Aa

Mách nước tránh bẫy lừa khi mua nhà đất

Thứ Hai, 17/09/2018 - 14:01

Mách nước tránh bẫy lừa khi mua nhà đất; “Dở khóc, dở cười” không bán nổi căn hộ khi dự án dính lùm xùm; Hiện trạng 4,3ha đất bị thu hồi sai ở Khu đô thị Thủ Thiêm; 5 nguyên tắc đầu tư bất động sản tỉnh lẻ;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Mách nước tránh bẫy lừa khi mua nhà đất

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thường những dự án xảy ra tình trạng 1 căn hộ bán cho nhiều người là những dự án cũ, được mua bán trước khi có luật nhà ở 2014. “Khi bán căn hộ cho nhiều người là chủ đầu tư đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng những vụ việc được khởi tố hình sự là rất ít. Do đó, tôi thường khuyên khách hàng nên nhanh chóng khởi kiện ra tòa để phòng trường hợp chủ đầu tư bỏ trốn hoặc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Khi một doanh nghiệp tuyên bố phá sản thì sẽ có thứ tự các đối tượng ưu tiên được hưởng các quyền lợi từ tài sản còn lại của doanh nghiệp đó. Đối tượng đầu tiên là ngân sách nhà nước, thứ 2 là ngân hàng mà doanh nghiệp đó vay tiền, thứ 3 là khách hàng có đơn khởi kiện”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm về việc này, luật sư Oanh chia sẻ thêm: “Trong những vụ việc thế này, quyền lợi của khách hàng luôn bị xếp sau một số đối tượng khác. Do đó trước khi mua căn hộ, khách hàng cần xem xét kỹ năng lực của chủ đầu tư và lưu ý các vấn đề về pháp lý trong việc mua bán”.

Trong khi đó luật sư Trần Đức Phượng thì cho rằng nếu trở thành nạn nhân của những vụ việc như vậy thì phải chấp nhận chứ không có cách nào để phòng tránh. “Chỉ khi nào khách hàng nhận được sổ đỏ của căn hộ thì mới chắc chắn là không bị lừa, chứ không có cách nào để tránh trường hợp này. Thực tế hiện nay nhiều dự án bán tài sản (căn hộ, nhà ở) hình thành trong tương lai thì lại càng khó tránh trở thành nạn nhân. Việc xem xét năng lực, uy tín của chủ đầu tư chỉ bớt được rủi ro thôi chứ không tránh được”, luật sư Phượng chia sẻ.

Xem chi tiết tại đây.

Hiện trạng 4,3ha đất bị thu hồi sai ở Khu đô thị Thủ Thiêm

TP HCM và các cơ quan liên quan dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) vừa bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra một loạt sai phạm - nguyên nhân khiến người dân bức xúc, khiếu nại liên tục hàng chục năm qua. Trong đó, việc thành phố tự ý lấy thêm 4,3ha đất (thuộc khu phố 1, phường Bình An ) ngoài ranh quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt được cho là rất nghiêm trọng, đẩy hàng chục hộ dân vào cảnh mất nhà cửa.

Bà Nguyễn Thị Hà bên căn nhà nham nhở của mình ở khu phố 1, phường Bình An.

Bà Nguyễn Thị Hà bên căn nhà nham nhở của mình ở khu phố 1, phường Bình An. "Chỗ tôi đang đứng trước là cái hẻm thông ra đường Lương Định Của, hai bên nhà cửa san sát giờ chỉ còn mỗi tôi ở lại. Gần chục năm nay tôi vẫn ở đây để cố giữ đất vì rõ ràng chỗ mình sống nằm ngoài ranh quy hoạch", bà nói.

Khu đất bị thu hồi sai giáp đoạn đường Trần Não và Lương Định Của, hiện um tùm cỏ dại, chỉ còn lác đác vài căn nhà lụp xụp nằm trơ trọi giữa khu đô thị hiện đại đang dần thành hình. Những mái nhà là của các hộ dân không nhận tiền đền bù, cố gắng bám trụ để giữ đất.

