Aa

Cần thực hiện trách nhiệm đền bù khi thu hồi đất làm Thủy điện Bá Thước 1

Thứ Sáu, 26/08/2022 - 06:09

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa bao gồm cả phần đất chưa thực hiện đền bù cho nhiều hộ dân.

Chưa đền bù xong vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án

Năm 2014, Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU969015, với diện tích 207.142m2 để thực hiện dự án Thủy điện Bá Thước 1 (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Công trình này hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2017.

Thế nhưng, đã nhiều năm kể từ thời điểm tổ máy đầu tiên của nhà máy phát điện, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Quyền lợi của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được đảm bảo.

Hồ sơ phóng viên có được cho thấy, trong tổng số 207.142m2 diện tích đất được thuê, có 200.468.87m2 đã thực hiện giải phóng mặt bằng, còn lại 6.673,13m2 đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa đền bù cho người dân trong diện bị thu hồi.

Cụ thể, các hộ gia đình chưa được đền bù gồm: Hộ gia đình ông Phạm Văn Long (235,5m2 đất ở), Lục Văn Giáp (291,2m2 đất ở), Bùi Văn Mong (486,1m2 đất ở), Lục Văn Nguyễn.

Phần đất thuộc phạm vi quy hoạch của thủy điện Bá Thước 1. (Ảnh: Quốc Toản)

Trong số các hộ dân nói trên, hộ gia đình ông Lục Văn Nguyễn có diện tích đất nằm trong diện thu hồi lớn nhất (hơn 5,6 nghìn m2 đất rừng sản xuất, và 661,87m2 nằm trong mặt bằng hiện trạng sử dụng đất của thủy điện). Như vậy, tổng diện tích đất mà gia đình ông Nguyễn sẽ được hưởng đền bù là 6.311m2.

Mặc dù chưa thu hồi, đền bù cho các hộ dân nói trên, nhưng năm 2014, Hội đồng giải phóng mặt bằng Công trình thủy điện Bá Thước 1 - 2 và Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa thời điểm đó lại xác nhận đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ gia đình đảm bảo các quy định.

Tiếp đó, cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa bao gồm cả diện tích của các hộ dân chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng.

Về việc này, trong báo cáo của UBND huyện Bá Thước khẳng định: “Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, thẩm định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có thiếu sót, chưa phù hợp. Việc xác nhận đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ gia đình đảm bảo các quy định là chưa chính xác, chưa đúng với tình hình thực tế và hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng với các hộ gia đình”.

Lấy đất thuộc dự án để đổi cho dân là không đúng

Như đã nêu trên, tổng diện tích đất mà gia đình ông Nguyễn sẽ được hưởng đền bù là 6.311m2. Thế nhưng, thay vì việc đền bù và di dời hộ dân này ra khỏi phạm vi dự án, đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh lại thực hiện việc đổi đất với hộ gia đình ông Nguyễn.

Phần diện tích đất mà đại diện công ty này ký biên bản đổi cho gia đình ông Nguyễn được chính quyền UBND xã Thiết Kế xác nhận là thuộc phạm vi quy hoạch, sử dụng đất của dự án Thủy điện Bá Thước 1, đã được giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, ngày 15/12/2016, ông Đỗ Duy Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa thời điểm đó đã đại diện doanh nghiệp ký biên bản đổi đất với hộ ông Lục Văn Nguyễn (hộ ông Nguyễn đổi đất từ đồng Kế, thuộc vực kênh xả của thủy điện, lên khu vực ruộng Yến và ruộng Vặn (xã Thiết Kế) với diện tích tương đương 6.311m2. 

Theo đó, sau khi thỏa thuận giữa hai bên được hoàn thành, Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa sẽ bàn giao mặt bằng cho ông Nguyễn và cải tạo đất để hộ gia đình này canh tác và hoàn thiện hồ sơ đất theo như giấy tờ cũ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, hộ ông Nguyễn vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại vị trí đã đổi.

Biên bản thỏa thuận về việc đổi đất của hộ ông Lục Văn Nguyễn với đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa. 

Điều này đặt ra câu hỏi: Khi thỏa thuận hoàn thành, hộ gia đình ông Nguyễn vừa không được đền bù 6.311m2 đất, vừa không phải là chủ sử dụng hợp pháp cho phần đất đã đổi (vì phần đất đổi thuộc quy hoạch thủy điện, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), vừa được cho là chủ sử dụng đất không hợp pháp phần đất đã đổi?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Reatimes, ông Phạm Văn Ấn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bá Thước cho rằng, việc đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa đổi đất cho dân là không đúng.

“Lấy đất đã đền bù để thực hiện dự án thủy điện để đổi cho dân là sai, vì đất làm thủy điện là đất thuê của Nhà nước. Mặt khác, Công ty này cũng không có thẩm quyền đổi đất trong phạm vi quy hoạch thủy điện. Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa phải có trách nhiệm bồi thường cho dân và di dời các hộ dân ra khỏi vị trí đã quy hoạch dự án”, ông Ấn nói.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định: "Việc doanh nghiệp thỏa thuận đổi đất với người dân trong trường hợp này là trái pháp luật và không có giá trị bởi đất được Nhà nước thu hồi giao cho doanh nghiệp thì nghiêm cấm giao dịch như trên".

Cũng theo Luật sư Phượng, hồ sơ bồi thường và hồ sơ giao đất cho doanh nghiệp là có vấn đề: "Cần làm rõ có hay không dấu hiệu lập hồ sơ lấy tiền bồi thường, nhưng không chi trả cho người dân. Mặt khác, người dân cũng có quyền khiếu nại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình".

Công trình Thủy điện Bá Thước 1 được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 621/QĐ-UBND ngày 6/3/2014 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU969015 ngày 4/7/2014, diện tích 207.142m2, thời hạn thuê đất đến năm 2078; hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. Công trình đã triển khai xây dựng từ năm 2014 và hoàn thành đi vào hoạt động từ năm 2017.

Tuy nhiên, hiện nay, Dự án Thủy điện Bá Thước 1 và 2 đã thuộc sở hữu của Tập đoàn Bitexco do phía Hoàng Anh Gia Lai đã bán lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top