Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM và tỉnh Đồng Nai khẩn trương tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trước ngày 1/6/2019 để bàn giao cho đơn vị thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án cũng như cuộc sống người dân.
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là tuyến đường cao tốc đang xây dựng thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam. Tuyến đường dài 58km, nối huyện Bến Lức, tỉnh Long An với huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Tiến độ thi công dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện nay đã đạt 71,37% tổng giá trị xây lắp. Tiến độ thi công dự án chậm trễ so với kế hoạch, dự kiến cuối năm 2019 đưa vào sử dụng trước 20km cao tốc. Do điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, tuyến đường phải xây dựng hơn 20km cầu và cầu cạn, trong đó có hai cầu lớn xây dựng theo kiểu dây văng là cầu Bình Khánh dài 2,76km bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ, TP.HCM, và cầu Phước Khánh dài 3,18km bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Toàn tuyến đường cao tốc sẽ có 6 nút giao cắt và lối thoát.Tổng vốn đầu tư toàn dự án giai đoạn 1 là 31.320 tỷ đồng.
Toàn bộ tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với 4 làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h.
Hiện nay dự án này còn vướng giải tỏa 26 hộ dân ở TP.HCM và 133 hộ dân ở tỉnh Đồng Nai, việc đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa sẽ góp phần bảo đảm hoàn thành tuyến cao tốc này vào năm 2020.
Khi hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM. Đồng thời, dự án cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51 và rút ngắn thời gian đi từ Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuyến đường còn tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia) đến TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời kết nối mạng cao tốc và quốc lộ với các cảng biển lớn của khu vực như Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành... qua đó sẽ khai thác hiệu quả các các dự án hạ tầng lớn của quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, du lịch của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, và cả nước nói chung.