Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều của dự thảo Luật Đất đai đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. Dự thảo Luật sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất.
Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.
Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.
Đồng thời, tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai. Quy định Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Vương Đình Huệ lưu ý, Nghị quyết 18 quy định phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, nhưng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không quy định rõ phương pháp xác định giá đất.
“Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá đất; nội dung, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất. Trong khi Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai và trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất. Do đó trong Luật này phải quy định về nguyên tắc xác định giá đất cũng như phương pháp xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến. Bên cạnh vấn đề tường minh, trí tuệ của toàn dân, của Quốc hội, của cả xã hội chắc chắn sẽ đóng góp tốn hơn”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Nêu thí dụ với Nghị quyết phát triển TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thành phố kiên trì đề xuất vẫn thí điểm phương pháp hệ số K, bởi phương pháp này minh bạch và dễ làm; sẽ giải quyết được vấn đề giá đất giáp ranh.
“Nếu không quy định rõ phương pháp xác định giá đất trong Luật, làm sao Quốc hội an tâm để thông qua dự án Luật này. Quan điểm của chúng tôi là Chính phủ trình vấn đề này ra, đưa vào một chương hay một vài điều trong Luật, trong đó quy định về nguyên tắc, quy định về phương pháp xác định giá đất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm về nội dung này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, cần cân nhắc đối với quy định về xây dựng bảng giá đất hàng năm, chính quyền địa phương sẽ cập nhật kịp thời các biến động ở những khu vực có biến động, còn ở những khu vực không có biến động thì không cần phải lập bảng giá đất này. Nếu như chính quyền địa phương ban hành chậm sẽ ảnh hưởng đến người dân khi người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục có liên quan đến cái bảng giá đất.
Đại biểu Tuyết đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cấp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vào trong dự thảo luật càng sớm càng tốt. Theo đó, Nhà nước cũng phải dành kinh phí cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Dương Ngọc Hải bày tỏ ủng hộ phương án là phải có bảng giá đất, vì bảng giá đất là cơ sở để tính tiền sử dụng đất, tính thuế, cơ sở cho việc bồi thường, giải tỏa, thu hồi đất và thậm chí là cơ sở cho việc đấu giá. Tuy nhiên, việc tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm thì tốn rất nhiều thời gian, công sức, vì Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan hàng năm phải lo việc xây dựng bảng giá đất, năm nào cũng trình Hội đồng nhân dân...
“Như vậy không cần thiết lắm, và đề xuất bảng giá đất nên kéo dài cái thời gian trong 2-3 năm là hợp lý”, ông Hải đề xuất.
Để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, đại biểu Dương Ngọc Hải đề xuất điều chỉnh liên tục bằng một hệ số. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần phải cập nhật liên tục, điều chỉnh công khai cho nhân dân nắm được.
Liên quan tới nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu trong báo cáo thẩm tra: Quy định như dự thảo Luật về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” là chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, đất đai là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước khi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quá lớn, dẫn đến giảm sự cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, không tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; trong khi đó, cần xác định khi thu hồi đất thực hiện các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì lợi ích đem lại là cho toàn dân.
Việc duy trì một mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Với cách tiếp cận như vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu chỉnh sửa để có quy định bảo đảm tính khả thi, bổ sung nguyên tắc định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW và rà soát, chỉnh sửa các quy định có liên quan bảo đảm nguyên tắc này; làm rõ “giá đất” hay “giá quyền sử dụng đất”; mối quan hệ giữa “giá đất” và “bảng giá đất”.
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung những nội dung cốt lõi của các phương pháp định giá đất để quy định tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Một số ý kiến khác đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể các phương pháp định giá đất ngay trong dự thảo Luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong định giá đất. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 5 Điều 158 về “cơ quan quyết định giá đất theo kết quả xác định giá đất có lợi nhất cho ngân sách nhà nước” vì tại thời điểm quyết định giá đất khó tính toán được chính xác giá đất nào đem lại lợi ích tổng thể, toàn diện cho ngân sách nhà nước, bởi nguồn thu ngân sách không chỉ bao gồm nguồn thu trực tiếp từ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất mà còn nguồn thu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đất và các lợi ích kinh tế - xã hội khác.
Đề nghị bổ sung quy định tại dự thảo Luật về trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất; chuyển nội dung “Chính phủ quy định chi tiết việc xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể” gắn với Điều 159 về bảng giá đất và Điều 160 về giá đất cụ thể.
Về bảng giá đất, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường. Đề nghị nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 01/01/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng Bảng giá đất hằng năm, nhất là đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, không có nhiều dữ liệu để xây dựng bảng giá đất. Đồng thời, lưu ý quy trình điều chỉnh, sửa đổi cần quy định phù hợp để bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu quy định rõ về nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể và cách xác định “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”; nghiên cứu bổ sung quy định về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất” đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, trong mỗi năm áp dụng bảng giá và hệ số điều chỉnh, đối với các khu vực có biến động 20% trở lên thì điều chỉnh hệ số điều chỉnh.
Đề nghị xem xét thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể theo hướng nâng cao tính chuyên môn và bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất, bảo đảm thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW. Quy định tách bạch về thẩm quyền quyết định; làm rõ căn cứ, tiêu chí và trách nhiệm của 02 Hội đồng này; quan hệ giữa thẩm quyền của 02 Hội đồng này với thẩm quyền quyết định giá đất của Ủy ban nhân dân và tổ chức tư vấn, định giá đất. Bổ sung, làm rõ việc tham gia của các chuyên gia thẩm định độc lập vào thành phần của 02 Hội đồng nêu trên; cách xử lý trong trường hợp không mời được chuyên gia độc lập./.