Xem chi tiết tại đây.

“Dở khóc, dở cười” không bán nổi căn hộ khi dự án dính lùm xùm

Bên cạnh câu chuyện về sổ hồng, câu chuyện tranh chấp chung cư bùng nổ còn có nhiều nguyên nhân khác như chất lượng công trình kém sai phạm về thiết kế, về kiến trúc, quy hoạch hay an toàn phòng cháy chữa cháy…

Tất cả mọi vấn đề khi đã xảy ra “cơm không lành, canh không ngọt” giữa chủ đầu tư và cư dân thì hệ quả khó tránh đó là cái “xấu” bị đeo lên dự án. Và tất nhiên, khi dự án đã có điểm xấu thì thanh khoản căn hộ sẽ khó khăn.

Chị Minh (Đống Đa, Hà Nội), một khách hàng đang có nhu cầu mua nhà tại khu vực phía Tây Hà Nội cho biết chị đã tìm hiểu được một dự án và khá ưng ý về giá cả.

Song, sau khi tham khảo kỹ các thông tin, gia đình chị đã cân nhắc lại bởi vừa qua cư dân tại dự án cũng đã có lùm xùm phản đối chủ đầu tư vì không giữ lời hứa làm đường nội bộ riêng cho dự án cùng nhiều vấn đề về thiết kế khác.

“Tôi rất ngại mua phải những dự án mà chủ đầu tư không có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết với cư dân. Sau này sẽ rất rắc rối trong khi tôi lại mong gia đình sẽ có cuộc sống yên ổn khi về chỗ mới”, chị Minh chia sẻ.

Trên thực tế, khi tìm hiểu về dự án mà chị Minh định mua cho thấy, chủ đầu tư vẫn đang chật vật tìm cách đẩy hàng tồn kho. Mặc dù giá bán thấp hơn trước đây nhưng do phát sinh nhiều vấn đề trong đó có yếu tố liên quan tới tranh chấp là một trong lý do dự án kém mặn mà.

Xem chi tiết tại đây.

5 nguyên tắc đầu tư bất động sản tỉnh lẻ

Một môi giới tốt là cỗ máy kiếm tiền của nhà đầu tư. Người môi giới đáng tin cậy sẽ giúp bạn quản lý, tìm kiếm khách hàng chào bán những bất động sản tại địa phương, đồng thời sẽ thông báo các nguồn hàng giá tốt khi có cơ hội. Bạn khó lòng quản lý và chào bán trực tiếp những khu đất tại các tỉnh khác nhau khi lượng khách mua chỉ giới hạn trong một khu vực địa lý. Người môi giới địa phương sẽ nắm bắt thông tin nhanh và có nhiều quan hệ trong khu vực. Việc lựa chọn và tìm kiếm được môi giới đáng tin cậy tại địa phương sẽ giống như bạn có quản gia riêng cho tài sản của mình và gia tăng cơ hội kinh doanh.

Đất nền các tỉnh thường rẻ hơn Hà Nội rất nhiều nên các nhà đầu tư thường có xu hướng lựa chọn những vị trí đẹp nhất để đầu tư như lô góc hay căn diện tích rộng, vị trí trung tâm dự án. Tuy nhiên, khách hàng các tỉnh có khả năng chi trả thấp hơn nên những vị trí quá đẹp thường khó bán vì giá cao. Những lô đất diện tích vừa phải, không cần quá trung tâm, giá hợp lý thường rất dễ bán. Nguyên tắc đầu tư nên là: vốn ít – lãi thấp - quay vòng nhanh. Thực tế cho thấy cách đầu tư này tính ra tỷ lệ lợi nhuận rất cao. Một căn nhà 10 tỉ đồng tại thành phố lớn, bạn rất khó chờ đợi để bán được với giá 11 ttỉ đồng. Nhưng một nền đất giá 500 triệu đồng tại tỉnh lẻ bạn sẽ dễ sang tay với giá 550 – 600 triệu đồng.

