Cảnh báo chiêu lừa “vẽ” dự án ngay trên đất quy hoạch
Thời gian qua trên địa bàn huyện Hóc Môn (TP.HCM) đã diễn ra tình trạng rao bán đất nền, rao bán dự án nhà ở không hợp pháp qua nhiều hình thức như phát tờ rơi, qua các trang mạng… Nhiều đối tượng hứa hẹn nếu đặt tiền cọc từ 50 - 400 triệu đồng trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.
Theo UBND huyện Hóc Môn, để tạo niềm tin cho người mua, các đối tượng đưa ra các biên nhận đã nộp hồ sơ nhưng trên thực tế không có trên hệ thống lưu trữ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện. Qua xác minh một số đối tượng đã tự phân lô đất nông nghiệp, tự vẽ mặt bằng phân lô không đúng quy định của pháp luật.
Trước trình trạng trên UBND huyện Hóc Môn chỉ đạo Công an huyện, UBND các xã, thị trấn kiểm tra chặt chẽ địa bàn nhằm phát hiện, xử lý, ngăn ngừa và cảnh báo người dân.
Qua kết quả kiểm tra, xác minh của UBND các xã, thị trấn cho thấy nổi lên một số vấn đề như: Một số đối tượng đã tự phân nền đất nông nghiệp, tự vẽ bản vẽ phân lô tổng mặt bằng trái quy định của pháp luật, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để giới thiệu, quảng cáo và rao bán cho người dân.
Bất động sản công nghiệp có biến động từ chiến tranh thương mại?
Mới đây, Hoa Kỳ đã áp thuế 50 tỷ USD cho hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và cộng thêm 16 tỷ USD trong đợt áp thuế thứ hai có hiệu lực vào cuối tháng 8/2018. Phía Trung Quốc cũng ngay lập tức có động thái đáp trả.
Ông Ryan Severino, Trưởng phòng kinh tế của JLL nhận định, thuế quan cụ thể là hàng rào thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là một chi phí tăng thêm nhằm kiềm chế tiêu dùng, từ đó làm giảm nhu cầu về kho bãi để lưu trữ hàng hóa. Dù vậy, động thái này khó có thể kìm lại sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp khi mà ngành thương mại điện tử hiện đang bùng nổ và các công ty công nghệ liên tục săn tìm nhà xưởng.
Tuy nhiên, theo JLL, sự tăng trưởng giá thuê đất công nghiệp tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong nhưng điểm đến tiếp theo của các nhà đầu tư nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi với Trung Quốc và chi phí lao động phải chăng. Báo cáo của JLL cho hay các nhà sản xuất đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí sản suất, theo chiến lược "Trung Quốc +1".
JLL cho rằng, chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đến và thành lập nhà máy mới tại Việt Nam. Thử thách lớn hơn sẽ xuất hiện nếu hai bên tiếp tục xung đột qua lại. Chính quyền Trump đang cân nhắc việc áp thuế thêm 200 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc trong khi Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách đặt thuế quan lên khoảng 60 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Phía Mỹ đe dọa áp đặt thuế quan đối với mọi sản phẩm nhập từ Trung Quốc với con số có thể đẩy lên 500 tỷ USD.
Khả năng sẽ tăng tiến độ thoái vốn Nhà nước cuối năm 2018
Từ 2016 đến nay, tổng số tiền nộp vào ngân sách từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN đạt 115.000 tỷ đồng và đã đạt 46% kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội về thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020. Con số này cũng cho thấy công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đang đi khá sát với kế hoạch đã đề ra của Quốc hội và Chính phủ.
Tuy nhiên, CTCK VnDirect cho rằng, những thách thức lớn vẫn còn trong thời gian kế tiếp. Đối với công tác cổ phần hóa DNNN, trong số 85 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2018, mới chỉ có 19 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong nửa đầu năm 2018.
Trong khi đó, công tác thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cũng đang chậm hơn nhiều so với kế hoạch đã đề ra. Khi mà, Chính phủ mới chỉ thoái vốn thành công tại 17 trên tổng số 135 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn Nhà nước của năm 2017.
Số doanh nghiệp còn lại do đó bị lùi kế hoạch thoái vốn sang năm 2018 và điều này khiến khối lượng công việc phải thực hiện trong năm 2018 là rất lớn. Tổng số doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn Nhà nước trong năm 2018 lên tới 181 doanh nghiệp, trong khi 6 tháng đầu năm 2018 mới chỉ hoàn thành thoái vốn tại 10 doanh nghiệp. Do đó, khối lượng công việc còn lại trong năm nay là rất lớn.
300 hộ dân ở Hà Nội “bỗng dưng” nằm trong đất rừng phòng hộ
Đi gây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1985, ăn ở ổn định hàng chục năm, nhưng một bản đồ quy hoạch rừng đã biến 300 hộ dân thành người “ở trong rừng”.
Đây là tình cảnh của các hộ dân ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Họ là những người có công khai phá vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng bỗng thành những người đang ở trái phép trong đất rừng phòng hộ.
Từ 130 hộ dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) đã phát triển lên 300 hộ, có trường học, trạm xá. Những cư dân ở Minh Tân có nhiều người nay đã lên chức cụ, gia đình có 4 thế hệ. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của họ.
Nhưng một tấm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn (vẽ năm 2008) mà sau 10 năm người dân, trưởng thôn Minh Tân mới biết, toàn bộ diện tích đất ở, đất ao vườn liền kề, trường học và trạm xá của khu dân cư thôn Minh Tân “bỗng nhiên” nằm trọn trong khu vực đất rừng phòng hộ.
Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh xử lý nợ xấu
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Chỉ thị có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/9/2018.
Chỉ thị số 05/CT-NHNN do thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành với nội dung trọng tâm về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 42 và sau đó là Quyết định 1058, Chỉ thị số 32 và Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017. Trong đó, hàng loạt nhiệm vụ được Thống đốc giao các Vụ, Cục đặc biệt là Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các ngân hàng.
Theo đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Chỉ đạo các TCTD, VAMC triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Quyết định 1058 và Nghị quyết 42 theo đúng mục tiêu, lộ trình và kế hoạch đã đề ra.
Khẩn trương hoàn thiện, trình Thống đốc NHNN ban hành các Thông tư hướng dẫn Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các TCTD triển khai hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 1058. Phối hợp với Vụ Pháp chế rà soát, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại đối với các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu;