Aa

Thủ tục về đất đai và quy hoạch "hành" doanh nghiệp

Thứ Năm, 26/11/2020 - 14:13

Tỷ lệ doanh nghiệp từng gặp khó khăn liên quan đến các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và quy hoạch xây dựng, đô thị xếp cao nhất trong nhóm các thủ tục hành chính về xây dựng.

Thông tin trên được chỉ ra tại báo cáo đánh giá nhanh về các thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính liên quan do nhóm nghiên cứu thuộc Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây dựa trên khảo sát đối với khoảng 10.000 doanh nghiệp dân doanh và FDI.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một khảo sát toàn quốc đã được tiến hành và thu được phản hồi từ khoảng 10.000 doanh nghiệp trong đó xấp xỉ 2.100 doanh nghiệp (gồm 82% là doanh nghiệp dân doanh trong nước và 18% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần nhất.

Thủ tục về đất đai và quy hoạch “hành” doanh nghiệp nhất

Kết quả cho thấy, trong 13 thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng được khảo sát thì xếp cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp từng gặp khó khăn là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Cụ thể, tỷ lệ này lần lượt là 58,4% và 52,2% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện hai nhóm thủ tục này.

13 nhóm thủ tục được nhóm nghiên cứu thuộc VCCI khảo sát các doanh nghiệp

Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu, phản hồi của doanh nghiệp cho thấy do hoạt động đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư xây dựng thông thường thuộc phạm vi thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tuy nhiên trong thực tế khâu đền bù và giải phóng mặt bằng tại các dự án chưa có mặt bằng sạch, các doanh nghiệp thường phải tự đứng ra tự đàm phán, thỏa thuận với người dân. Khâu này rất dễ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện đất đai dễ xảy ra khiến các dự án bị đình trệ kéo dài.

Hai nhóm thủ tục liên quan đến đất đai, GPMB và quy hoạch được các doanh nghiệp "sợ" nhất

Cũng theo kết quả của nhóm khảo sát, có khoảng 52% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị. Do đó, việc bãi bỏ các thủ tục cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch xây dựng theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch do Quốc hội ban hành vào ngày 20/11/2018 được kỳ vọng sẽ từng bước có những tác động tích cực đến quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng của doanh nghiệp.

Còn nhiều “nỗi sợ”

Ngoài 2 thủ tục đứng đầu bảng về độ gây khó khăn, các doanh nghiệp cũng còn nhiều nỗi sợ khác mang tên thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng.

Thứ nhất, hai thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy được doanh nghiệp thường xuyên thực hiện nhất nhưng việc tuân thủ hai thủ tục này của doanh nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn là “Thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy” và “kiểm tra, thanh tra về phòng cháy chữa cháy”. Điều đáng chú ý là tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai thủ tục này khá cao, lần lượt là 38,3% và 34%.

Thứ hai, là việc thanh tra, kiểm tra về xây dựng còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Thanh tra, kiểm tra về xây dựng là một hoạt động phổ biến mà các doanh nghiệp cũng thường gặp phải trong quá trình xây dựng. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động này của các cơ quan nhà nước. Điều này có thể do việc thanh tra chồng chéo, trùng lặp về nội dung và đối tượng hoặc thậm chí là cán bộ thanh tra “gây khó khăn” từ góc độ phản ánh của doanh nghiệp.

Thứ ba, chi phí không chính thức là vấn đề gây phiền hà hàng đầu cho doanh nghiệp. Chỉ khoảng 69% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ không phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng.

Nói cách khác, điều này cho thấy xấp xỉ 30% doanh nghiệp thừa nhận đã trả loại chi phí này ở một hoặc một số thủ tục hành chính nào đó trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Thứ tư, là việc chưa đảm bảo thời hạn giải quvết thủ tục hành chính. Có khoảng 23% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng thời gian giải quyết hồ sơ chưa đúng với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top