Cụ thể, tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang hiện nay tiếp độ bàn giao mặt bằng ở trên 96%. Tuy nhiên, một số hộ dân thấy dự án chậm triển khai nên cố tình dây dưa. Vừa qua có một số thông tin về tiến độ dự án khiến địa phương rất lo lắng.
Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, khó khăn nhất của dự án trong thời gian qua là vấn đề nguồn vốn. Tổng mức đầu tư dự án là 9.668,5 tỷ đồng, hiện các nhà đầu tư đã huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu với 1.542,8 tỷ đồng, phần lớn nguồn vốn này được tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng.
Trong thời gian qua, trước tình hình thắt chặt tín dụng của hệ thông ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ thấp dẫn đến các ngân hàng quan ngại về việc nhà đầu tư phải bù lãi vay với phần chênh lệch lãi suất lên đến khoảng 2%/năm. Do vậy, việc ký hợp đồng tín dụng để triển khai dự án chưa thực hiện được.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh, Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một phần của tuyến cao tốc Bắc Nam. Dự án được triển khai từ năm 2015, nhưng sau đó có một số điều chỉnh tăng quy mô mặt đường lên 17m (đủ 4 làn xe) để đồng bộ với toàn tuyến cao tốc Bắc Nam, bố trí dải phân cách giữa để tăng tính an toàn. Thời gian qua nhà đầu tư gặp khó khăn trong công tác huy động vốn, lãnh đạo Bộ GTVT, Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các Bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các phần còn lại. Mục tiêu chung là đến 2020 phải thông xe toàn tuyến phục vụ người dân.
Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 có chiều dài 51km tuyến cao tốc và 4,5km tuyến nối với tổng đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Điểm đầu của dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa tiếp nối đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương đang khai thác và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018 và hoàn vốn bằng thu phí đường bộ với thời gian 20 năm có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường bộ tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương trong 11 năm. Đơn vị quản lý dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM). |