụy xấu", GS. TSKH. Đặng Hùng Võ đưa ra nhận định.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cụ thể, GS.TSKH.  Đặng Hùng Võ đã chỉ ra 7 hệ lụy xấu có thể xảy ra nếu không có những cải cách thiết thực đối với hệ thống thuế bất động sản trong tương lai. 

Thứ nhất, mọi người dân sẽ đều muốn trữ tiền tiết kiệm vào bất động sản thay vì đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, hiệu suất sử dụng đất rất thấp. Thực trạng các khu đô thị "ma" vắng bóng người ở, các dự án "treo" có đất rồi nhưng không triển khai dự án hoặc triển khai chậm trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất.

Thứ ba, chất lượng cuộc sống đô thị sẽ suy giảm nhanh chóng. Lý do là bởi "làn sóng" di cư về các thành phố lớn ngày càng mạnh mẽ, trong khi tốc độ đầu tư hạ tầng không thể theo kịp tốc độ gia tăng dân số.

Thứ tư, không đủ kinh phí Nhà nước để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng tại đô thị vì không có nguồn thu thường xuyên cho mục đích này.

Thứ năm, tình trạng đầu cơ đất đai tăng lên vừa làm giá bất động sản tăng cao, vừa làm nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thấp, vừa gây khó khăn cho giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp.

Thứ sáu, thị trường bất động sản không ổn định, khi “sốt nóng” quá nhanh nhưng rơi vào trạng thái “đóng băng” cũng nhanh. Thực tế cho thấy thị trường bất động sản nước ta đóng băng trong giai đoạn 2003 - 2006, sốt giá mạnh trong giai đoạn 2007 - 2008, rồi lại rơi vào đóng băng trong giai đoạn 2009 - 2013, phục hồi và phát triển trong giai đoạn 2014 - 2018, giảm sâu cung từ 2018, sốt giá từ 2020 và lại đang đứng yên từ 2022 do gần như không có cung. Hiện nay, dự án treo rất nhiều, dự án nằm chờ phê duyệt cũng nhiều nhưng không thể phê duyệt.

Thứ bảy, chất lượng đô thị hóa thấp, không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn chúng ta cần phải đẩy mạnh chất lượng quá trình đô thị hóa, cần nhiều kinh phí hơn để thực hiện việc xây dựng đô thị theo triết lý “phát triển xanh” và “phát triển thông minh”.

Cải cách hệ thống thuế về bất động sản cần được kiên quyết thực hiện để tạo công bằng và bình đẳng trong phát triển kinh tế địa ốc.

Cải cách thuế bất động sản: Vấn đề nhạy cảm nhưng cần kiên quyết thực hiện

Tại Việt Nam hiện nay, mới chỉ có thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có tỷ suất thuế rất thấp chứ chưa đánh thuế vào tài sản gắn liền với đất.

Lật lại quá khứ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã sớm xác định phải đổi mới sắc thuế về sử dụng đất và tài sản gắn liền theo hướng đánh thuế cao vào những trường hợp đầu cơ, tích trữ bất động sản, để hoang hóa, không đưa vào sử dụng. Những điều này đều được thể hiện trong Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012 và Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022. 

Bên cạnh đó, kể từ 2008 đến nay, Bộ Tài chính có ít nhất 5 lần lấy ý kiến về các phương hướng xây dựng Luật Thuế tài sản liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Vậy nhưng những hành động này vẫn chưa thực sự đem lại kết quả khả quan. “Lần lấy ý kiến nào cũng chỉ gây ồn ã trên công luận, rồi sau đó lại rơi vào im lặng”, ông Võ cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, sự ì ạch trong công tác cải cách về thuế bất động sản là có thể cảm thông. Lý do là bởi đặc thù phát triển của nước ta có một khác biệt to lớn so với các nước khác, đó là vấn đề thu nhập của người lao động còn chưa cao. GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, đây chính là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. 

“Thu nhập của người lao động tại Việt Nam hiện nay đa phần còn quá thấp, đồng lương kiếm được gần như không có đủ phần để dành dụm ra mua chỗ ở. Chính vì vậy, mọi cải cách về thuế bất động sản đều là những vấn đề rất nhạy cảm nếu đứng từ phía nhân dân, nếu như đề án luật thuế này không làm rõ việc không tăng thuế đối với đối tượng nào và tăng thuế đối với đối tượng nào”, ông Võ đưa ra nhận định. 

Nhạy cảm như vậy nhưng nếu nhìn trên phương diện toàn cảnh thì ông Võ cho rằng, việc cải cách thuế bất động sản chính là việc ưu tiên thực hiện. “Phải làm một cách kiên quyết để tạo công bằng và bình đẳng trong phát triển kinh tế bất động sản. Chỉ có như vậy, đất nước mới có đủ “tầm” kinh phí để phát triển đô thị theo hướng bền vững”, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ khẳng định. 

Toàn cảnh phiên Hội thảo chuyên đề 3: “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị". (Ảnh: Hà Trang).

Trên thực tế, từ văn bản Luật Thuế bất động sản tới bước triển khai thực hiện còn một khoảng cách khá xa. Tại phiên hội thảo, ông Đặng Hùng Võ đã nêu ra một số hướng đi có thể giúp thực hiện được sắc thuế bất động sản. 

Theo đó, cần phải có một hệ thống hành chính bất động sản và hành chính thuế phù hợp, bảo đảm minh bạch, được cập nhật và được kết nối với nhau. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự hoặc Luật Phòng chống tham nhũng cũng cần có quy định chi tiết về trách nhiệm giải trình nguồn gốc đồng tiền mua các bất động sản đang sử dụng.

Thông qua Hội thảo chuyên đề 3: “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị” lần này, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ cũng bày tỏ kỳ vọng các nội dung được đưa ra trao đổi, thảo luận sẽ hỗ trợ thiết thực cho các địa phương và góp phần định hướng, đề xuất các chương trình hành động để cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP. Đặc biệt, các cơ chế chính sách mang tính đột phá sẽ tạo “đòn bẩy” để phát triển đô thị bền vững và các yêu cầu đổi mới sẽ tạo cơ chế chính sách để phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo ở từng địa phương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top