Aa

Cắt giảm thủ tục là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bền vững nhất

Thứ Tư, 24/03/2021 - 06:15

Đây là quan điểm ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ sau cuộc Đối thoại Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua Covid-19.

PV: Theo kết quả khảo sát mới nhất của VCCI, tính đến 31/12/2020, đã có ít nhất 95 văn bản được Chính phủ và chính quyền các địa phương ban hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19. Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu, các doanh nghiệp đánh giá thế nào về hiệu quả của các chính sách này, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Từ góc nhìn thực tiễn và điều tra doanh nghiệp, có thể thấy, một trong những thế mạnh của Việt Nam là phản ứng chính sách tốt. Các doanh nghiệp đều khẳng định chính sách hữu ích, đúng nhu cầu của doanh nghiệp, tốc độ ra chính sách nhanh.

Năm 2020, Covid-19 bùng phát tại Việt Nam vào tháng 2, thì ngay đầu tháng 3, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg. Sau đó, các bộ, ngành, địa phương cũng kịp thời ban hành các văn bản thực thi, với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 

Tuy nhiên, hiệu ứng của các chính sách hỗ trợ tương đối đa dạng, có chính sách đi vào cuộc sống ngay, được đánh giá tốt như việc giãn các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…, hay giảm tiền thuê đất, mang lại lợi ích tức thì cho doanh nghiệp.

Ngược lại, có chính sách chậm đi vào cuộc sống, như hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Dù được ban hành từ tháng 4/2020, nhưng tính đến tháng 10/2020, hầu như không doanh nghiệp nào tiếp cận được, bởi vì điều kiện của nhóm chính sách này quá cao. Sau khi Thủ tướng chỉ đạo rà soát, sửa đổi, thì tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được đã cải thiện.

Các doanh nghiệp cũng hiểu rằng, nguồn lực của Chính phủ không nhiều, nên chính sách hỗ trợ tương đối khiêm tốn, song khi đã đưa ra gói hỗ trợ, thì cần nhanh chóng đi vào cuộc sống. Một vấn đề nữa là qua điều tra, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn gặp khó khăn.

PV: Như ông chia sẻ, chính sách thuế năm 2020 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Vậy năm nay, có nên giãn/miễn thuế cho doanh nghiệp không và nếu có, thì cần “liều lượng” thế nào?

Ông Đậu Anh Tuấn: Nhà nước ta không dồi dào tiền để chi hỗ trợ doanh nghiệp bằng các gói hoành tráng như các nước. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, tốt nhất là tập trung vào các nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời. Nếu họ vượt qua được giai đoạn này, thì việc làm vẫn được đảm bảo, họ sẽ nộp các các khoản ngân sách trong thời gian tới. Chính sách hỗ trợ nếu nhắm trúng được nhóm doanh nghiệp này là lý tưởng nhất. Còn những doanh nghiệp không cạnh tranh được, thì phải tuân thủ quy luật sàng lọc thị trường.

Thứ hai là chính sách mà nhiều chuyên gia cho rằng có thể thực hiện được, đó là giảm lãi suất cho vay hơn nữa; hay những nguồn lực mà Nhà nước chưa sử dụng như các quỹ bảo hiểm, có thể dành ra để tiếp tục giãn, giảm cho doanh nghiệp.

Nhưng nhóm giải pháp tôi cho rằng rất quan trọng, có lợi ích, công bằng cho tất cả doanh nghiệp mà Nhà nước không cần bỏ nhiều nguồn lực là cắt giảm chi phí thủ tục, thời gian, cắt giảm thủ tục hành chính.

Việc cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính là chủ trương rất lớn của Nhà nước đã tiến hành thời gian qua, nhưng trong bối cảnh hiện nay cần làm nhanh hơn, thực chất hơn. Nhiều doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, nếu các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai… mà rút ngắn, thì đó là hỗ trợ lớn nhất, quan trọng nhất. Nếu được đẩy nhanh, nhóm giải pháp này sẽ hữu ích, bền vững hơn.

PV: Thưa ông, về chính sách tín dụng, có nên xem xét việc hạ chuẩn cho vay hay không?

Ông Đậu Anh Tuấn: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng không phải là hạ chuẩn, bởi vì chất lượng, sự an toàn của hệ thống tín dụng đặc biệt quan trọng cho năng lực cạnh tranh dài hạn của nền kinh tế và tất cả doanh nghiệp.

Trong năm vừa qua, có những khoản nợ mà do khó khăn rất khách quan do dịch bệnh, các doanh nghiệp và cả ngân hàng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ… từ Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Những điều chỉnh này đã giúp nhiều doanh nghiệp tốt thoát khỏi việc rơi vào danh sách đen để có cơ hội vay vốn trong thời gian tới. Nhưng dịch đang kéo dài hơn và nhiều doanh nghiệp cùng ngân hàng đang rất trông chờ vào việc sửa đổi Thông tư 01 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, các ngân hàng ảnh hưởng rất quan trọng với doanh nghiệp, họ có thể chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và nền kinh tế qua việc giảm lợi nhuận của mình, giảm tối đa các chi phí hoạt động để có điều kiện giảm hơn nữa lãi suất. Các ngân hàng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ bằng cách giảm phí các dịch vụ, cung cấp các dịch vụ không thu tiền…

Theo tôi, cần thúc đẩy chắp mối, liên kết giữa doanh nghiệp và các ngân hàng. Về dài hạn, cần có các giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tốt hơn trong quản trị, chuẩn mực hơn trong sổ sách, hồ sơ quy trình để có năng lực vay vốn tốt hơn.

Ngoài ra, có thể thúc đẩy những chương trình vay vốn không dùng tài sản thể chấp; xem xét cho vay tín chấp, sử dụng những hợp đồng hình thành trong tương lai… Các doanh nghiệp cũng mong muốn việc thẩm định giá trị các tài sản công bằng và đúng với thị trường hơn...

Tôi cho rằng, giải pháp tín dụng phải dựa trên nền tảng tín dụng tốt, những giải pháp tôn trọng quy luật thị trường. Phải tăng cường thông tin giữa hai bên, tăng cường hoạt động xúc tiến, nâng cao chất lượng các doanh nghiệp tư nhân.

PV: Về phía doanh nghiệp, theo ông, họ cần làm gì để tiếp cận, thực thi chính sách hiệu quả?

Ông Đậu Anh Tuấn: Qua điều tra của VCCI, một trong những tín hiệu tích cực trong năm qua là sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Có 92 - 96% doanh nghiệp áp dụng giải pháp để thích ứng với Covid-19. Trong dịch bệnh, doanh nghiệp lớn có khả năng thích ứng, đầu tư để chuyển đổi tốt hơn, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa mới là nhóm chiếm đa số, nên rất cần vai trò của Nhà nước, chẳng hạn chương trình chuyển đổi số…

Năm 2021, doanh nghiệp chưa qua hết khó khăn, nên phải tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Về dài hạn, cần có chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để nhiều doanh nghiệp nhỏ bắt kịp xu hướng công nghệ, phát triển bền vững hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top