Loạn giá
Tháng 4/2017 gay sau khi các hoạt động khai thác cát bị tạm ngừng, đã diễn ra cơn sốt giá cát và có tình trạng mỗi nơi bán một giá. Đến nay, cơn sốt giá vẫn chưa có dấu hiệu giảm, trong khi tình trạng mỗi nơi bán một giá ngày càng phổ biến.
Đơn cử, tại một đại lý vật liệu xây dựng trên đường Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận (TP.HCM), báo giá cát xây tô là 600.000 đồng/m3, giá cát đổ bê tông lên tới 650.000 đồng/m3 và thấp nhất là giá cát san lấp ở mức 500.000 đồng/m3.
Đặc biệt, có những cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM còn “hét” giá lên tới 780.000 - 800.000 đồng/m3 đối với loại cát đẹp, còn đối với những loại chất lượng kém hơn khi có kèm lẫn cây gỗ mục, bùn đen, mức giá cũng dao động từ 600.000 - 750.000 đồng/m3.
Trong khi đó, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Hoàng Nam trên đường Hà Huy Giáp, quận 12, lại báo giá cát xây tô là 580.000 đồng/m3, cát san lấp được bán với giá 450.000 đồng/m3.
Chị Hoa, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh cho biết, loại cát đẹp có giá cao vậy là do nguồn hàng rất phập phù, lúc có lúc không, nhiều lúc có tiền cũng không mua được.
“Cát bây giờ khan hiếm lắm, nhiều lúc còn không có để bán đâu. Nếu muốn mua thì phải chấp nhận chịu giá cao thôi. Trước kia, cát chất lượng kém chỉ dùng để đổ nền chứ ít khi dùng để xây,, nhưng nay cát hiếm quá nên nhiều người vẫn phải giành nhau mua”, chị Hoa cho biết.
Việc giá cát xây dựng bị đẩy lên cao và khó kiểm soát về giá như hiện nay thì người chịu thiệt chính là người dân và những chủ thầu xây dựng.
Chia sẻ với phóng viên, nhiều chủ thầu xây dựng cho biết, đã thông báo với chủ đầu tư về khả năng công trình sẽ bị đội giá, đồng thời đề nghị chủ đầu tư chia sẻ thêm rủi ro với nhà thầu sau khi công trình hoàn tất nhưng bất thành.
“Khi cát bắt đầu tăng giá tôi đã thương lượng lại với chủ nhà về mức thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, chủ công trình cũng chỉ chia sẻ chứ không đồng ý thay đổi giá toàn bộ. Nếu tình trạng này kéo dài, không những không có lời, mà nguy cơ sẽ phải bù lỗ”, anh Nam, chủ thầu xây dựng công trình dân dụng tại quận Thủ Đức cho biết.
Vật liệu thay thế có khả thi?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, trong bối cảnh giá cát tự nhiên đang ở mức rất cao, việc sử dụng cát nhân tạo thay thế cát xây dựng tự nhiên sẽ là giải pháp thiết thực.
Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Văn Miền, Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng Trường đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết, hiện nay, loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên là cát nhân tạo. Đây là loại cát lượng nghiền từ đã, có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể trộn lẫn theo tỷ lệ phù hợp với cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng.
“Trong quá trình nghiền đã sẽ tạo ra rất nhiều loại hạt, nếu phối trộn giữa cát nghiền với cát tự nhiên theo tỷ lệ khác nhau sẽ tạo ra bước hỗn hợp phù hợp với quy chuẩn cho xây dựng”, ông Miền nhấn mạnh.
Còn theo ông Châu, ngoài đá xay, xỉ thép từ các nhà máy luyện kim sau khi tái chế cũng là một nguồn vật liệu thay thế cát xây dựng về lâu dài. Ngoài ra, tra, thạch cao có thể thay thế cát làm nền.
Trong khi đó, trao đổi về việc sử dụng cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên, đa số các nhà thầu đều “lắc đầu”. Bởi theo các nhà thầu, giá cát nhân tạo vốn dĩ đã rất cao, thường không phải là lựa chọn phổ biến để xây dựng công trình trung bình và nhỏ. Hơn nữa, đối với các công trình đang thi công, việc thay thế vật liệu là điều cực kỳ tối kỵ, vì tính an toàn và đồng bộ.
“Mặc dù các giải pháp thay thế cát xây dựng đã có, nhưng giá thành cao và chỉ áp dụng được trong một số trường hợp nhất định”, một chủ thầu xây dựng cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước ngoài việc siết chặt việc khai thác cát tự nhiên, cũng cần có những kế hoạch và phương án để khai thác, sử dụng nguồn cát tự nhiên hiệu quả. Tránh tình trạng nguồn cung cát xây dựng khan hiếm như hiện nay kéo dài, gây xáo trộn cho thị trường vật liệu xây dựng, ảnh hưởng tới thị trường bất động sản và xây dựng./.