Aa

Cẩn trọng khi mua nhà, đất trên giấy

Thứ Năm, 01/11/2018 - 06:00

Nhiều người dân mua nhà chung cư ở TP.HCM đang lâm vào cảnh ở cũng lo âu mà muốn bán cũng không được.

Sau nhiều năm tích cóp bỏ ra tiền tỷ để mua căn hộ, những tưởng sẽ được yên tâm để an cư lạc nghiệp, thế nhưng nhiều người mua nhà tại TP.HCM vẫn hoang mang lo lắng bởi nhà đã mua và vào ở đã lâu, nhưng vẫn mãi bị treo “sổ hồng” do chủ đầu tư chậm trễ. Nhiều người lâm vào cảnh ở cũng lo âu, mà muốn bán nhà cũng không được.

Người dân chung cư Rubyland dù sinh sống gần 10 năm nhưng vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Người dân chung cư Rubyland dù sinh sống gần 10 năm nhưng vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Năm 2009, 280 hộ dân đã mua và dọn về ở Khu chung cư RubyLand, quận Tân Phú. Trải qua gần 10 năm sinh sống, các hộ vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền nhà do chủ đầu tư đã mang các căn hộ đi cầm cố ngân hàng.

Khu chung cư cao 18 tầng này trước đây là của Công ty Cổ phần Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư. Khi bàn giao nhà cho người dân, chủ đầu tư có hẹn sau 6 tháng sẽ giao “sổ hồng” cũng như mọi giấy tờ chủ quyền cho khách hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc cấp sổ hồng cho cư dân.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Ban Quản trị Chung cư RubyLand cho biết, cho tới thời điểm này, 280 hộ dân chưa có hộ dân nào được cầm sổ hồng. Nguyên nhân là sau khi bán nhà cho cư dân chủ đầu tư lại đi cầm giấy tờ đất và những tài sản hình thành trên đất bao gồm 280 hộ dân đi cầm thế chấp cho ngân hàng. Cho nên bị vướng mắc, tới giờ này vẫn chưa có hướng cụ thể ở các bên.

Tương tự như vậy, tại quận Thủ Đức, theo thống kê, hiện đang có trên 100 dự án nhà ở thì mới chỉ có 49 dự án đã hoàn thành. Trong số đó, có 15 dự án nhà ở và 8 dự án căn hộ chung cư đang được cấp sổ hồng một phần, còn lại chưa được cấp.

Điển hình là Dự án Khu dân cư Tân Hải Minh do Công ty Tân Hải Minh làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư xây dựng hơn 10 năm qua, đến nay phần lớn các lô đất tại khu dân cư này đã được người dân xây nhà để ở. Nhưng câu hỏi bao giờ người dân mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà (sổ đỏ) thì vẫn chưa được trả lời. Hiện, dự án vẫn chưa chính thức có điện nước, nên người dân phải góp tiền để “câu nối” tạm bợ.

Bên cạnh đó, sự lo lắng cũng đang xuất hiện với người mua nhà tại dự án chung cư Long Phụng Residence (quận Bình Tân, TP.HCM), do Công ty địa ốc Bình Tân làm chủ đầu tư. Dự án này dang dở nhiều năm, chủ đầu tư đã bỏ trốn và bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lâm vào tình cảnh khốn khó do phải phải thuê trọ, trả tiền lãi suất vay ngân hàng mua nhà hàng tháng, nhiều khách hàng không biết cầu cứu ai, đành dọn vào ở để bảo đảm tài sản của mình, bất chấp nguy hiểm rình rập do dự án còn dang dở, chưa có điện nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Còn tại dự án Gia Phú (Thủ Đức, TP.HCM) của chủ đầu tư Gia Phú Land, từ năm 2012 – 2013, đã có hàng trăm khách hàng đóng tiền, nhiều trường hợp đã đóng 100% giá trị hợp đồng để mua căn hộ. Tuy nhiên, đến hẹn chủ đầu tư không bàn giao nhà, khách hàng phát hiện chủ đầu tư bán một căn hộ cùng lúc cho nhiều người và đem dự án để thế chấp cho ngân hàng.

