UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét phương án phân chia Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thành 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 125km và tổng mức đầu tư hơn 43.734 tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án thành phần 1 dài 22km (từ Km0+000 đến Km22+000), tổng vốn đầu tư 6.989 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 68km (từ Km22+000 đến Km90+000), vốn đầu tư 27.576 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 dài 35km (từ Km90+000 đến Km125+000), có tổng mức đầu tư 9.169 tỷ đồng. Toàn tuyến được thiết kế với quy mô 4 làn xe.

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ có ba công trình hầm xuyên đèo An Khê và Mang Yang. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển
Theo UBND tỉnh Bình Định, đề xuất tách dự án thành 3 đoạn dựa trên đặc thù địa hình phức tạp, nhiều đồi núi và địa chất biến đổi dọc tuyến, gây khó khăn cho quá trình khảo sát, thiết kế và thi công. Việc chia nhỏ sẽ giúp tăng tính khả thi, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục đầu tư như lựa chọn nhà thầu, lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế, đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo kịp thời gian khởi công theo yêu cầu.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án, với tổng cộng 7 khu tại địa bàn tỉnh.

Hướng tuyến dự án. Ảnh: Internet
Tại thị xã An Nhơn, khu tái định cư được bố trí tại thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, với diện tích khoảng 5ha. Sáu khu còn lại thuộc huyện Tây Sơn, gồm: thôn Kiên Long (xã Bình Thành, 11ha); thôn Trà Sơn (xã Tây An, 3ha); thôn Phú Lạc (xã Bình Thành, 5ha); thôn Trường Định 2 (xã Bình Hòa, 3,5ha); thôn Thuận Hòa (xã Bình Tân, 3,46ha) và thôn Hòa Trung (xã Bình Tường, 7,25ha).
Theo ông Tuấn, địa phương đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng, phấn đấu khởi công dự án vào tháng 10/2025, nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai.
Khi đi vào vận hành, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku không chỉ tăng cường kết nối liên vùng giữa duyên hải miền Trung với Tây Nguyên mà còn góp phần hoàn thiện mạng lưới cao tốc Bắc - Nam. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các tỉnh trong khu vực như Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, đặc biệt trong lĩnh vực logistics, vận tải biển, sản xuất và chế biến nông - lâm sản, nhờ khả năng kết nối thuận lợi với cảng biển Quy Nhơn.