Với nguồn cung dồi dào cũng như tốc độ đô thị hóa diễn ra tại các tỉnh lân cận Hà Nội như hiện nay, thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven vẫn là cơ hội lớn dành cho các nhà đầu tư của Hà Nội.

Xem chi tiết tại đây.

Ba điểm sáng trong bức tranh bất động sản giảm tốc

Trong các báo cáo thị trường gửi cho nhà đầu tư mới đây, Phòng Phân tích Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect cho biết, mặc dù bất động sản Việt Nam trải qua nhiều tháng rơi vào giai đoạn giảm tốc, nhưng xét tổng quan toàn thị trường vẫn còn nhiều điểm sáng tích cực. Đơn vị này chỉ ra 3 cơ sở để đặt niềm tin vào diễn biến sáng lạn của thị trường nhà ở trong thời gian tới.

Bất động sản khu Đông TPHCM. Ảnh: Vũ Lê.

Bất động sản khu Đông TP.HCM. Ảnh: Vũ Lê.

Đơn vị này ước tính TP.HCM và Hà Nội sẽ đón thêm 110.000 hộ gia đình mới mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2020, xuất phát từ xu hướng nhập cư từ các vùng lân cận và tốc độ đô thị hóa nhanh về những thành phố phát triển hơn. Thay đổi trong cả cấu trúc dân số và tình hình xã hội bao gồm cả xu hướng tách khỏi mô hình gia đình nhiều thế hệ làm giảm số người trên mỗi hộ cũng đang làm tăng nhu cầu nhà ở hiện tại.

Với triển vọng kinh tế trung hạn khả quan và thu nhập đầu người tăng, việc mua nhà vừa phục vụ nhu cầu chỗ ở, đồng thời cũng đang trở thành công cụ sinh lời và là cách bảo vệ giá trị tài sản khỏi yếu tố lạm phát đối với người lần đầu sở hữu bất động sản nhà ở.

Xem chi tiết tại đây.

Mua nhà sửa chữa không phép, coi chừng không được đăng bộ

Ông M.H, ngụ huyện Nhà Bè (TP.HCM) cho biết, tháng 9/2017, ông có mua căn nhà rộng hơn 100 m2 tại đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Khi đi mua, để an tâm về pháp lý và quy hoạch, ông đã lên xã kiểm tra thì tất cả pháp lý và quy hoạch khu nhà đều an toàn. Do thời gian mua ông bận đi công tác, nên gần 1 tháng sau ông mới lên Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Nhà Bè để đăng ký chuyển nhượng nhà, đất.

Ông M.H đinh ninh rằng, pháp lý của ngôi nhà ổn, hợp đồng mua bán đã công chứng, thì làm hồ sơ chuyển nhượng chậm một chút cũng sẽ không sao.

Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ, ông M.H nhận được Văn bản số 1358/CV-CNNB của Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM - Chi nhánh huyện Nhà Bè trả lời rằng, qua xác minh thực tế, cơ quan này thấy thực trạng căn nhà mà ông M.H mua không đúng so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Nhà Bè cấp ngày 1/3/2013.

“Lý do cụ thể chỉ vì trước khi bán nhà, chủ nhà cũ đã sửa chữa, cơi nới căn nhà ra phía sau diện tích 80 cm mà không xin phép cơ quan chức năng, nên khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện thực trạng ngôi nhà đã không khớp với hồ sơ đăng ký”, ông M.H nói.

Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cho biết, tình trạng này khá phổ biến hiện nay tại TP.HCM.

Lý do bởi trước đây, chủ nhà đã tự sửa chữa lại căn nhà để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhưng không xin giấy phép sửa chữa, bởi người dân nghĩ, chỉ sửa chữa sơ sơ thì không cần đăng ký.

Tuy nhiên, khi làm thủ tục chuyển nhượng, cơ quan chức năng vẫn xác minh lại thực trạng căn nhà, khi phát hiện sai phạm sẽ không đồng ý việc đăng ký chuyển nhượng. 

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top