Lâm vào những hoàn cảnh éo le đó, các cư dân không khỏi thấp thỏm, lo lắng bởi nguy cơ mất trắng cả gia tài mà gia đình đã tích cóp nhiều năm. Anh Huỳnh Hiển Đạt, chủ một căn hộ chung cư tại TP.HCM than thở, "mình mua nhà muốn an cư lập nghiệp thì phải có giấy tờ cho ổn định, nhưng giờ giấy tờ không có thì rất bất an. Một phần chủ đầu tư bây giờ cầm cố ngân hàng rồi. Nhiều khi mình cần một số tiền nhưng có muốn bán căn hộ thì khi tới công chứng cũng không nhận".

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Phú Đông Group cho biết, có nhiều lý do chủ đầu tư chậm cấp sổ cho người mua. Thí dụ như chủ đầu tư chờ các căn hộ xây dựng xong cùng một lúc để xin cấp giấy một lần. Hoặc, liên quan đến tài chính của chủ đầu tư khi sổ đỏ của dự án đang mang đi cầm cố cho ngân hàng dẫn đến việc triển khai hoàn thiện hồ sơ xin Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ hồng cho từng cá nhân, từng căn hộ bị chậm lại.

Đã xảy ra nhiều trường hợp khách mua nhà không được cấp giấy chủ quyền khi chọn các loại hợp đồng “góp vốn”, “hợp tác đầu tư” hay “mua bán nhà hình thành trong tương lai” để ký kết. Phổ biến là nhiều chủ đầu tư đề nghị giao kết luôn hợp đồng mua bán nhà, đất khi dự án chưa “động đậy” gì trên thực tế. Về phía khách hàng, vì muốn được sở hữu, sử dụng nhà, đất phù hợp với khả năng thanh toán của mình và không quan tâm nhiều đến các yếu tố pháp lý cần thiết nên đã đồng ý ký kết hợp đồng này.

"Khách hàng làm sao phải tránh được những chuyện rủi ro ở chỗ đặt cọc, đặt chỗ bởi vì nếu khách hàng chọn không kỹ, hoặc nghiên cứu pháp lý không chuẩn thì có thể gặp những doanh nghiệp người ta lừa. Khách hàng phải nghiên cứu lại hồ sơ pháp lý của dự án đấy khi người ta đưa ra câu chuyện đặt cọc đặt chỗ hay bất cứ hình thức nào", ông Phúc khuyến cáo!

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật Gia TP.HCM, do các chủ đầu tư tranh thủ huy động vốn khi pháp lý dự án chưa xong, dẫn đến tình trạng có thể đất không ra được sổ, khách hàng mất tiền cọc hoặc mất cả số tiền lớn. Nếu mua phải nhà tại các dự án mà chủ đầu tư bê trễ khiến “sổ hồng” bị treo lâu năm, người mua nhà sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Không chỉ khó khăn trong chuyển nhượng mà khi tặng cho, thế chấp vay vốn ngân hàng đều vướng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, người mua nhà cũng cần tìm hiểu quyền của mình trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất và các thủ tục khác trong vấn đề này để chúng ta chủ động yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ này đối với mình cũng như giám sát thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư.

Thực tế cho thấy trong các sai phạm của chủ đầu tư, phức tạp nhất vẫn là chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, bán cho khách hàng rồi nhưng vẫn mang tài sản đi cầm cố thế chấp nhiều nơi. Có chủ đầu tư sau đó bỏ trốn, thậm chí có chủ đầu tư bị chết. Cuối cùng nhà nước vẫn phải đứng ra giải quyết sự việc.

Do vậy, để nâng cao trách nhiệm đối với khách hàng, cơ quan nhà nước cần giám sát chặt hơn các vi phạm của chủ đầu tư; kiểm tra chặt chẽ đảm bảo 100% công trình xây dựng tại thành phố phải được kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top