Tại đây, thông qua bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, đoàn đã tìm hiểu về tiền năng, cơ hội và thách thức của thị trường BĐS thành phố.
Ông Nguyễn Trần Nam đã giới thiệu chung về tình hình thị trường BĐS trong 3 năm gần đây đang chuyển biến tích cực và có bước phát triển mạnh mẽ trở lại ở tất cả mọi khía cạnh và có tính bền vững hơn. Từ việc thị trường BĐS "đóng băng" rồi "tan băng" đã giúp cho các nhà đầu tư, môi giới và nhà quản lý rút ra được nhiều bài học bổ ích từ chủ trương đầu tư, phân khúc thị trường, nguồn vốn kêu gọi và người dân cũng biết rõ hơn đâu là nhà đầu tư tiềm năng và đâu là doanh nghiệp yếu năng lực để có hướng lựa chọn khôn ngoan hơn, hợp tác tốt.
Ông Nam cũng thông báo rằng, từ năm 2014 đến nay, giao dịch BĐS diễn ra nhiều hơn so với thời điểm trước đó, khiếu kiện gần như không có, lợi ích người tiêu dùng được đảm bảo hơn, cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực lớn, tập trung vốn để vượt qua thách thức và quan tâm nhiều hơn đến bộ máy vận hành. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra nhiều chủ trương, chính sách để thị trường BĐS "tan băng", ấm dần lên.
Từ việc các sản phẩm không bán được, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ngân hàng khó thu hồi vốn… thì hiện tại, mỗi năm cả nước có vài chục ngàn thậm chí cả trăm ngàn sản phẩm BĐS đã được giao dịch, giá trị mỗi sản phẩm cũng tăng cao.
“Tiến độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng tăng đã kéo dòng chảy lao động đổ về các khu đô thị lớn ngày càng nhiều và đây chính là nhu cầu thực tế rất lớn mà nhà đầu tư, chính quyền phải nhanh chóng nghĩ đến và tìm cách giải quyết. Hiện thị trường tiêu thụ mạnh đã khiến các quốc gia lân cận phải ao ước và phân khúc nhà ở có giá thành mỗi sản phẩm dao động dưới 2 tỉ đồng đang rất được khách hàng ưa chuộng”, ông Nguyễn Trần Nam nói.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Nam mạnh dạn góp ý rằng chính quyền nên để cho nhà đầu tư toàn quyền quyết định diện tích căn hộ trong dự án của mình để phù hợp nhu cầu và túi tiền của khách hàng nhưng không làm vỡ quy hoạch xây dựng chung, khi người dân giàu lên thì họ sẽ mua thêm nhà liền kề để “hợp nhất” lại thành căn nhà lớn. Chính quyền cũng chỉ điều chỉnh qui hoạch, không tham gia trực tiếp mà để doanh nghiệp tự đàm phán, quyết định với đối tác. Làm được như thế thì nhu cầu về nhà ở sẽ tăng nhiều hơn và hàng hóa sẽ thanh khoản cao hơn.
Các doanh nghiệp cùng đoàn cho biết họ đã nhìn thấy “sáng” hơn cơ hội hợp tác, đầu tư tại Cần Thơ thông qua những dự án quy mô về nhà ở cho công nhân và nhà ở thu nhập thấp. Bởi trước đó, bà Võ Thị Hồng Ánh cho biết, chính quyền chưa lo được nhà ở cho vài chục, thậm chí cả trăm ngàn công nhân, công chức, viên chức, y bác sĩ… trên địa bàn, trong khi đó nhiều dự án lớn đã, đang đầu tư nhưng các đơn vị chưa xây được nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Bà Võ Thị Hồng Ánh cho biết, các nhà đầu tư sẽ rất thuận lợi khi đến với địa phương để hợp tác, đầu tư từ nay trở về sau vì hạ tầng giao thông kết nối Cần Thơ với các tỉnh thành khác gần như hoàn chỉnh, địa phương đang điều chỉnh, quy hoạch lại quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đã xác định được nhu cầu và đối tượng ở để nhà đầu tư chọn lựa nhằm tránh việc cung không gặp cầu.
Ông Nguyễn Trần Nam và các thành viên trong đoàn cho biết, đã nhìn thấy rõ cơ hội, tiềm năng và gợi ý để các nhà đầu tư phải đi trước đón đầu, nhất là trong lĩnh vực nhà ở thu nhập thấp. Tuy nhiên, để việc đầu tư sớm trở thành hiện thực thì chính quyền Cần Thơ cần phải có đất sạch để triển khai, cùng ngồi với nhau bàn, giải quyết, hỗ trợ tối đa và đồng thuận, có như thế thì doanh nghiệp mới yên tâm và quyết tâm làm. Nhưng điều qua trọng hơn hết là địa phương cần khẳng định lời mời gọi đầu tư và cam kết nhất quán lời mời gọi đầu tư ấy trong suốt quá trình triển khai dự án.
Phó chủ tịch Võ Thị Hồng Ánh khẳng định: “Trừ khi chính sách từ trên có thay đổi chứ chính quyền địa phương cam kết nhất quán trong lời mời gọi đầu tư xuyên suốt quá trình thực hiện dự án, tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn, thủ tục hành chính”./.